Nan giải bài toán GTCC: Xe buýt nỗ lực lấy thị phần

Thành phố Hồ Chí Minh đang phát động chiến dịch khuyến khích cán bộ, công nhân viên đi xe buýt. Tuy nhiên, giá vé xe buýt sắp sửa tăng cùng với chất lượng xe buýt ngày càng đi xuống khiến nhiều người nghi ngờ tính khả thi của chủ trương này.

Vận động “đi lên”

Thực hiện chỉ thị của UBND TP.HCM vừa ban hành về tiết kiệm nhiên liệu, khuyến khích vận động người dân đi xe buýt , theo kế hoạch, đầu tháng 6 tới, TP.HCM sẽ thí điểm mở đợt vận động cán bộ, công chức, đảng viên, học sinh đi xe buýt hoặc sử dụng phương tiện không có động cơ để đi lại ít nhất một ngày/tuần. Tiếp đó, bắt đầu từ 1/9/2011 trở đi, sẽ mở rộng cuộc vận động đến tất cả các tầng lớp nhân dân TP, cổ động mọi người sử dụng xe buýt hoặc phương tiện không có động cơ đi lại ít nhất một ngày/tuần.

Từ nay đến năm 2015, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu vẫn là xe buýt. Ảnh: Lê Phú


Ông Lê Trung Tính - Trưởng phòng Quản lý vận tải và công nghiệp (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, chi phí đi lại chiếm bình quân trên 10% thu nhập của cá nhân nên cần cân nhắc lựa chọn phương thức đi lại phù hợp để tiết kiệm và hiệu quả nhất. Do đó, Sở GTVT TP sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông TP in cuốn sổ tay để phát hành đến từng hộ dân, trong cuốn sổ tay này sẽ phân tích các chi phí đi lại để người dân so sánh lựa chọn. Cũng theo ông Tính, hiện TP có khoảng 4,5 triệu xe máy và 500.000 ô tô, chỉ cần 70% trong số xe này hoạt động thì mỗi ngày TP đã tiêu thụ hơn 70 tỉ đồng xăng dầu. Nếu mỗi ngày một ô tô tiết giảm 1 lít xăng và xe gắn máy tiết giảm 0,25 lít xăng thì TP sẽ tiết kiệm được hơn 26 tỉ đồng/ngày.

Với tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, đặc biệt là giá xăng dầu liên tục tăng cao thì một bộ phận công chức không có nhu cầu di chuyển nhiều sẵn sàng chuyển sang đi xe buýt. Nhưng có một thực tế là đến nay, đông đảo người dân chưa bị thu hút bởi phương tiện xe buýt.

Cách đây 2 năm, UBND TP.HCM đã mở đợt vận động người dân đi xe buýt. Tính toán lúc đó cho thấy, nếu vận động được thêm 1 triệu người dân đi xe buýt (tức khoảng 2 triệu lượt hành khách/ngày), sẽ tiết kiệm được 5 tỷ đồng chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, cuộc vận động không mang lại kết quả như mong đợi.

Trông vào... xe buýt

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô chưa phát triển, đến thời điểm này, các dự án đường sắt ngầm, nổi mới đang trong giai đoạn khởi công, hay chuẩn bị đầu tư. Nhanh nhất phải đến năm 2016 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới có thể đưa vào hoạt động. Do đó, 5 năm tới, giao thông công cộng chỉ có loại hình xe buýt. Giai đoạn này, TP Hà Nội vẫn ưu tiên phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trong những năm qua, dịch vụ xe buýt đã có những bước phục hồi rất nhanh, số lượng xe buýt tăng từ 237 xe (năm 2001) lên 1.145 xe (năm 2010); từ vận chuyển 19,7 triệu lượt hành khách năm 2001 lên 422 triệu lượt hành khách năm 2010. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuy có những bước phát triển ấn tượng nhưng Sở GTVT cũng thừa nhận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, bên cạnh đó chất lượng dịch vụ còn nhiều yếu kém. Tính tổng thể, loại phương tiện công cộng này cũng mới chỉ đáp ứng được 8% nhu cầu đi lại của người dân.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, ngoài việc tăng thêm số lượng xe, dự kiến Hà Nội sẽ phát triển thêm khoảng 10 tuyến có đường dành riêng cho xe buýt trên các trục giao thông chính của thành phố. Tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Hà Đông cũng được xây dựng hoàn chỉnh, một trung tâm quản lý điều hành giao thông công cộng sẽ được xây dựng mới tại Kim Mã. Số điểm trung chuyển xe buýt sẽ phát triển thêm từ 2 điểm (năm 2011) lên 8 điểm năm 2015 (thêm các trạm trung chuyển tại Sơn Tây, Đông Anh, Yên Nghĩa, Cầu Bươu, Gia Thụy, Hòa Lạc).

