Tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, xã Đắk Som, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) có hàng trăm người dân di cư từ nhiều nơi đến mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá, nuôi cá bè, bất chấp điều kiện khó khăn, nguy hiểm sẽ ập đến bất cứ lúc nào.
Cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 50km, nhưng với hơn 4km đường đất đá lởm chởm khiến con đường vào xóm nhà nổi gặp rất khó khăn. Càng vào sâu trong lòng hồ mới thấy được một cộng đồng cư dân sống trên mặt nước bằng nghề cá, thuyền chở thuê... Hai bên bờ được bao vây bởi hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ. Đi dạo trên chiếc xuồng mới cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên chiếm lĩnh hình ảnh con người nhỏ bé với hàng chục ngôi nhà nổi lênh đênh trên mặt hồ, con sóng đu đưa nhẹ nhàng khiến cuộc sống nơi đây rất êm đềm, lặng lẽ.
Đập chính của thủy điện Đồng Nai 3. Ảnh: Trần Hữu Hiếu- TTXVN |
Trước kia, đây là vùng đất sinh sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đa số là người dân tộc Mạ (thuộc xã Đắk P’lao cũ). Từ khi thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, gần hai năm nay đã có hàng trăm người làm nghề cá tụ họp thành xóm nhà nổi để mưu sinh. Người bản địa đã về nơi mới, để lại một “vùng đất hứa” cho những người yêu sông nước. Thủy điện vô tình đã tạo nên một luồng gió mới, “chở” niềm tin cho những người tứ xứ hành nghề đánh cá trên lòng hồ, nuôi cá bè, chạy thuyền chở khách thuê… Chỉ với gần 10 thùng phuy, tre nứa, tôn, ván… những người hành hương đến thủy điện Đồng Nai 3 đã dựng lên một căn nhà vừa là nhà ở, vừa là bè nuôi cá.
Chị Tâm - một chủ nhà bè cho biết: “Đa số bà con ở đây vừa nuôi cá vừa đánh bắt cá tại lòng hồ này. Chúng tôi nuôi cá lóc, cá tre là chủ yếu, vì những loại cá này dễ nuôi, lớn nhanh, nguồn thức ăn chủ yếu là cá nhỏ rất dễ bắt tại lòng hồ này. Cá ở đây đều bán cho các lái buôn hay các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ ở xã, thị trấn với giá khoảng 40 nghìn đồng/kg....”. Cuộc sống lênh đênh nơi biển hồ, nước lên thì lên, nước xuống thì xuống theo, nhưng những con người ở đây luôn nỗ lực mong muốn một cuộc sống ấm no hạnh phúc, kiếm từng chút, từng chút để dành dụm cho một ước mơ khác.
Đối với dân xóm nhà nổi, tạp hóa nho nhỏ với vài chai nước ngọt, bánh kẹo… như một món quà vô giá để họ có thể lo cho cái ăn cái uống hàng ngày. Anh Phạm Hoàng Thông, chủ của một thuyền chở thuê cho biết: “Rời khỏi vùng đất Lâm Đồng tới đây, cuộc sống rất khó khăn, bị cô lập nhiều thứ. Đường đi lại khó khăn. Nhưng anh em ở đây giúp đỡ nhau, cùng nhau làm ăn, tới đâu hay tới đó".
Đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3, nhưng những người hành nghề đánh cá, chở thuê vẫn với những chiếc thuyền tự chế đơn sơ, những chiếc thuyền kiên cố, với áo phao rách tả tơi được treo bên góc thuyền. Chú Ba Keng tâm sự: “Từ khi có nước lòng hồ thủy điện, đã có nhiều người không may bị chết đuối, đánh cá bị lật ghe. Nhưng chuyện đó cũng chẳng làm họ sợ đâu. Cuộc sống may nhờ rủi chịu”. Những đứa trẻ trên nhà bè vẫn vô tư đùa vui, mà chính người lớn cũng không hề hay biết “tử thần” sẽ đến bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, cuộc sống khó khăn đã đẩy nhiều em ở tuổi ăn tuổi học phải đi theo cha mẹ đánh bắt cá giữa hồ.
Sự xuất hiện cư dân xóm nhà nổi đã làm cho hồ thủy điện Đồng Nai 3 náo nhiệt, đông vui. Ông Lê Văn Tha, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết: “Khi chưa có thủy điện, khu vực lòng hồ thuộc về xã Đắk P’lao, nhưng sau khi ngăn dòng thì toàn bộ dân cư khu vực này thuộc về xã Đắk Som. Đa số những người hành nghề nuôi cá, đánh cá, chở thuê là người từ địa phương khác. An ninh trật tự vẫn đảm bảo, bà con mưu sinh bằng chính năng lực của mình”. Cuộc sống mưu sinh của “xóm nhà nổi” vẫn tiếp tục và những khó khăn, nguy hiểm vẫn luôn rình rập.
K’GỬIH