Mùa tuyển sinh 2015, ngoài xét tuyển điểm kỳ thi THPT quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn tổ chức thi thêm môn Năng khiếu báo chí đối với các thí sinh thi vào ngành Báo chí. Phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Văn An (ảnh), Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền về cách thức tổ chức môn thi này.Thưa Phó Giáo sư, vì sao Học viện Báo chí và Tuyên truyền lại tổ chức thêm phần thi năng khiếu cho thí sinh thi vào ngành Báo chí?Cách đây hơn 10 năm, Học viện Báo chí và tuyên truyền khi tuyển sinh đã có thi môn Năng khiếu báo chí, chất lượng đầu vào khá tốt. Tuy nhiên, lúc đó có ý kiến cho rằng, thí sinh ở các tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa sẽ bị thiệt thòi vì không có đủ thông tin về kỳ thi, như cách ra đề, kỹ năng làm bài. Hầu hết thí sinh khi đăng ký thi ngành Báo chí học phải vào các lò luyện thi do các trung tâm luyện thi ở Hà Nội tổ chức. Kết quả là số học sinh vùng nông thôn đỗ vào ngành này không nhiều. Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, Học viện đã tuyển sinh theo khối C và D1. Năm 2015, khi Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia - một khâu đột phá trong chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Học viện cũng quyết định tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí nhằm nâng cao chất lượng đầu vào.
Qua khảo sát chất lượng đầu ra, các nhà tuyển dụng đều khẳng định, muốn trở thành nhà báo giỏi, bên cạnh các tố chất thông minh, chăm chỉ, kiên trì, phải có năng khiếu. Nếu không có năng khiếu, sinh viên học nghề báo cũng chỉ có thể trở thành nhà báo bình thường mà thôi. Vì vậy, Học viện chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất cao chủ trương thi môn này.
Xin Phó Giáo sư cho biết những khó khăn, thuận lợi đặt ra khi Học viện tổ chức thi môn năng khiếu?
Để tổ chức môn thi này, chúng tôi đã lường trước những khó khăn sẽ phải đối mặt. Quan điểm là, phải đảm bảo các nguyên tắc: nghiêm túc, công bằng, khách quan, bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Khâu phức tạp nhất là ra đề thi. Chúng tôi đã thành lập Ban đề thi, bao gồm những nhà giáo, chuyên gia báo chí, các thầy cô giỏi từ các trường phổ thông trung học có kinh nghiệm về lĩnh vực này ở trong và ngoài Học viện. Ban đề thi sẽ thảo luận nhiều lần để thống nhất quan điểm. Đề thi phải đảm bảo tính vừa sức, phân loại được thí sinh. Như đã thông báo, đề thi gồm 2 phần: 1) Phần thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi với thời gian làm bài 30 phút, mục đích là kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề đời sống xã hội; 2) Bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi với thời gian làm bài 120 phút: Câu 1 (3 điểm) nhằm đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản. Dạng thức đề thi có thể là cung cấp một văn bản báo chí có lỗi sai (về quan điểm chính trị, cấu trúc văn bản, về tính logic, về văn phong, về cách sử dụng ngôn từ…) yêu cầu thí sinh sửa chữa và hoàn thiện văn bản theo cách của mình. Câu 2 (4 điểm) sẽ đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân, dạng thức đề thi có thể là cung cấp thông tin về một vấn đề, một sự kiện, yêu cầu thí sinh viết một bài luận tối đa là 500 từ.
Để đảm bảo tính khách quan, Học viện đã thông báo dạng thức, yêu cầu đề thi từ tháng 11/2014, trên Website của Nhà trường để thí sinh cả nước có thể cập nhật, làm quen, chuẩn bị tốt kiến thức và tâm lý dự thi. Nhà trường sẽ xây dựng ngân hàng đề thi cho cả phần trắc nghiệm và phần tự luận. Đề thi vừa kiểm tra kiến thức phổ thông (hiểu biết rộng) của khoa học xã hội, vừa kiểm tra khả năng nhạy bén nắm bắt và xử lý các vấn đề chính trị, xã hội (hiểu biết sâu); kỹ năng viết một bài luận với yêu cầu ngắn gọn, sâu sắc… Trong số hàng trăm câu hỏi từ Ngân hàng đề thi, Ban Đề thi sẽ rút thăm ra các câu hỏi để làm thành đề chính thức. Tất cả các bước đều bảo đảm tính bảo mật. Đây là công việc mất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, nhưng Nhà trường quyết tâm làm.
