Nhiều khó khăn, bất cập
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng gần 300 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom. Tuy nhiên, chỉ có 110 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố Yên Bái và 20 tấn của thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) được xử lý triệt để tại Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái.
Như vậy, hơn một nửa số rác thải sinh hoạt của các huyện, thị còn lại trong tỉnh chỉ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Đáng chú ý, công nghệ và quy trình chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các bãi rác còn rất sơ sài, đơn giản. Hiện các bãi chôn lấp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn do nước rỉ rác trực tiếp thải ra môi trường. Công tác vận hành và các hạng mục công trình tại các bãi chôn lấp chưa đầy đủ theo quy trình kỹ thuật.
Một số bãi rác không còn khả năng chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng buộc phải đóng cửa. Nhiều bãi rác của các huyện vùng cao thực chất chỉ là nơi chứa rác thải, công tác xử lý chưa được coi trọng. Nhận thức của người dân trong việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Ý thức về bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất chưa cao, nhất là việc phân loại rác từ đầu nguồn chưa được thực hiện.
Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu tại khu vực đô thị, trong khi tỷ lệ này tại khu vực nông thôn là rất thấp. Nhiều hộ dân chưa có hố rác gia đình, thói quen xả rác trực tiếp ra môi trường khiến việc thu gom rác tại khu vực nông thôn càng thêm khó khăn. Trong khi đó, rác thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt như túi nilon, chai nhựa, thủy tinh, kim loại ngày càng nhiều, rất khó phân hủy, không được thu gom. Nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Ông Tạ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mù Cang Chải cho biết: Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện còn thấp do thiếu phương tiện, nhân lực. Rác sinh hoạt chủ yếu thu gom ở khu vực thị trấn. Đặc biệt, do thói quen và tập quán sống của người dân vùng cao, các hộ dân chủ yếu tự xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại chỗ hoặc tại các bãi rác, đốt rác tự phát.
Hầu hết các bãi rác trên địa bàn các huyện của tỉnh Yên Bái có công suất thiết kế và hố chôn lấp thấp so với nhu cầu tăng nhanh khối lượng rác thải sinh hoạt thực tế nên đã quá tải. Số lượng và quy mô của các bãi rác trên địa bàn toàn tỉnh rất ít, khó khăn trong việc lựa chọn địa điểm chôn lấp rác thải. Kinh phí chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp hơn so với quy định. Do vậy, nhiều địa phương chưa đáp ứng nhu cầu xử lý rác sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Nói về những bất cập này, ông Nguyễn Đức Dục, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cho hay: Hiện toàn tỉnh chỉ có một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, còn lại là 27 bãi chôn lấp rác trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, trong đó có 19 bãi chôn lấp quy mô cấp xã, 8 bãi chôn lấp quy mô cấp huyện. Bãi rác thải thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) và bãi rác thải thị trấn Mậu A (huyện Văn Yên) đã tạm dừng tiếp nhận rác, đang xử lý ô nhiễm để đóng cửa trong thời gian tới. Do vậy, năng lực xử lý so với nhu cầu cần xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp hơn rất nhiều.
Nâng cao năng lực và hiệu quả xử lý rác
Là một trong những địa phương đang chịu áp lực từ việc xử lý rác thải sinh hoạt, mỗi ngày, địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hiện có khoảng gần 80 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra môi trường. Tuy nhiên, năng lực thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt chỉ đạt khoảng 40% đối với khu vực nội thị và chỉ đạt khoảng 20% đối với khu vực nông thôn, tương đương khoảng gần 48 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Nghĩa Lộ, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và các tổ chức về giảm thiểu phát sinh chất thải sinh hoạt, nhất là nâng cao ý thức và thay đổi nhận thức về phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn. Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế tăng cường nguồn nhân lực quản lý có chuyên môn đối với khu vực miền núi, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật và nguồn kinh phí cho công tác quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt.
Để nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, năm 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu của Đề án đề ra là từ nay đến năm 2025 phải xử lý ô nhiễm triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên toàn tỉnh, trong đó có các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt không đủ tiêu chuẩn theo quy định.
Những nhiệm vụ, giải pháp chính của Đề án là đầu tư mới các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại và tiến tới đóng cửa các bãi chôn lấp tự phát và bãi rác chôn lấp không đủ tiêu chuẩn. Trong đó, tỉnh Yên Bái sẽ đầu tư mới từ 13 đến 18 lò đốt chất thải sinh hoạt để thay thế toàn bộ các bãi rác chôn lấp hiện tại, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu về xử lý rác thải thải sinh hoạt của tỉnh tại khu vực đô thị và nông thôn.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi các lò đốt được đầu tư, tỉnh Yên Bái sẽ nâng cấp, cải tạo các bãi rác chôn lấp hiện có, đồng thời tính toán bù giá cước vận chuyển rác thải từ các địa phương khác để tận dụng tối đa công suất xử lý rác sinh hoạt tại Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái. Theo thiết kế, nhà máy xử lý rác thải này có công suất xử lý tối đa 450 tấn rác thải/ngày đêm. Hiện tại, do chưa có đủ nguồn rác, nhà máy mới chỉ hoạt động đạt 1/3 công suất. Hơn nữa, đây là nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt khá triệt để, đạt 85% khối lượng rác thải được tái chế thành phân bón vi sinh và hạt nhựa công nghiệp, chỉ chôn lấp khoảng 15% rác thải sinh hoạt là phế thải của vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Yên Sơn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái cho biết: Doanh nghiệp mong muốn, nguồn rác thải sinh hoạt từ các địa phương lân cận được chuyển về nhà máy để xử lý, điều này không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tiết kiệm được nguồn nhân lực và kinh phí xử lý rác thải cho các địa phương. Hiện nay giá xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty chỉ bằng 2/3 so với giá quy định.
Bên cạnh các giải pháp trên, tỉnh Yên Bái đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp liên quan đến các cơ chế, chính sách để giúp các hộ gia đình tại các khu vực chưa có hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, tỉnh xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực này, cũng như xem xét, điều chỉnh mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng tăng dần xã hội hóa.