Thêm hai ca mắc mới tại Đà Nẵng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 21/8 đã ghi nhận thêm hai ca mắc COVID-19 mới tại Đà Nẵng. Bệnh nhân số 1008 (nữ, 75 tuổi), có địa chỉ tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, là F1 của bệnh nhân số 988.
Như vậy, đến nay, nước ta đã ghi nhận có tổng cộng 1.009 ca mắc COVID-19, trong đó có 667 ca do lây nhiễm trong nước ( 527 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay).
Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 21/8, các bệnh nhân số 459, 676, 989 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đã được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi đến thời điểm này lên 545 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, 41 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1 lần với SARS-CoV-2; có 62 người âm tính lần 2 và 27 người âm tính lần 3. Cả nước đã có 25 người tử vong do liên quan đến COVID-19. Đến thời điểm này, cả nước có 100.569 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly), trong đó, 1.818 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 31.333 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 67.418 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm, giúp bảo vệ bản thân và gia đình. Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, người dân cần tải về và cài đặt ứng dụng này.
Nâng cao khả năng xét nghiệm COVID-19
Chiều 21/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, bàn giải pháp phòng, chống COVID-19. Thủ tướng đánh giá, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, công tác phòng chống dịch cơ bản đồng bộ, kịp thời, quyết liệt hơn, đặc biệt người dân bình tĩnh hơn.
Đến nay, dịch cơ bản đã được kiểm soát. Quá trình chống dịch vừa qua đã có những biện pháp mới, sáng tạo, được thực hiện. Trong đó, có việc thành lập bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng, hàng trăm cán bộ y tế được tăng cường cho miền Trung. Khi có ổ dịch mới, công tác khoanh vùng, cách ly rất kịp thời, huy động cả lực lượng chính trị vào cuộc.
Bên cạnh đó, các công nghệ mới, ứng dụng mới được áp dụng mạnh mẽ vào chống dịch, nhất là xét nghiệm và truy vết các ca mắc COVID-19 và các tiếp xúc với ca bệnh. Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng, Quảng Nam đang trong tầm kiểm soát, số trường hợp mắc bệnh ghi nhận giảm trong tuần gần đây.
Trong vài ngày tới, Đà Nẵng, Quảng Nam có thể vẫn sẽ ghi nhận những trường hợp mắc bệnh rải rác do nguồn lây bệnh đã có tại cộng đồng trước khi được khoanh vùng, khống chế. Tại Hải Dương, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, trong 3 ngày gần đây không phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh mới.
Trong thời gian tới, một số địa phương có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các ca mắc bệnh rải rác từ các trường hợp mắc COVID-19 chưa được phát hiện, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp tử vong trong nhóm các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhận định, dịch COVID-19 dù còn phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát, thậm chí kiểm soát chủ động, kể cả địa bàn phức tạp nhất như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương và các thành phố lớn.
Thủ tướng đánh giá, đây là một sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Thủ tướng, bài học rút ra là phải thống nhất tinh thần thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa trong triển khai xét nghiệm, nhân rộng ứng dụng Blouzone và truyền thông kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Đặc biệt là sự giúp đỡ, đùm bọc, hỗ trợ của người dân, của các doanh nghiệp và cả người nước ngoài với nhiều tấm gương quý xuất hiện hỗ trợ cho các địa phương khó khăn trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế không được chủ quan, coi thường mà phải tập trung làm hết sức mình để không có ổ dịch lây lan rộng trong cộng đồng diễn ra tiếp theo.
"Chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến trường kỳ, chừng nào chưa có vaccine phòng dịch, chúng ta phải chung sống với dịch bệnh, với những phương thức, cách làm văn hóa ứng xử trong bối cảnh này", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa đề phòng, khống chế bằng được dịch bệnh, phong tỏa, kiên quyết chặn đứng nguồn lây ở các ổ dịch.
"Không được để dịch bệnh lây lan bùng phát, đồng thời không để người dân quá lo lắng, bất ổn về cách ly xã hội", Thủ tướng nói. Trên cơ sở đó, Thủ tướng tán thành việc tăng cường hệ thống xét nghiệm, nâng cao khả năng xét nghiệm lên một tầm mới, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân.
Ngành Y tế cần nhận diện, chuẩn đoán sớm nguy cơ mắc COVID-19 đối với các bệnh nhân có biểu hiện nhẹ nhất như ho, sốt, khó thở. Cùng với đó là chuẩn bị hệ thống y tế toàn quốc để đối phó tình huống gia tăng bệnh nhân nặng. Đặc biệt cần tập trung bảo vệ nhóm rủi ro cao, đó là người có bệnh lý nền, nhóm người nhiều tuổi dễ có nguy cơ đến tử vong.
Thủ tướng chỉ đạo: Lập quy trình y tế trong từng bệnh viện và ý thức phòng dịch đối với các gia đình các bệnh nhân ngoại trú; tăng cường năng lực cho hệ thống y tế toàn quốc. Ngành Y tế tăng cường đào tạo trực tuyến, nâng cao tay nghề cho phòng, chống dịch bệnh cho đội ngũ y, bác sĩ toàn quốc; đẩy mạnh triển khai khám bệnh từ xa; không được để xảy ra ổ dịch, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế từ trạm xá ở nông thôn, miền núi đến bệnh viện huyện, tỉnh, Trung ương; Chú trọng củng cố, phát triển hệ thống y tế dự phòng cả nước.