Khâu coi thi và chấm thi, Học viện đã có nhiều kinh nghiệm nên chắc chắn sẽ tổ chức thực hiện tốt. Những năm gần đây, trong số gần 5.000 thí sinh dự thi vào Học viện, có gần 2.000 em thi vào ngành Báo chí (gồm các chuyên ngành: Báo in, Ảnh báo chí, Phát thanh- Truyền hình, Báo mạng điện tử, Báo chí đa phương tiện, Quay phim). Nếu năm nay số thí sinh thi Báo chí tương đương thì Học viện sẽ chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ coi thi đầy đủ, đúng quy định. Với kinh nghiệm chấm thi năng khiếu những năm trước, chắc chắn các thầy cô của Nhà trường sẽ đảm nhận tốt nhiệm vụ được giao.
Vậy theo Phó Giáo sư, làm thế nào để đảm bảo được tính khách quan, loại trừ các hiện tượng tiêu cực?
Khi quyết định tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm xã hội cho nên phải thực hiện thật tốt. Đồng thời đây cũng là cơ hội để Nhà trường chứng minh năng lực của một trường đại học có uy tín về đào tạo giảng viên lý luận chính trị và báo chí truyền thông. Lãnh đạo Nhà trường sẽ kiểm tra, đôn đốc, thực hiện chu đáo các công việc, đặc biệt là khâu chuẩn bị, đảm bảo tính chủ động trong mọi tình huống. Yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra là tính khách quan, cố gắng thu hút được những sinh viên giỏi vào học tại Học viện. Đã có ý kiến nên thi vấn đáp, nhưng chúng tôi thấy rất khó tổ chức vì thí sinh đông, và trong đó chứa đựng tính chủ quan của cán bộ hỏi thi. Đề thi viết sẽ thuận lợi, phù hợp với hầu hết các đối tượng thí sinh (nhất là thí sinh ở vùng nông thôn), trong đó phần thi trắc nghiệm cũng đã khách quan hóa việc chấm thi.
Chắc chắn năm nay sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học (trong việc thu hút thí sinh giỏi), cho nên chúng tôi đã xác định là phải cạnh tranh bằng chất lượng, hiệu quả.
Còn nói liệu có khe hở cho tiêu cực không, khó có thể khẳng định 100% là không. Nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức. Ví dụ, phần đề thi thì không thể có tiêu cực được, vì đề được lựa chọn ngẫu nhiên từ hàng trăm câu hỏi; khâu coi thi và chấm thi được giám sát nghiêm ngặt. Chúng tôi tin rằng đây là lần thử nghiệm quan trọng, là sinh mệnh chính trị của nhà trường, được xã hội kỳ vọng, vì vậy nhà trường quyết tâm loại trừ rủi ro xảy ra.
Học viện sẽ làm gì để đảm bảo quyền lợi cho những thí sinh bị loại có cơ hội dự thi vào các trường khác, thưa Phó Giáo sư?
Năm nay Học viện sẽ tuyển sinh 1.550 sinh viên, trong đó có gần 400 sinh viên ngành Báo chí học. Chúng tôi đã tính đến phương án, lập kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh.
Học viện nhận hồ sơ xét tuyển ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia và sẽ kết thúc nhận hồ sơ trước 10 ngày so với thời hạn xét tuyển đợt 1 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (dự kiến kết thúc nhận hồ sơ vào ngày 10/8). Trường dự kiến tổ chức thi môn Năng khiếu báo chí vào ngày 12/8, sau một tuần sẽ công bố danh sách thí sinh trúng tuyển. Trả hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí từ 16 - 20/8 (dự kiến 5 ngày cuối theo lịch xét tuyển đợt 1 của Bộ) để những em không đỗ có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác.
Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!Việt Hoàng (Thực hiiện)