Chỉ đạo kịp thời
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021, trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4 năm 2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.
Ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị 661/CT-BNN-TL ngày 23/01/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024. Trong các văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, khu vực và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực.
Từ ngày 10-15/3/2024 xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Chủ động ứng phó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp tục ký Công điện số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 yêu cầu Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Y tế, Quốc phòng, Công an, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức theo dõi sát tình hình, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CT-TTg ngày 15/1/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến nguồn nước, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, triển khai các phương án để từng bước chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.
Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng quản lý nhà nước được giao…
Dự báo nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Khu vực Trung Bộ và Nam Bộ có nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến giữa tháng 5/2024, tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể xuất hiện 3 đợt xâm nhập mặn (từ ngày 08 đến 13 tháng 4, từ ngày 22 đến 28 tháng 4 và từ ngày 07 đến 11 tháng 5 năm 2024), nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân có thể tiếp tục xảy ra, nhất là tại các khu dân cư trên các cù lao, đặc biệt trong bối cảnh nguồn dự trữ nước ngọt đã suy giảm sau những đợt nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Giọt nước nghĩa tình
Trước yêu cầu, ứng phó với đợt hạn mặn khốc liệt này, không chỉ hệ thống chính trị các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục khó khăn mà nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần đoàn kết, nghĩa cử cao đẹp đã góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp về sự tương trợ lẫn nhau để người dân nơi hạn mặn giảm cơn khát.
Hình ảnh xe bồn chở nước bơm trực tiếp vào dụng cụ chứa nước tại nhà cho các hộ thiếu nước sinh hoạt không còn lạ lẫm đối với người dân sinh sống tại xã biên giới Bù Gia Mập (Bình Phước). Hằng ngày, cả thứ Bảy, Chủ nhật, tại xã biên giới Bù Gia Mập, những chiếc xe bồn của các lực lượng liên tục vận chuyển cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, thôn ấp đặc biệt khó khăn.
Thiếu tá Đinh Thế Cộng, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập cho biết, việc cấp nước sinh hoạt miễn phí giúp người dân không phải đi mua nước (giá khoảng 70.000 đồng/m3). Cấp nước sinh hoạt miễn phí tận nhà còn giúp người dân chủ động ổn định đời sống, vượt khó trong mùa hạn kéo dài.
Người dân trong vùng hạn xã Bù Gia Mập được cấp nước miễn phí đến tận nhà đã vô cùng vui mừng trước sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng địa phương, quân đội... Việc cấp nước miễn phí giúp người dân tạm thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt, ổn định đời sống trong mùa nắng hạn kéo dài.
Bà Thị Rí, thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập cho biết: "Nhiều tháng qua không có giọt mưa nào nên giếng nước nhà tôi khô cạn. Được chính quyền địa phương, quân đội cùng các lực lượng khác cấp nước miễn phí, tôi rất vui mừng và cảm ơn chính quyền các cấp, các đơn vị đã phối hợp cấp nước sinh hoạt miễn phí đến người dân."
Chưa năm nào hạn mặn và thiếu nước sớm, kéo dài như năm nay, theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An không để người dân bị thiếu nước. Tại địa bàn, các ngả đường đều đặt bồn nước dán nhãn "nước miễn phí". Nhiều xe bồn, xe máy ba gác chở bồn chứa nước gắn dòng chữ "nước miễn phí", được chuyển đến những nơi thiếu nước để cấp nước cho người dân sử dụng.
Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Trụ (Long An) đã tiếp nhận 2 chiếc xe tải quân sự cùng hệ thống bồn chứa là phương tiện cung cấp nước hằng ngày cho người dân. Từ nay cho đến mùa mưa, Ban Chỉ huy quân sự huyện Tân Trụ sẽ cố gắng bảo đảm cung cấp đầy đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho những hộ thiếu nước.
Tỉnh đoàn Long An xây dựng kế hoạch, phối hợp với doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt huy động các câu lạc bộ thiện nguyện chung tay hỗ trợ nước cho người dân. Các mô hình: Đội tình nguyện Bạn hữu đường xa "Tân An - Long An", Bạn hữu đường xa "Châu Thành - Long An" và Team R - H cùng các nhà hảo tâm thực hiện chương trình "Giọt nước nghĩa tình" đã lan tỏa tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân Việt Nam.
Anh Lư Bác Tòng, đoàn viên, thanh niên xã Đông Thạnh cho biết, hơn một tháng qua thanh niên cùng lực lượng dân quân tại địa phương làm nhiệm vụ hỗ trợ xe chở nước đến bồn, tiếp nước trực tiếp cho người dân khi họ mang can đến lấy nước. Bên cạnh đó, "Đội shipper thanh niên" mang nước tới tận nhà các hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn cũng như người già neo đơn. Người dân nơi đây đang san sẻ những giọt nước mát lành, cùng nhau vượt qua thời điểm nắng nóng gay gắt của mùa khô 2023-2024.
Có thể thấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Chính vì thế, nghĩa cử cao đẹp về những giọt nước nghĩa tình đã không chỉ góp phần giảm thiểu khó khăn của người dân vùng hạn mặn mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái và truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nhắc tới những vườn trái cây trĩu quả, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, từng đoàn thuyền, ghe tấp nập di chuyển trên các con sông, lạch… Nhưng nguy cơ biến mất những giá trị này đã hiện hữu cần tiếp tục có giải pháp căn cơ, lâu dài hơn nữa, để giữ gìn sự trù phú nơi vùng đất phía Nam Tổ quốc.