Xuất hiện ca bệnh phải khoanh gấp kịp thời, không để dịch lây lan diện rộng, Thủ tướng nói và yêu cầu xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bao quát công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị hình thành văn hóa ứng xử trong bối cảnh có dịch, đặc biệt là văn hóa đeo khẩu trang trong trường học, bệnh viện, trên phương tiện công cộng, ở những nơi đông người. Có chế tài bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi cần thiết này, bắt buộc khai báo y tế, cài đặt ứng dụng Blouzone, rửa tay thường xuyên...
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ ra vào khu vực biên giới; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm; xử lý các chủ khách sạn, các cơ sở lưu trú, sử dụng lao động nhập cư trái phép. Kiên quyết hơn nữa, kịp thời hơn nữa, không để dịch bệnh lan rộng, đề cao cảnh giác nhất là các bệnh viện.
Từ ngày 21/8, dừng các hoạt động tại không gian đi bộ quận Hoàn Kiếm
UBND quận Hoàn Kiếm vừa ra quyết định tạm dừng việc tổ chức các hoạt động tại không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm kể từ ngày 21/8 đến khi có chỉ đạo mới của UBND thành phố Hà Nội.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, việc tạm dừng các hoạt động tập trung đông người là nhằm phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện có 3 không gian đi bộ gồm khu vực Hồ Hoàn Kiếm, chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân và khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội. Riêng không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm trung bình ban ngày thu hút khoảng 3.000 - 5.000 người, buổi tối từ 15.000 - 20.000 người đến vui chơi, giải trí.
Tại đây thường diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao tụ tập đông người. Điều này có thể dẫn đến việc lây lan dịch bệnh nhanh chóng nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại tại không gian đi bộ chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân và hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại không gian đi bộ ở khu bảo tồn cấp I phố cổ Hà Nội cũng thu hút một lượng người rất lớn đến mua sắm, vui chơi tại phố cổ Hà Nội.
Kể từ khi dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, đây là lần thứ hai quận Hoàn Kiếm tạm dừng hoạt động tại các không gian đi bộ trên địa bàn.
Hải Dương thành lập các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng
Nhằm tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngày 21/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập ngay các tổ "Giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng" gọi tắt là "Tổ COVID cộng đồng" ở tất cả các khu dân cư trong toàn tỉnh.
Tổ COVID cộng đồng là cầu nối chủ động của chính quyền địa phương và ngành y tế đến với nhân dân, làm cho người dân yên tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch. Qua Tổ COVID cộng đồng để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề nảy sinh tại cộng đồng để chính quyền và trạm y tế tuyến xã có xử lý và điều chỉnh kịp thời.
Theo đó, mỗi Tổ COVID cộng đồng bao gồm 2 thành viên là cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo từng điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40-50 hộ gia đình theo danh sách cụ thể. Hàng ngày, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" nhằm tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng chống dịch.
Khi làm nhiệm vụ, thành viên của Tổ COVID cộng đồng không cần thiết phải vào tận bên trong nhà, chỉ cần gõ cửa, giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp với người dân. Các thành viên của tổ sẽ hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc COVID-19 được phát hiện tại các hộ gia đình có các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt hoặc đau ngực, khó thở… để cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.
Đồng thời, phát hiện những người đi từ vùng dịch về để báo cáo chính quyền địa phương; trợ giúp việc truy vết F1, F2 khi có ca bệnh liên quan đến địa bàn phụ trách. Tổ cũng có trách nhiệm phát hiện những trường hợp không tự giác khai báo, không chấp hành quy định cách ly để báo cáo Ban chỉ đạo cấp xã, các cấp có thẩm quyền.
Theo thống kê, từ 25/7 đến nay, tỉnh Hải Dương có 14 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1 bệnh nhân được xét nghiệm tại Hà Nội. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện ở cộng đồng, chưa rõ nguồn lây bệnh.
Đình chỉ công tác Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai
Ngày 21/8, ông Dương Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai cho biết, ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc trung tâm này, đã bị đình chỉ công tác để phục vụ việc điều tra của Công an tỉnh Đồng Nai cho đến khi có kết luận của Cơ quan Điều tra thuộc Công an tỉnh.
Cụ thể, ngày 23/7/2020, Chánh Văn Phòng UBND tỉnh Đồng Nai Phạm Việt Phương (hiện nay là Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh, Đồng Nai) đã ký Quyết định số 124/QĐ-VP về việc tạm đình chỉ công tác đối với ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.
Lý do là có 8 đơn của công dân tố cáo ông Bùi Mạnh Hùng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chuyển Công an tỉnh Đồng Nai xác minh, làm rõ. Theo phản ánh của anh Lê Huy Duy (sinh năm 1991, trú tại xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), do quen biết nên tháng 12/2018, ông Bùi Mạnh Hùng (thời điểm đó đang công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai), nói rằng ông sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để chuyển giao chủ trương và quyết định giao cho ông Duy thửa đất có diện tích 13,3 ha tại xã Long Phước, huyện Long Thành (Đồng Nai).
Đổi lại, ông Lê Huy Duy giao cho ông Bùi Mạnh Hùng số tiền là 2 tỷ đồng. Do tin tưởng nên ông Lê Huy Duy đã giao số tiền trên cho ông Hùng. Tuy nhiên, ông Hùng không thực hiện việc đã hứa và cũng không hoàn trả lại tiền cho ông Duy.
Ông Duy đã làm đơn tố cáo ông Hùng tới Công an tỉnh Đồng Nai. Hiện tại vụ việc đang được Công an tỉnh Đồng Nai điều tra, xác minh.
Ông Bùi Mạnh Hùng được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai từ ngày 2/12/2019.