Lọt thông tin từ nhiều nguồn
Việc đối tượng lừa đảo biết chính xác các thông tin liên quan đến học sinh như cha, mẹ, địa chỉ cư trú, trường, lớp học… khiến phụ huynh lo ngại về công tác bảo mật thông tin học sinh trong trường học.
Nhận được cuộc điện thoại thông báo con bị cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền gấp, một phụ huynh của Trường Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn (Quận 1) đã bị lừa 100 triệu đồng. Theo cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng nhà trường, qua rà soát và nắm thông tin từ phụ huynh này cho thấy, thông tin bị lọt ra ngoài không phải từ nhà trường. Bởi đối tượng này liên lạc với phụ huynh theo số điện thoại khác với số phụ huynh đã đăng ký với nhà trường. Đây là số điện thoại phụ huynh dùng từ khi đăng ký hộ khẩu nơi ở cũ (thuộc thành phố Thủ Đức), nay gia đình đã chuyển đến nơi ở mới.
Cụ thể, phụ huynh này nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ báo tin con mình đang phải cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức). Đối tượng cũng không nói học sinh đang học lớp, trường nào. Với tâm lý hoảng sợ khi nhận thông tin cùng với việc liên tục gọi điện thúc giục của đối tượng lừa đảo khiến phụ huynh nhanh chóng chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng, mà không kịp trao đổi thông tin với ai khác. Sau khi liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình của con, phụ huynh này mới biết mình bị lừa.
Từ thực tế, cũng như qua các vụ việc xảy ra, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cho rằng, thông tin của học sinh có thể bị lọt từ rất nhiều nguồn khác nhau, như đối tượng mạo danh các đơn vị kinh doanh dịch vụ liên quan đến giáo dục giới thiệu, quảng cáo dịch vụ để tiếp cận trực tiếp học sinh lấy thông tin hoặc thông tin cũng có thể bị lọt từ các đơn vị giáo dục kỹ năng, ngoại ngữ… Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến việc đối tượng lừa đảo lấy được thông tin học sinh là công tác bảo mật thông tin ở một số trường chưa tốt.
“Hiện, kênh liên lạc thường xuyên của nhà trường với gia đình là thông qua giáo viên chủ nhiệm và thông tin qua đường dây nóng của nhà trường do một nhân viên văn phòng phụ trách trực. Nhận thấy công tác bảo mật thông tin nhà trường là nội dung rất quan trọng, mỗi đầu năm học, nhà trường đều có Quyết định giao nhiệm vụ và phân công rõ ràng công việc, trách nhiệm của cán bộ phụ trách công nghệ thông tin nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm. Nhiều năm qua, công tác bảo mật thông tin được nhà trường luôn chú trọng và thực hiện rất nghiêm ngặt, không thể lọt thông tin của học sinh ra ngoài. Qua rà soát, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp phụ huynh nhận được cuộc gọi lạ liên quan đến học sinh” - thầy Cao Đức Khoa chia sẻ.
Ở góc độ công nghệ, theo ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, bên cạnh công tác bảo mật thông tin ở một số trường chưa nghiêm ngặt dẫn đến lọt thông tin học sinh ra ngoài, thì các đối tượng xấu có thể lấy được thông tin của học sinh từ nhiều nguồn khác. Đó có thể là danh sách học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc học viên học ở trung tâm ngoại ngữ… bởi trong đó đều có số điện thoại của học sinh hoặc phụ huynh; hay thông qua các hội, nhóm liên lạc của phụ huynh cũng có thể lọt thông tin số điện thoại… Khi có được số điện thoại, các đối tượng giả mạo là nhân viên các trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục kỹ năng… gọi điện đến để giới thiệu dịch vụ, từ đó khai thác các thông tin liên quan.
Tăng cường kết nối thông tin nhà trường và gia đình
Bên cạnh một số phụ huynh thiếu cảnh giác trước các yêu cầu đối tượng lừa đảo đưa ra, có trường hợp phụ huynh khó liên lạc được với giáo viên để xác minh sự việc do đang trong giờ lên lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trường học trên địa bàn rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc với gia đình học sinh. Trong đó, Sở đề nghị các trường rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn thông tin học sinh, sinh viên của trường. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phải công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của mình để đảm bảo việc kết nối, liên lạc thông tin.
Sau sự việc xảy ra, các trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đều tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh và cả giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, cảnh giác trước chiêu thức lừa đảo mới tránh bị lợi dụng. Các trường cũng thường xuyên thông tin hướng dẫn phụ huynh các cách thức, kênh liên lạc với nhà trường khi có vấn đề phát sinh liên quan đến học sinh của mình.
Theo cô Lê Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trần Văn Ơn, sau sự việc xảy ra, nhà trường cũng rà soát cơ sở dữ liệu, kênh thông tin để bảo mật thông tin. Đồng thời, trường thông báo đến phụ huynh tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, khi cần xác minh các thông tin liên quan đến học sinh, phụ huynh liên lạc giáo viên chủ nhiệm, hoặc số điện thoại đường dây nóng của nhà trường.
Còn tại Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh, ngay từ buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo với phụ huynh về các kênh liên lạc với nhà trường. Những ngày qua, khi trên địa bàn xảy ra sự việc nhiều phụ huynh bị lừa đảo với chiêu thức mới này, trường tiếp tục tăng cường thông tin, cảnh báo tới phụ huynh. “Nhà trường đặc biệt lưu ý phụ huynh, khi phát sinh các vấn đề liên quan đến học sinh, ngoài giáo viên chủ nhiệm hoặc số điện thoại đường dây nóng của trường (đã công khai tới phụ huynh), phụ huynh không trao đổi thông tin hoặc thực hiện theo yêu cầu của bất kỳ ai khác, kể cả những người tự xưng là giáo viên, nhân viên trong trường” - thầy Cao Đức Khoa nhấn mạnh.
Tương tự, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Thủ Đức) thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử của trường về các kênh liên lạc với nhà trường. Theo đó, khi cần thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường, phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm, số điện thoại đường dây nóng của trường hoặc gọi đến số điện thoại Hiệu trưởng và các Phó hiệu trưởng nhà trường. “Phụ huynh tuyệt đối không thực hiện các yêu cầu (ví dụ như chuyển tiền…) qua điện thoại của các đối tượng mạo danh nhà trường”.