Thiếu nhân lực chăm sóc người già là thực tế tại hầu hết các trung tâm dưỡng lão nước ta. Điều này ngược với xu hướng gia tăng dịch vụ nhà dưỡng lão hiện nay.
Sáng đến, chiều đi, thu hút khó
Một ngày làm việc bình thường của chị Vũ Thị Thanh, nhân viên tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Thiên Phúc (Từ Liêm, Hà Nội) bắt đầu từ 7 giờ sáng. Mỗi ngày, Thanh và 5 đồng nghiệp trong tổ nhận nhiệm vụ tắm cho 30 - 40 cụ già. “Nhiều cụ không chịu đi tắm, phải có một nhân viên khác giúp sức bế cụ ra”, Thanh kể. Đến giờ ăn, nhiều cụ không tự ăn được, Thanh lại đeo tạp dề, ngồi kiên nhẫn bón cho các cụ từng thìa một.
Số nhân viên đến rồi đi tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi ảnh hưởng tới việc mở rộng và xã hội hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. |
Trung tâm hiện chăm sóc 200 cụ, trong đó, 70% trường hợp phụ thuộc xe lăn, 10% phải nằm một chỗ, chỉ còn khoảng 20% các cụ còn tỉnh táo.
Ở đây luôn thiếu nhân viên, vì họ không trụ được việc. “Nhiều bạn trẻ học trung cấp y vào, nhìn các anh chị làm việc một lúc rồi... xin về”. Hoặc, “có thời gian, nhiều y tá và nhân viên từng có thời gian làm việc ở Đài Loan vào làm nhưng được một thời gian ngắn là đi”, chị y tá trưởng Nguyễn Thị Thu nhớ lại.
Việc vất vả mà mức lương quá thấp là nguyên nhân họ ra đi. Lương trung bình cho y tá ở đây là 2 triệu đồng/tháng đã bao cấp ăn uống. “Mức này tương đương các y tá làm trong bệnh viện nhưng tính chất công việc ở đây phức tạp hơn rất nhiều. Các y tá viện chỉ làm tiêm, truyền, không phải lo việc ăn, vệ sinh cho các cụ. Còn ở đây là làm từ A đến Z. Bên cạnh đó, thời gian kéo dài từ 7 giờ sáng tới 7 giờ tối, có khi phải trực đêm, bố mẹ không ủng hộ. Chính y tá trưởng cũng từng bị bố mẹ phản đối vì công việc này khiến chị gần như không có thời gian chăm con”, chị Thu kể.
“Thu hút người làm nghề này là việc khó, không chỉ ở Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Ngọc – Giám đốc Trung tâm thở dài.
“Giấc mơ” nhân viên chuyên nghiệp
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có hơn 412 cơ sở bảo trợ xã hội với 190 cơ sở công lập, nuôi dưỡng trên 6.000 người cao tuổi. Tuy nhiên, số này chưa đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng. Trong một lần trao đổi với báo chí, Phó giám đốc Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) từng chia sẻ: “Vẫn biết nhu cầu của xã hội là rất lớn, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất cũng như nhân sự ở trung tâm còn hạn chế nên chúng tôi không thể nhận đại trà”.
“Với nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc xã hội hóa xây dựng nhà dưỡng lão cần được thúc đẩy”, TS Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Đại học Kinh tế quốc dân nói. Nhưng trong lúc lĩnh vực chăm sóc người già chưa chiếm vị trí xứng đáng thì các trung tâm tư nhân cũng gặp khó về nhân lực. Để khắc phục, họ tự thân vận động bằng nhiều cách.
Một mặt, các trung tâm tìm kiếm, chào đón bác sĩ tình nguyện và các tình nguyện viên quốc tế. Mặt khác, để nâng chất lượng nhân viên, các trung tâm liên kết với đối tác là các trường đại học nước ngoài, gửi nhân viên tay nghề “cứng” đi học. Tuy nhiên, số lượng nhân viên được đầu tư kiểu này rất ít. Ở Trung tâm Thiên Phúc, chỉ y tá trưởng được đại diện đi học khóa các kỹ năng chăm sóc người già của Canađa tổ chức. Sau đó, về đào tạo lại cho các nhân viên.
Hiện nay, việc chăm sóc người già đã được quan tâm hơn ở các trường trung cấp y, cao đẳng, Đại học Y Hà Nội. Nhưng, theo ông Nguyễn Tuấn Ngọc - người trực tiếp tuyển dụng đội ngũ này làm việc, thì do trong trường, các y tá điều dưỡng không được học đủ các khâu chăm sóc toàn diện cho người già, không được tìm hiểu tâm lý người cao tuổi một cách chuyên sâu nên nhiều người vào đây không làm được việc.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để tạo nguồn nhân viên chăm sóc người cao tuổi chuyên nghiệp và tận tâm với nghề, cần tăng việc tuyên truyền để dư luận rõ hơn, xác định việc chăm sóc người cao tuổi như là một nghề, từ đó, đầu tư đào tạo nghề này một cách bài bản.
Bài và ảnh: Mạnh Minh