Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer - Bài 1: Hiệu quả từ những chính sách thiết thực

Tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 25.000 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 2,1% dân số. Đồng bào Khmer của tỉnh sinh sống chủ yếu ở huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Toàn tỉnh có 2 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn là xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) và xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình).

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách nhằm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc, qua đó giúp nhiều hộ đồng bào Khmer có nhà ở ổn định, tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số tại địa phương.   

Chú thích ảnh
Ông Kim Mực, xã Đông Bình (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) chăm sóc bò từ nguồn vốn vay của địa phương.

Bài 1: Hiệu quả từ những chính sách thiết thực

Xác định đời sống của đồng bào Khmer của tỉnh còn nhiều khó khăn so với các khu vực khác do kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ, nhiều hộ dân thiếu vốn và tư liệu sản xuất… tỉnh Vĩnh Long đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc Khmer.

Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương trên các lĩnh vực đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giảm còn 1,76%, bình quân hàng năm giảm 1,02%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số đến cuối năm 2019 giảm còn 4 hộ, chiếm tỷ lệ 7,88%.

Nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào Khmer

Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào Khmer tại địa phương, đồng thời thực hiện đồng bộ, lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống người dân.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dự án phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 14,6 tỷ đồng. Thông qua các chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng thu nhập… đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Khmer, tạo điều kiện cho đồng bào hưởng thụ văn hóa, đi lại, được chăm sóc sức khỏe, con em đồng bào Khmer đến tuổi đi học thuận tiện hơn so với trước.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Đề án được xem là bước chuyển quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như chuyển dần từ cơ chế hỗ trợ cho không sang cho vay ưu đãi với lãi suất thấp. Qua 3 năm thực hiện, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã có trên 2.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đồng bào Khmer được thụ hưởng, từng bước giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh những chính sách, chương trình của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long chủ động thực hiện một số chính sách đặc thù của tỉnh từ nguồn kinh phí xã hội hóa, kịp thời giải quyết khó khăn và nhu cầu về nhà ở, vốn sản xuất cho đồng bào Khmer. Theo đó, qua lồng ghép thực hiện các chương trình, chính sách, đến nay địa phương đã cơ bản giải quyết dứt điểm 100% số hộ cần hỗ trợ đất ở kết hợp với việc hỗ trợ nhà ở cho đồng bào. Trong 2 năm 2016 - 2017, tỉnh kết hợp thực hiện hỗ trợ 1.587 căn nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí thực hiện trên 64 tỷ đồng. Hiện nay, bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau tỉnh tiếp tục rà soát và hỗ trợ đồng bào Khmer còn khó khăn về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Song song đó, để từng bước tháo gỡ những khó khăn của đồng bào dân tộc Khmer do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, năm 2017, tỉnh triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ bò giống chăn nuôi cải thiện đời sống giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020 với tổng số tiền 6,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của tỉnh. Từ 406 con bò giống ban đầu cho hộ nghèo chăn nuôi, đến nay bò đã sinh sản được 250 con, nâng tổng số bò của dự án lên 656 con. Ban quản lý dự án đã chuyển giao cho các hộ khác được 59 con bê con, đồng thời thanh lý hợp đồng giao bò mẹ cho hộ nhận bò được quyền sở hữu, tiếp tục chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Qua đánh giá, bước đầu dự án đã góp phần giúp cho 267/406 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương cho biết, việc kết hợp chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh như hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất … được xem là một trong những "cần câu" mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân địa phương. Các chương trình, dự án này phù hợp với điều kiện của nhân dân, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào Khmer. Hiệu quả thiết thực của các chương trình, đề án đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân. Khi được thụ hưởng chính sách, đồng bào hăng say lao động sản xuất, chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình.

