Cây lá ngón trở thành nỗi ám ảnh của chính quyền và người dân nơi đây. Điều đáng nói, đến nay vẫn chưa có giải pháp để đẩy lùi tình trạng này.
Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng anh Vừ A Cho, bản Tìa Ló B, xã Noong U, huyện Điện Biên Đông vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng trước sự ra đi của vợ mình. Chỉ vì xích mích mà vợ anh đã tìm đến cái chết bằng lá ngón, để lại mình anh và hai con nhỏ.
Theo anh Cho: Hôm đó, hai vợ chồng anh có xảy ra xích mích, cãi nhau vài lời rồi anh đi làm. Khi đi làm về anh thấy vợ nằm bất động, mặt tái xanh. Anh vội vàng đưa vợ ra trạm y tế xã nhưng không cứu được chị.
Vợ anh Vừ A Cho không phải là trường hợp duy nhất tìm đến lá ngón để tự tử ở xã Noong U. Mỗi năm, xã Noong U có cả chục người tự tử bằng lá ngón, trong số đó chỉ có 5 - 6 người được cứu sống. Từ đầu năm 2016 đến nay, xã ghi nhận 11 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 3 người chết, 8 người may mắn được cứu sống.
Theo ông Cứ A Chá, Phó Chủ tịch UBND xã Noong U: Có nhiều nguyên nhân khiến người dân ở Noong U tự tử bằng lá ngón như mâu thuẫn vợ chồng, trai gái yêu nhau nhưng không được bố mẹ đồng ý... Bên cạnh đó, xã Noong U có hơn 500 hộ nhưng có đến hơn 400 hộ nghèo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tự tử bằng lá ngón trong thời gian qua.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, trong 8 tháng đầu năm 2016, ngành y tế huyện ghi nhận có 73 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 29 người chết, tăng gần gấp đôi so với số liệu thống kê 8 tháng năm 2015.
Ngoài Noong U, trong 8 tháng đầu năm 2016, một số xã có số lượng người tự tử bằng lá ngón đáng báo động như: Xã Sa Dung có 9 trường hợp, trong đó có 7 người tử vong; xã Phì Nhừ 10 trường hợp, 4 người tử vong; xã Tìa Dình 8 trường hợp, 4 người tử vong… Đa số các trường hợp tự tử bằng lá ngón đều là người dân tộc Mông ở các bản vùng cao.
Bác sĩ Cao Thị Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cho biết: Các trường hợp tử vong chủ yếu là do người dân ăn lá ngón ở trong rừng, trên nương rẫy nên khó phát hiện. Khi được phát hiện và đưa đến các trung tâm y tế hay trạm y tế xã thì đã quá muộn, hầu hết đã tử vong.
Bác sĩ Lý cũng cho biết thêm, năm 2016, chính quyền và các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về việc người dân không nên sử dụng lá ngón để tự tử. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên vẫn chưa thể ngăn chặn được tình trạng này.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cũng khẳng định, giải pháp khả thi nhất để ngăn chặn tình trạng này vẫn là tuyên truyền tới từng già làng, trưởng bản, hộ dân để người dân hiểu rõ hơn về tác hại của lá ngón; đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp tự tử bằng lá ngón, cần đưa ngay nạn nhân đến các cơ sở y tế để kịp thời chữa trị. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần triển khai các dịch vụ y tế đến các tuyến cơ sở như đội ngũ y tế thôn, bản để tạo thuận lợi cho người dân.
Điện Biên Đông được ví là "thủ phủ" của cây lá ngón. Cây lá ngón mọc xung quanh các bản làng, đồi núi. Bởi vậy việc nhổ bỏ được hết cây lá ngón là không thể. Điều quan trọng nhất là cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không còn coi nhẹ mạng sống của mình.