Mưu sinh nghề múa

Hơn 5 năm trở lại đây, các nhóm múa ở thành phố Vũng Tàu chuyên phục vụ đám cưới ăn nên làm ra, vào mùa cưới, họ tất bật chạy sô múa cho nhà hàng nọ, khách sạn kia. Bên cạnh kiếm thêm thu nhập, họ còn mang đến cho quí khách phút giây thư giãn, góp cho cô dâu, chú rể thêm phần hạnh phúc trong ngày cưới, dẫu vẫn biết ẩn giấu trong điệu múa ấy là bao trăn trở nhọc nhằn và những giọt mồ hôi.

Đem niềm vui đến cho mọi người

Là diễn viên múa sô lít của Đoàn Ca múa nhạc ở thành phố biển, Thu Hiền và Khắc Điệp đầu quân vào trung tâm tiệc cưới nhà hàng Đông Xuyên phường Rạch Dừa, thành phố Vũng Tàu từ cuối năm 2004. Với tên gọi “Newsta” nhóm múa của Hiền liên tục làm cho khách hài lòng. Niềm vui mà những người dự đám cưới sẻ chia với Hiền và các bạn của cô không chỉ là những tràng pháo tay, mà còn cả sự khâm phục cô gái xứ Nghệ trẻ trung, chịu khó múa dẻo điệu đà này.

Thu Hiền và Khắc Điệp trong vũ khúc “Bản tănggô cho em” phục vụ đám cưới ở nhà hàng Đông Xuyên.

Ở Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hiền là người múa khá nhất. Những tố chất của cô gái xứ Nghệ được đào tạo cơ bản qua 4 năm ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội đã vun đắp cho cô tình yêu nghệ thuật. Hiền bảo: “Làm cho nghề sống với mình, mình sống bằng nghề múa. Đồng lương cơ bản tuy là ổn định song chẳng thấm vào đâu. Múa ở đám cưới tuy nhọc nhằn nhưng cũng nhiều niềm vui. Bên cạnh những tràng pháo tay của khán giả, mình đã góp phần làm cho cô dâu chú rể thêm hạnh phúc trong ngày cưới”.

- Mỗi sô múa Hiền nhận được bao nhiêu thù lao? Tôi hỏi.

- Trước đây cứ múa một bài là 200 ngàn đồng. Từ ngày nhà hàng Đông Xuyên tổ chức 3 tiệc cưới một lúc, chúng em phải chạy sô 3 sảnh liền. Múa 1 sảnh thì 300 ngàn đồng, 2 sảnh 500 ngàn đồng, sảnh thứ 3 thêm 200 ngàn đồng nữa. Chủ yếu vẫn là 2 ngày nghỉ cuối tuần. Để làm mới mình, nhóm phải thường xuyên thay đổi bài. Sáng múa dân gian, chiều múa hiện đại, ngày mai múa ba lê. Vào mùa cưới, nhà hàng này gọi, khách sạn kia mời, song cũng chỉ chạy được một nhà hàng thôi bởi không kịp thời gian làm lễ. Mỗi lần múa xong, mồ hôi ra như tắm.

Nhóm múa Newsta luyện tập trước giờ biểu diễn.

Là thành viên nhóm múa Newsta, nam diễn viên múa Tạ Khắc Điệp tâm sự: “Đi múa ở nhà hàng, khách sạn là điều kiện để mỗi diễn viên rèn luyện, nâng cao tay nghề và thể hiện sự năng động, nhanh nhạy với thời cuộc. Nghề múa cũng như nghề hát, cứ nhiều sô là ấm rồi. Tuy thù lao so với ở Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn, song cũng đủ để trang trải cuộc sống”.


Cũng như nhóm múa Newsta, vợ chồng Mai Hiên chuyên múa cho nhà hàng Phương Hoa cũng là cặp ăn khách. Trước đây, họ múa theo lời mời của nhà hàng, khách sạn. Từ ngày nhà hàng Phương Hoa mở 5 sảnh cưới, họ chuyên chạy sô ở đây. Ngày thứ bảy, chủ nhật, họ múa một “vệt” 5 sảnh/ buổi, cả ngày múa 10 sảnh. Hôm gặp tôi ở nhà hát Điện Biên (Vũng Tàu), Mai tâm sự: “Múa vất vả lắm anh à, nhưng không chạy sô thì sẽ đói dài. Mình phục vụ cho đám cưới cũng có thêm thù lao trang trải cho cuộc sống ”.

Phía sau ánh đèn sân khấu

Trở về sau ánh đèn sân khấu, Hiền vội vã ghé bên đường mua đồ ăn, hoặc là hộp cơm, hoặc là ổ bánh mì cho con rồi về căn phòng tập thể của mình ở Đoàn ca múa nhạc. Niềm hạnh phúc của chị là cùng chồng và con trai quây quần bên mâm cơm sau một tuần chạy sô khó nhọc. Hiền tâm sự: “Nhiều bữa vừa tập ở đoàn về là khăn gói đến nhà hàng ngay cho kịp giờ. Thà đến sớm ít phút cho nhà hàng yên tâm còn hơn đến muộn. Con trai gửi ông bà. Có hôm múa xong ở nhà hàng Đông Xuyên, em còn đi dạy thể dục nhịp điệu cho Hội Phụ nữ phường 9, khuya về con đã ngủ rồi. Chồng em cũng là nhạc công. Anh ấy thông cảm và chia sẻ với em. Mọi người cứ nghĩ diễn viên múa hào hoa vương giả, có ai biết sau ánh đèn sân khấu là bao lo toan cơm áo gạo tiền”. Rồi Hiền “khoe”: “Hơn 5 năm chạy sô, vợ chồng em đã mua được 1 mảnh đất ở phường 9. Khi có tiền em sẽ làm nhà riêng”.

Cuộc sống khá hơn Thu Hiền, vợ chồng Mai Hiên đã có nhà riêng và sắm được xe hơi. Sau những động tác lăn lê, bò trườn ở Đoàn ca múa, họ vội vã đến nhà hàng chạy sô. Hơn 5 năm qua, vợ chồng chị gắn bó với nhà hàng này và luôn giành được những tràng pháo tay của khán giả, đó là niềm động viên lớn lao nhất để gắn bó với nghề. Khi hỏi về động lực nào khiến chị chạy sô? Mai tâm sự: “Múa là hơi thở, là nhựa sống của tôi. Là diễn viên múa, tôi muốn đem tình yêu nghệ thuật tỏa sáng trên sân khấu. Thù lao giúp chúng tôi có thêm thu nhập ổn định cuộc sống, song ý nghĩa cao cả hơn vẫn là niềm đam mê máu thịt với nghề ”.

Có lẽ những vũ công đắt sô như Thu Hiền, Khắc Điệp, Lan Anh, Hưng ở Vũng Tàu không nhiều. Mỗi người có điều kiện, tay nghề khác nhau, song ai cũng có điểm chung là đam mê nghề múa, muốn tỏa sáng nghề múa của mình, dẫu vẫn biết nghề múa nhọc nhằn và không ít mồ hôi.

Bài và ảnh: Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN