Với chủ đề “Nâng cao quyền năng giới, tính bền vững và huy động nguồn lực”, Hội nghị lần này có sự tham gia của đại biểu đến từ 18 nước bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Fiji, Indonesia, Iran, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam cùng các đại diện của một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực Giới tại Việt Nam.
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng chiến dịch toàn cầu hàng năm “16 Ngày hoạt động chống bạo lực trên cơ sở giới”; đồng thời là hoạt động thường niên của Chương trình các vấn đề về giới thuộc Kế hoạch Colombo bắt đầu vào năm 2016 để tăng cường vận động cho các vấn đề toàn cầu và khu vực để giải quyết các thách thức chính hiện nay đối với phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Kế hoạch Colombo Phan Kiều Thu nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài vì bình đẳng giới và phát triển. Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tựu bình đẳng giới ấn tượng. Những thành tựu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã góp phần vào thành công của Việt Nam được công nhận trên toàn cầu về trao quyền cho phụ nữ.
Bà Phan Kiều Thu cho biết, Chương trình các vấn đề về Giới thuộc Kế hoạch Colombo được thành lập từ năm 2014, nhằm tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực và các nước láng giềng về các vấn đề liên quan đến giới, quyền của phụ nữ và bảo vệ trẻ em. Từ năm 2014, Chương trình giới được mở rộng sang Indonesia, Sri Lanka và Việt Nam với kế hoạch mở rộng hỗ trợ và tạo cơ hội hợp tác để giúp đỡ phụ nữ, nam giới, trẻ em trai và trẻ em gái dễ bị tổn thương.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, Việt Nam luôn ủng hộ, chủ động, tích cực tham gia và đánh giá cao những cơ chế đa phương, trong đó có cơ chế của Kế hoạch Colombo. Đảng, Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến các vấn đề bình đẳng giới, về phụ nữ, về gia đình, trẻ em và đạt được những thành tựu rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn những thách thức, nhiều vấn đề cần phải cố gắng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị đầu mối Giới lần thứ 4 trong bối cảnh các nước đang cùng nhìn lại 25 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và 5 năm thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ hay phát triển bền vững.
Khẳng định, sẽ không thể có bình đẳng giới thực chất, không thể có phát triển bền vững nếu không trao quyền, không quan tâm, không hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái ở các quốc gia thành viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà mong muốn các đại biểu tham dự Hội nghị cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đồng thời cùng nỗ lực, chung tay thúc đẩy bình đẳng giới của mỗi quốc gia, vì một sứ mệnh bình đẳng, phát triển, hòa bình trong khu vực và thế giới.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng khẳng định, thúc đẩy bình đẳng giới là một trong những cam kết mạnh mẽ và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, trở thành một nguyên tắc nhất quán và được cụ thể hóa tại nhiều văn bản luật pháp, chính sách quan trọng của Việt Nam; được tích cực triển khai trong thực tế đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giới trong các lĩnh vực; vai trò, địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện.
Việt Nam có chỉ số bất bình đẳng giới là 0,304, xếp thứ 67/160 quốc gia, thấp hơn cả chỉ số trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội luôn ở mức cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (đạt 27,06%). Lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội; phụ nữ Việt Nam chiếm 47,8% lực lượng lao động cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 71,2%; tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là 26,54%. Ngày càng có nhiều gương mặt nữ doanh nhân và nữ giám đốc điều hành tiêu biểu của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế thế giới ghi nhận và tôn vinh. Đây là những thành tựu nổi bật đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao khi Chính phủ Việt Nam tham dự và chia sẻ tại Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương kiểm điểm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ tại Bangkok, Thái Lan vừa qua.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn gặp không ít trở ngại và thách thức như: bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái; hậu quả tiêu cực ngày càng hiện hữu của biến đổi khí hậu; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra không ít vấn đề đối với việc làm, vị thế kinh tế của lao động nữ, cũng như đang đe dọa tính bền vững của các nguồn lực... Để đạt được bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ ở tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030, với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua những thách thức đó.
Hội nghị đầu mối Giới là diễn đàn để các thành viên thảo luận các vấn đề cấp bách trên toàn cầu và khu vực ảnh hưởng đến các nhóm dễ bị tổn thương là phụ nữ và trẻ em. Theo đó, tính bền vững và huy động nguồn lực sẽ được đưa vào chương trình Hội nghị nhằm đảm bảo tính lâu dài của các hệ thống và tổ chức viện trợ đã được thiết lập.
Hội nghị cũng là cơ hội để các đại biểu giới thiệu chương trình quốc gia của mình; chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống và ứng phó với bạo lực trên cơ sở Giới, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu và tác động của nó tới phụ nữ và trẻ em, nhất là phụ nữ bản địa, công tác bảo vệ, phát triển trẻ em. Qua Hội nghị nhằm mở rộng mạng lưới các đầu mối, đẩy mạnh các hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, tăng tính bền vững của chính sách chống bạo lực giới, huy động sự tham gia của nam giới và trẻ em trai vào giải quyết bạo lực trên cơ sở giới...