Xe buýt cần phải cải tiến mạnh dịch vụ mới thu hút hành khách.


Về cơ bản, hạ tầng xe buýt hiện tại đã đáp ứng được dịch vụ của các đơn vị vận hành. Hiện Hà Nội có khoảng hơn 1.000 điểm dừng đỗ xe buýt ở nội, ngoại thành, phục vụ hơn 10.000 lượt xe buýt/ngày với hơn 1 triệu lượt hành khách vận chuyển.

Trong kế hoạch phát triển GTVT Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015, Sở GTVT đã lên kế hoạch phát triển hàng loạt các dự án hạ tầng cho xe buýt. Đó là xây dựng thêm các điểm trung chuyển buýt tại huyện Đông Anh, thị xã Sơn Tây và bến xe Yên Nghĩa. Nâng tổng số tuyến xe buýt nội đô từ 65 tuyến lên thành 77 tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 770 triệu lượt khách/năm.

Chất lượng “đi xuống”

Chị Trần Thị Lan, giáo viên trường tiểu học tại TP Hồ Chí Minh, người thường xuyên đi dạy bằng xe buýt lo ngại: Hiện nay, việc đi xe buýt là khá phổ biến, nhất là đối với học sinh - sinh viên, và một bộ phận công chức không phải đón con. Thế nhưng một điều cần quan tâm là chất lượng xe buýt. Một vài tuyến xe buýt chất lượng rất tốt nhưng cũng có không ít xe xuống cấp trầm trọng, thái độ phục vụ rất tệ. Hiện nay xe buýt đang được coi là hung thần của mọi người, lái xe chạy ẩu, tiếp viên thì có thái độ khó chịu với hành khách, xe dừng không đúng trạm, đón rước khách bừa bãi, vẫn có kẻ gian trà trộn trên xe buýt móc túi...

Sau 8 năm hành khách đi xe buýt bắt đầu ngán ngẩm bởi chất lượng dịch vụ xe buýt ngày càng đi xuống. Còn các xã viên xe buýt thuộc Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM lại rất lo lắng khi xe của mình đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Ông Phùng Đăng Hải-TGĐ Liên hiệp HTX vận tải TP.HCM lo ngại 800 xe buýt của các xã viên bước vào giai đoạn hư hỏng, cần phải đại tu, sửa chữa, nhưng nhiều đơn vị vận tải, cá nhân lại không có khả năng đầu tư nâng cấp. Đến nay nhiều xã viên vẫn còn nợ tiền vay đầu tư phương tiện chưa trả hết, trong khi thời gian qua, sự biến động của giá nhiên liệu đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động của xe buýt.

Vận động người dân đi xe buýt là biện pháp hữu hiệu và rất cần thiết phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người và hạn chế tối đa nạn kẹt xe hiện nay. Nhưng để người dân tự giác đi xe buýt thì trước hết Hiệp hội xe buýt cần cải tổ lại cách điều hành của mình. Bà Hoàng Thị Kim Chi, Viên Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết: Do chưa thu hút được hành khách nên hoạt động của xe buýt ở TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa hiệu quả.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Thành Tài, phát triển vận tải hành khách công cộng phải đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ có một chương trình nghiên cứu dài hạn, tổng hợp, gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức một nhóm nghiên cứu liên ngành bắt tay vào việc xây dựng đề án phát triển xe buýt nằm trong chương trình đột phá chống kẹt xe trên địa bàn thành phố.

Võ Hải - Xuân Minh - Sĩ Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN