“Mùa yêu” trên cao nguyên Mộc Châu

Mùa vui xuân cũng là mùa yêu, nam thanh nữ tú rủ nhau đi bắt vợ. Cao nguyên chè Mộc Châu xanh mơn mởn những búp non. Từng tốp thanh niên bản trên xóm dưới trong trang phục sặc sỡ sắc màu, đi tìm “một nửa” của mình.

Ưng lòng mới là của nhau

Đại diện Công ty chè Ligarden Việt Nam ở cao nguyên Mộc Châu giới thiệu đồi chè hình trái tim, hình vân tay, và mời chúng tôi tham quan. Đến lưng chừng đồi chè, chúng tôi thấy từng tốp nam, nữ đứng chuyện trò, có đôi thì đang giằng co nhau. Anh Phạm Văn Sơn, Phó Giám đốc điều hành Công ty chè Ligarden Việt Nam cho biết: “Nam nữ người Mông đang tìm hiểu nhau và bắt vợ đấy. Năm nào cũng vậy, vào dịp này là thanh niên các bản lại về đây, trò chuyện rôm rả lắm”.

Nếu không yêu nhau, dù bị kéo về làm vợ thì cô gái vẫn tìm mọi cách để trốn.


Xế chiều, thời tiết se lạnh. Các đôi cứ vẫn giằng co giữa đồi chè, người ra sức kéo, người mắm môi chống trả. Anh Lầu A Của, 22 tuổi ở bản Ba Khem 2, thị trấn nông trường Mộc Châu buông khỏi tay cô gái, thở hổn hển. “Cô ấy không đồng ý, có người yêu rồi” Anh Của cho hay. Được một lúc, Của không bỏ cuộc, tiếp tục tới kéo tay cô gái lại gần xe máy mà cậu bạn đang chờ sẵn. Anh xốc cô gái lên, cô dãy dụa và bỏ chạy ra xa.

Ngạc nhiên, tôi tiến lại gần cô gái hỏi ra mới biết, cô là Sùng Thị Dé, 18 tuổi ở xã Tân Lập (huyện Mộc Châu). Lấy chiếc lược trong túi chải tóc, Dé cho biết: “Em không đồng ý, bắt sao được”. Đôi má ửng hồng, Dé nở nụ cười tươi rồi quay đi cùng các bạn gái.

Đứng bên quan sát bạn bắt vợ, Mùa A Tý, 17 tuổi ở bản Pa Khem 3, thị trấn nông trường Mộc Châu, học sinh lớp 12 tỏ vẻ hạnh phúc, vì sau xe có cô gái Vàng Thị Giánh đang ôm chặt. Hỏi tình yêu của đôi trai gái, Tý cho biết: “Chúng em yêu nhau hai năm rồi. Khi ấy em đang học, chưa đến tuổi kết hôn nên vẫn chờ”. Tý cho biết hai người nam, nữ phải yêu nhau và đồng ý lấy nhau nhưng giả vờ đi bắt cho đúng tục lệ, nếu không có tình cảm thì bắt về cũng không được, cô gái sẽ bỏ trốn ngay. Tý vui vẻ cho chúng tôi biết cụm từ tiếng Mông “cô nhá có” - nghĩa là “anh yêu em”. Giải thích xong, Tý và Giánh cười tươi rồi lên xe máy xuống núi.

Chung thủy vì yêu

“Đã yêu nhau thì phải chung thủy, dù người yêu ở xa, mùa bắt vợ thấy các bạn yêu nhau thì em buồn, nhưng yêu nhau thì phải cố gắng”, Mùa Thị Say, 20 tuổi, đang theo học trung cấp quản trị văn phòng ở huyện chia sẻ. Khuôn mặt Say hình trái xoan, đôi mắt hiền, má đồng tiền, xinh xắn và nổi trội hơn các cô gái khác. Say lên mạng facebook và quen bạn trai ở Thái Nguyên, hai người chấp nhận yêu nhau. Tám tháng yêu, Say mới gặp bạn trai được một lần và nhận lời chờ đợi. Say cho biết, ở xã có nhiều người đến rủ đi chơi và ngỏ lời yêu cô nhưng cô không đồng ý, chờ người mình yêu thôi.

Khi đã yêu nhau rồi, thì hình thức bắt vợ chỉ là tục lệ.


Cô bạn ngồi sau xe Say là Lầu Thị Hoa, 16 tuổi, cũng có hoàn cảnh tương tự. Cô có bạn trai ở huyện bên, nên hai người cùng đi cho đỡ buồn. Tôi hỏi, bạn trai ở xa không sợ cậu ấy đi bắt vợ khác à? Hoa cho biết: “Yêu nhau thì phải tin nhau, buồn nhưng sau này lại gặp nhau thôi”. Đôi bạn gái ôm nhau cười khúc khích. Mặt trời xuống núi, du khách ở xa đến tham quan đồi chè hình trái tim ra về. Xa xa, các đôi nam nữ người Mông vẫn đứng sát nhau, thủ thỉ “về làm vợ anh nhé!”

Bài và ảnh: Tiến Minh

Mùa kéo vợ của người Dao ở Vàng Ma Chải
Mùa kéo vợ của người Dao ở Vàng Ma Chải

Vàng Ma Chải là xã biên giới, nằm cách thị xã Lai Châu khoảng gần 100km, có hai dân tộc sinh sống, trong đó người Dao đỏ chiếm 90% dân số. Vào mùa xuân, khi tiết trời ấm dần, các chàng trai nhộn nhịp rủ nhau đi kéo vợ. Tục lệ này đã có từ xa xưa và đã được gìn giữ đến hôm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN