Hà Nội đã triển khai DVCTT đối với 295 dịch vụ. Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đánh giá, việc sử dụng DVCTT tại các cơ quan nhà nước của thành phố không đồng đều. Nhiều DVCTT tại các đơn vị đã được đầu tư nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả, tỷ lệ hồ sơ giao dịch trực tuyến còn thấp.
Cụ thể, ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) được đánh giá là đơn vị đột phá trong cải cách TTHC, tuy nhiên, ở đây mới chỉ thực hiện DVCTT ở mức độ 1 và 2. Bà Thành Thị Kiều Oanh, Phó Chủ tịch phường Quỳnh Lôi lý giải: “Do thiết bị phục vụ công việc này chưa được đầu tư, các văn bản của một số sở, ngành không thống nhất để phường đăng tải trên cổng thông tin”. Theo bà Oanh, để thời gian tới thực hiện DVCTT phổ biến và ở mức cao hơn thì Nhà nước cần đầu tư hạ tầng và quy trình sử dụng dịch vụ phải đơn giản hóa hơn nữa.
Lào Cai tuy là tỉnh miền núi, nhưng theo đánh giá của VPCP là đơn vị tích cực ứng dụng CNTT cung cấp DVCTT. Cụ thể, Sở TN&MT Lào Cai là đơn vị thực hiện nhiều TTHC, có tới 75 TTHC, tất cả đã được thực hiện trực tuyến ở mức độ 2 và có một số đã thực hiện ở mức độ 3, thời gian tới sẽ triển khai mức độ 4. Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai Nguyễn Thành Sinh, cho biết, để mở rộng cung cấp DVCTT, đơn vị gặp không ít khó khăn vì thiếu máy móc, trang thiết bị, hầu như không có máy photo, máy quét văn bản, các máy đo đạc... Trong khi đó, để đáp ứng dịch vụ công mức độ 3 cần máy quét văn bản để gửi giấy tờ qua mạng đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết...
Trong lĩnh vực hải quan, theo đại diện của Công ty TNHH Vinamilk, khi triển khai hệ thống thông quan điện tử (VNACCS) còn thiếu đồng bộ do các thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được kết nối vào hệ thống chung của bộ ngành. Do đó, dù thủ tục hải quan có được cải tiến đến 90% mà không có sự kết nối của các bộ, ngành thì thời gian thông quan vẫn chậm.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, một số bộ, ngành, địa phương chưa đầu tư đồng bộ hạ tầng để mở rộng và nâng mức độ cung cấp DVCTT. Việc thiếu hướng dẫn, giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của dịch vụ này.
Thay đổi nhận thức
Bộ TT&TT ghi nhận, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan nhà nước thời gian qua đã được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, cho rằng vẫn còn rào cản về con người, đặc biệt người đứng đầu đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức, chuyên môn cán bộ thực hiện yếu, trình độ của người dân tiếp cận với CNTT thấp. Chính quyền địa phương cần nâng cao nhận thức của người dân về CNTT. Nếu cơ quan Nhà nước đã sẵn sàng cung cấp DVCTT mà người dân không biết sử dụng CNTT thì rất khó để dịch vụ này được mở rộng.
Còn theo bà Thành Thị Kiều Oanh, để thời gian tới thực hiện DVCTT phổ biến và ở mức cao hơn thì cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền tới người dân biết và hiểu rõ những tiện ích của các DVCTT. Đồng thời, các hệ thống chính sách cần hoàn thiện, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, thống nhất về quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ giữa các dịch vụ, phục vụ sự kết nối liên thông.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 36a ngày 14/10/2015 về xây dựng Chính phủ điện tử, nêu rõ, trong 3 năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp DVCTT. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, nếu thực hiện hiệu quả, sẽ tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng như công sức, thời gian của người dân, DN, bộ máy hành chính.