Tận dụng những chính sách, vươn lên thoát nghèo

Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và dự án đầu tư phát triển, đời sống đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã thay đổi đáng kể. Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các chính sách đã tạo động lực để người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn là một trong hai xã có đông đồng bào Khmer thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Vĩnh Long với 46% hộ đồng bào dân tộc. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân địa phương, giai đoạn 2015-2020, số hộ nghèo trong đồng bào Khmer xã Tân Mỹ đã giảm 293 hộ. Hiện nay, số hộ nghèo của xã là 336 hộ, trong đó có 226 hộ đồng bào Khmer.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Mỹ Ngô Vĩnh Tuân, nhờ triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách ưu đãi vùng đặc biệt khó khăn nên nhiều hộ Khmer có điều kiện tiếp cận nguồn vay, khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long, trong 3 năm qua, địa phương đã phân bổ gần 4 tỷ đồng cho 80 hộ Khmer vay vốn phát triển sản xuất. Kết quả, đến nay đã có 46 hộ thoát nghèo, còn 34 hộ dự kiến thoát nghèo trong năm 2020.

Là hộ được thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn vay này, chị Thạch Thị Sóc Kha, xã Tân Mỹ đang tích cực chăm sóc hai con bò để sớm sinh sản, xuất chuồng và thu hồi vốn để trả lại cho địa phương. Chị Sóc Kha cho biết, năm 2018, chị được vay 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua bò về nuôi. Ngoài ra, hai vợ chồng cũng vừa được địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà kiên cố. “Gia đình trước đây rất khó khăn, cuộc sống bấp bênh do không có công việc ổn định. Được chính quyền hỗ trợ vốn để nuôi bò, vừa được hỗ trợ nhà, gia đình tui mừng lắm. Giờ ổn định rồi, hai vợ chồng cố gắng đi làm thuê và chăm sóc 2 con bò thật tốt để sớm có tiền trả lại nhà nước và nuôi lại đàn bò mới. Cố gắng phấn đấu thoát nghèo trong năm nay” - chị Sóc Kha phấn khởi nói.

Chú thích ảnh
Ông Sơn Xâm, xã Đông Bình (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) tận dụng diện tích ao vừa nuôi cá vừa trồng bông súng để tăng thu nhập.

Cũng như các hộ dân đồng bào Khmer của xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, nhiều hộ Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từng bước cải thiện cuộc sống thông qua nguồn vốn hỗ trợ về nhà ở, vốn vay phát triển sản xuất. Gia đình ông Sơn Xâm, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh trước đây là hộ nghèo, nhà xiêu vẹo không có tiền sửa chữa. Gia đình có đất nhưng không có vốn sản xuất, cũng không biết canh tác gì để sinh lợi. Năm 2017, ông được hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà, sau đó được vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật để nuôi bò, nuôi cá trê.

Có nhà ở ổn định, có đất và có vốn, ông tích cực lao động sản xuất, thu lãi từ các nguồn vốn được hỗ trợ, từ đó tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, ông Sơn Xâm đang nuôi một con bò. Dưới ao thì ông nuôi cá trê, trồng bông súng, trên bờ thì ông trồng rau. Hàng ngày hai vợ chồng thu hoạch rau đem ra chợ bán để có thêm thu nhập, số tiền thu được từ nuôi cá và nuôi bò thì tích góp để tiếp tục làm vốn mở rộng chăn nuôi.

Còn chị Thạch Thị Pha Linh, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, nhờ tận dụng tốt các nguồn vốn vay, gia đình chị từng bước có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Chị Pha Linh kể, trước đây hoàn cảnh khó khăn, gia đình có 1.000m2 đất nhưng đã “cầm cố” nên phải đi làm thuê. Năm 2018, chị được vay 50 triệu đồng nên có tiền thu hồi lại đất để trồng cỏ, đồng thời mua 2 con bò về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ vốn sản xuất, gia đình chị cũng được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Đến nay bò đã sinh sản được 2 lứa, căn nhà cũng đã hoàn thành. Gia đình chị Pha Linh phấn khởi vì cuộc sống ổn định, có được vốn để trả tiền vay, vừa có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho đồng bào Khmer. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giúp hộ nghèo tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống. Những chính sách thiết thực được triển khai kịp thời đã tạo chiếc “cần câu” giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer tiệm cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại rõ rệt khi đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, không chỉ nâng cao đời sống gia đình mà còn đóng góp cho địa phương, xã hội, từ đó góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bài 2: Phum sóc đổi mới

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam Bộ

Ngày 25/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh tổ chức hội thảo khoa học “Nghệ thuật sân khấu Dù kê – 100 năm hình thành và phát triển”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN