Là địa phương có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao nên từ nhiều năm nay, Đắk Lắk thu hút ngày càng đông đồng bào các tỉnh, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch vào làm ăn sinh sống.Tuy nhiên đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch đã kéo theo tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất.* Đồng bào di cư đến đâu rừng tự nhiên thu hẹp đến đóTheo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đồng bào di cư từ nơi khác đến ngoài kế hoạch cùng với đồng bào di cư đến trong kế hoạch có nhiều yếu tố tích cực trong việc phân bổ lại dân cư, bổ sung cho các địa phương trong tỉnh lực lượng lao động dồi dào để phát triển kinh tế, đồng thời, đồng bào di cư đến cũng mang đến nhiều bản sắc văn hoá vùng miền làm tăng thêm vốn văn hoá đa dạng, phong phú góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tuy nhiên, tình trạng dân di cư đến ngoài kế hoạch cũng mang lại cho Đắk Lắk nhiều bất cập, hệ luỵ, nhất là gây xáo trộn, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tăng nhanh tỷ lệ hộ nghèo (đồng bào nghèo đói mới di cư đến ngoài kế hoạch), gia tăng các nhu cầu về y tế, giáo dục, giao thông...
Nghiêm trọng hơn, đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch luôn đi liền với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên để sản xuất. Chỉ riêng từ năm 2008 đến nay, đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch đã chặt phá, lấn chiếm trên 14.159 ha rừng tự nhiên để lập các khu sản xuất, khu dân cư trái phép. Thậm chí, đồng bào còn tự ý phá các cánh rừng tự nhiên để sang nhượng đất trái phép, xâm canh, lấn chiếm, tranh chấp đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tổ chức săn bắn, đưa các tệ nạn xã hội vào ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Tại thôn Ea Bra, xã vùng sâu Ea Trang (huyện Ma Đ’rắk) được hình thành từ năm 2010, với 169 hộ, 841 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông của 2 tỉnh Lào Cai và Hà Giang di cư đến ngoài kế hoạch. Xã đã hai lần tổ chức đưa đồng bào ra khỏi rừng để hình thành khu dân cư mới nhưng đồng bào vẫn vào sâu trong rừng phá rừng tự nhiên trái phép lấy đất làm nương rẫy.
Ông Thào A Tờ, 65 tuổi ở thôn Ea Bra cho biết, năm 2004, gia đình ông gồm 8 người từ Lào Cai di cư vào đây, vẫn biết phá rừng là sai, là vi phạm pháp luật nhưng không phá thì không có đất để sản xuất lúa, màu, không có cái ăn. Ông mong chính quyền địa phương sớm cho nhận rừng tự nhiên quản lý, bảo vệ để tăng thêm thu nhập không phá rừng trái phép nữa…
Còn tại huyện Ea Súp, đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch ồ ạt đổ vào đây làm cho hàng ngàn ha rừng nguyên sinh bị san bằng trái phép chuyển thành các khu sản xuất, các khu dân cư. Không chỉ diện tích rừng của các địa phương, các công ty lâm nghiệp bị chặt phá, lấn chiếm trái phép mà ngay cả rừng, đất rừng ở các khu bảo tồn thiên, vườn quốc gia cũng bị người di cư đến ngang nhiên lấn chiếm, chặt phá trái phép để lấy đất sản xuất.
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện nay vẫn còn trên 120 hộ dân là đồng bào Mông di cư đến ngoài kế hoạch ở các xã vùng sâu Cư Pui, Cư Drăm đang sinh sống bất hợp pháp trong các vùng rừng cấm, vùng rừng quy hoạch nhưng huyện không biết phải di dời đồng bào về đâu vì huyện không có điều kiện, không có nguồn lực để mở ra các dự án mới, đành chịu “lực bất tòng tâm”…
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 1976 đến năm 2013, tỉnh Đắk Lắk có gần 60.000 hộ, với 289.808 khẩu của trên 60 tỉnh, thành phố trong cả nước di cư đến ngoài kế hoạch đến cư trú ở 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong đó, di cư đến ngoài kế hoạch nhiều nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc.
Từ năm 2005 đến nay, số hộ đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch ngày càng giảm. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay chỉ có 1.503 hộ, với 7.578 khẩu của các tỉnh, thành di cư đến ngoài kế hoạch, bình quân mỗi năm chỉ còn 167 hộ di cư đến, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh phía Bắc di cư đến giai đoạn này chỉ còn 1.437 hộ, 7.377 khẩu.
Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 33% dân số toàn tỉnh. |
* Đầu tư để ổn định đời sống cho đồng bàoTỉnh Đắk Lắk xác định, ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch là vấn đề cấp bách trong chiến lược ổn định và phát triển bền vững vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng cần phải có sự tham gia của tất cả các cấp từ Trung ương đến chính quyền cơ sở.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, đối với các hộ dân di cư đến ngoài kế hoạch giai đoạn 1976 – 1995 cơ bản đã ổn định đời sống, chỉ còn giai đoạn từ 1996 đến nay chưa ổn định đời sống. Tỉnh Đắk Lắk đã quyết định phê duyệt 15/17 dự án quy hoạch đầu tư, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 5.762 hộ, với 25.927 khẩu, tổng kinh phí trên 670 tỷ đồng, trong đó, Trung ương đầu tư trên 490 tỷ đồng, địa phương trên 179 tỷ đồng.
Còn lại 765 hộ, với 3.442 khẩu tỉnh đã lập 2 dự án có tổng vốn đầu tư trên 141 tỷ đồng nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt. Hiện nay, do thiếu vốn nên tỉnh Đắk Lắk chỉ mới triển khai 11/15 dự án.
Tuy chưa hoàn thành, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, đời sống đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch vào sinh sống trong các vùng dự án đã có nhiều chuyển biến tích cực, bình quân mỗi hộ gia đình được cấp 400 m2 đất sản xuất, 40% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được chăm lo khám chữa bệnh miễn phí đa số các em trong độ tuổi đều được đến trường.
Tại các vùng nông thôn thực hiện 11 dự án ổn định đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch, tỉnh cũng đầu tư xây dựng được gần 225 km đường giao thông nông thôn, hàng chục cầu cống các loại, hàng trăm phòng học các cấp, 6 công trình thủy lợi, trạm xá, điện chiếu sáng… từng bước phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào.