Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia chia sẻ, những ngày đầu nghỉ lễ từ 27 - 29/4, khả năng các tỉnh phía Đông Bắc Bộ bao gồm cả khu vực Hà Nội xuất hiện nắng nóng với nền với nền nhiệt độ cao nhất ban ngày phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Sau đó ngày 30/4 và 1/5, nắng nóng ở khu vực này suy giảm chỉ còn cục bộ một vài nơi với mức nhiệt 34 - 35 độ C, có nơi trên 35 độ C.
Nơi nóng nhất trên cả nước trong 5 ngày nghỉ lễ là khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên. Khu vực này có khả năng xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất ban ngày phổ biến 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ ban ngày phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Trong những ngày nắng mạnh như vậy, chiều tối và tối khả năng xuất hiện mưa dông cục bộ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
“Nắng nóng là một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ ở khu vực dân cư, cháy rừng cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân như say nắng, mất nước, sốc nhiệt, đột quỵ. Do đó, người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời cần chú ý đến điều kiện sức khoẻ. Mang theo nước uống, ô dù để che chắn nắng, kem chống nắng. Mặc quần áo sáng màu, thoải mái, không bó sát, nhẹ nhàng. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Bên cạnh đó, người dân cần đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu gặp các triệu chứng sốc nhiệt”, ông Nguyễn Hữu Thành cảnh báo.
Để chủ động phòng tránh hơn, người dân có thể cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo nắng nóng của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hoặc theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là chú ý đến các cảnh báo tác động do nắng nóng có thể gây ra.