Ngăn chặn việc “làm giá” dịp Tết

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, các chương trình bình ổn giá đang được triển khai sẽ giúp kiểm soát việc tăng giá bất hợp lý. Thậm chí, một số nhóm hàng có thể giảm giá vào sát Tết.


Tăng lượng hàng bình ổn


Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Bình ổn thị trường - Tháo gỡ khó khăn cung cầu dịp Tết” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm qua (25/12), Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, chương trình bình ổn giá ngày càng được mở rộng để phát huy vai trò tích cực hơn. Năm 2012 có hơn 30 địa phương tham gia thì năm nay có hơn 50 địa phương tham gia chương trình bình ổn. Số lượng các doanh nghiệp tham gia đều tăng hơn so với năm trước. Trước kia, chương trình chỉ hỗ trợ vốn cho các nhà phân phối nhưng nay đã có hỗ trợ cho nhà sản xuất, doanh nghiệp lưu thông, vận tải hàng hóa.

 

Khách tham quan mua sắm tại Trung tâm thương mại và siêu thị Satra Phạm Hùng (TP Hồ Chí Minh). Thanh Vũ-TTXVN


“Các điểm bán hàng bình ổn năm nay không chỉ phục vụ đến trước Tết mà còn kéo dài cả sau Tết để giúp giá cả hạ nhiệt. Các doanh nghiệp đều cam kết bán hàng đến tận 30 Tết và mở cửa sớm sau Tết để tăng cung và bình ổn giá hàng hóa”, bà Thoa cho hay.


Về chất lượng hàng hóa, trước kia, các chương trình bình ổn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhưng nay các nhóm hàng đa dạng hơn. Việc lựa chọn các mặt hàng là tùy theo nhu cầu của các địa phương. Ví dụ các địa phương có nguồn thực phẩm nhiều thì họ không dự trữ thực phẩm nữa mà dự trữ về công nghệ phẩm, nhiên liệu...


Bà Lê Ngọc Đào, GĐ Sở Công Thương TP.HCM cho biết, chương trình bình ổn giá của thành phố diễn ra quanh năm. Trước đây, thành phố ứng vốn khoảng 400 tỷ đồng/năm nhưng sau đó giảm dần và đến nay không ứng vốn từ ngân sách. “Các doanh nghiệp tham gia được kêu gọi phải đảm bảo về số lượng, chất lượng hàng hóa. Đến giờ, chúng tôi có khoảng hơn 7.500 điểm bán hàng cho 4 nhóm hàng hóa tham gia bình ổn, phủ kín địa bàn thành phố”, bà Đào nói.

“Giá của chương trình bình ổn luôn thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10%. Cơ sở để so sánh giá là cùng chủng loại, cùng chất lượng. Chẳng hạn không thể so sánh sản phẩm tiêu chuẩn VietGap với hàng trôi nổi. Do vậy, một số thông tin cho rằng giá hàng bình ổn còn cao hơn giá hàng ngoài chợ là không chính xác”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Kim Thoa


Bà Đào lạc quan: “Những mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thực phẩm, các doanh nghiệp tham gia chương trình đã chiếm đa số thị trường, có thể chi phối và ổn định được giá cả trên toàn địa bàn”. Cũng theo bà Đào, năm nay nguồn hàng tăng khoảng 20 - 25%. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn dù chịu tác động của giá xăng, gas tăng thời gian qua nhưng vẫn cam kết giữ bình ổn giá. Nhiều mặt hàng bình ổn sẽ được đảm bảo giữ giá ổn định trong 2 tháng từ 1/1 - 1/3/2014.


“Riêng các mặt hàng thiết yếu không thể thiếu như thịt, trứng, chúng tôi có chương trình giảm giá cho 3 ngày cận Tết. Một số doanh nghiệp còn cam kết, ngày cuối cùng của năm sẽ giảm giá từ 6.000 - 10.000 đồng/kg thịt lợn”, bà Đào nói.


Còn tại địa bàn Hà Nội, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng dự trữ tổng hàng hóa phục vụ Tết 2014 ước khoảng 1.095 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Tỵ 2013. Tổng công ty cũng tiếp tục tổ chức các chuyến bán hàng lưu động đưa hàng về các khu công nghiệp, khu chế xuất, các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2014.


Không để sốt hàng ảo


Gần đây, tại TP.HCM có thông tin bia khan hàng khiến nhiều đại lý tích trữ bia đẩy giá bia lên cao. Nhìn lại sự việc này, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, thường hàng hóa sốt giá là do bị đầu cơ tạo tâm lý thiếu hàng. Do vậy, người dân phải cảnh giác với các thông tin không chính thống. “Chúng tôi đã làm việc với các nhà sản xuất thì lượng bia năm nay tăng 20 - 30% và giá bia Heiniken không hề tăng. Việc nói bia thiếu là không đúng”, bà Thoa nói.


Bà Lê Ngọc Đào cho biết thêm, sau khi Sở Công Thương kiểm tra các đại lý cấp 1 của các hãng bia ở TP.HCM nếu có chênh lệch giá sẽ truy thu thuế thì chỉ sau 3 ngày, giá bia đã ổn định trở lại.


Cũng liên quan đến câu chuyện tích hàng để tăng giá của các đại lý, tại Hà Nội xuất hiện tình trạng một số cửa hàng giới hạn lượng đồ uống mà khách hàng được mua. Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng giám đốc Hapro cho rằng đây chỉ là động thái giả để gây tâm lý khan hiếm của các đại lý và người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về sự ổn định của hàng hóa trên thị trường. Ông Kiên cho biết, Hapro cam kết không để xảy ra tình trạng gạo bị làm giá như năm 2008.


Như vậy, nếu có sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng thì gian thương sẽ khó có cơ hội găm hàng, tăng giá, bắt chẹt người tiêu dùng.


Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN