Nở rộ các trào lưu tiêu cực
Mạng xã hội facebook xuất hiện tại Việt Nam, đã tạo thành một “cơn sốt” đối với giới trẻ và trở thành nơi trút những “hỉ, nộ, ái ố” của mọi người. Theo đó, nút like (thích) cũng trở nên quen thuộc với mọi người dùng khi nó thể hiện sự hưởng ứng, đồng tình, đồng cảm của mình đối với mỗi cập nhật trạng thái của bạn bè trên facebook. Sẽ chẳng có gì để nói nếu như nó được sử dụng đúng mục đích, thế nhưng nhiều người lại sử dụng nút like khá tùy tiện, lệch lạc thậm chí có người phát cuồng. Để “câu like”, một cô gái 13 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đăng trên dòng trạng thái (status) nội dung nếu đạt mức 1.000 lượt like cô sẽ đốt trường. Sự việc sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt” và chỉ sau một đêm, status đó đã vượt 1.000 like khiến cô gái lo sợ, tìm cách lẩn trốn bạn bè. Tuy nhiên, do sức ép của “nút like” từ bạn bè, cộng đồng mạng mà cô gái này đã phải thực hiện bằng hành động mang xăng vô đốt trường như đã tuyên bố. Hoặc gần đây, trào lưu “nói và làm của thanh niên Việt Nam” cũng đang nở rộ theo tuyên bố của một thanh niên sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, nam thanh niên này đã tuyên bố hùng hồn trên facebook rằng “nói và làm, cần 40.000 like để tự thiêu, nhảy cầu Tân Hóa” và thanh niên này đã thực hiện thật với sự chứng kiến của hàng trăm “tín đồ” facebook tò mò.
Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hành động đốt trường, tự thiêu, nhảy sông… để câu like là một minh chứng rõ nét cho trào lưu “sống ảo” của một bộ phận bạn trẻ ngày nay. Trào lưu tiêu cực này đã lên đến đỉnh điểm khi một số bạn bắt đầu bất chấp cả tính mạng của mình để có thể nổi tiếng phút chốc trên mạng xã hội.
Trò chơi Pokemon Go xuất hiện tại Việt Nam đã tạo nên cơn sốt thu hút đông đảo người chơi ở các thành phố lớn. |
Thực tế, trào lưu sống “ảo” trên mạng đang ngày càng phổ biến khiến không ít bạn trẻ bị ảnh hưởng và hành động theo hướng tiêu cực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội như cướp của, giết người ngày càng man rợ và máu lạnh, đặc biệt là sự vô cảm trước những khó khăn của người khác. Những vụ thảm sát cả gia đình tại Bình Phước, vụ nam thanh niên mới 20 tuổi giết chết hai mẹ con tại Bà Rịa - Vũng Tàu hay như vụ đãi tiệc sinh nhật bằng “ma túy” của một “thiếu gia” tại khách sạn với 80 bạn tham dự mới đây… là những minh chứng.
Thạc sỹ Tâm lý học Trần Thị Thu Vân, Phòng khám Chăm sóc giảm nhẹ - tâm lý, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng lối sống “ảo”, lệch lạc từ mạng xã hội có nhiều tác hại tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến bản thân, học tập, sinh hoạt của đối tượng tiếp nhận và cuộc sống của những người xung quanh. Theo nghiên cứu, những ảnh hưởng của việc “nghiện” facebook độc hại không kém so với thuốc lá hay các chất gây nghiện khác. Trên mạng xã hội, con người có thể cảm thấy bị mê đắm khi đăng tải các trạng thái, làm giảm tương tác với mọi người xung quanh, gây mất ngủ, học hành kém hay sao lãng những hoạt động đời thực khác, thậm chí có nhiều người có nguy cơ trầm cảm.
Lý giải nguyên nhân trào lưu sống “ảo” đang phát triển khá nhanh trong một bộ phận giới trẻ, Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A, trường CĐ Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh cho biết giới trẻ sống “ảo” nhiều bởi các bạn không có được những hoạt động cá nhân, không chia sẻ được với gia đình, thầy cô... Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội tạo cho giới trẻ cảm giác được giải tỏa thể hiện bản thân, cơ hội nổi bật trước đám đông, có được những giá trị độc đáo. Thực tế, các bạn mới chỉ có những khát khao còn năng lực chưa thực hiện được nên mạng xã hội là điều kiện lý tưởng để các bạn phù phép tô vẽ bản thân mình.
“Những trào lưu, hành động tiêu cực trên mạng của giới trẻ căn cơ là do các bạn thiếu sự định hướng, quan tâm từ gia đình hoặc không tiếp cận được giá trị sống tích cực, sống đẹp và lầm tưởng rằng việc “nổi đình nổi đám” trên mạng là thể hiện đẳng cấp, tiếng nói và hình ảnh của mình. Mặt khác, việc nổi tiếng trên mạng có vẻ dễ dàng quá nên các bạn lao vào mà không nghĩ rằng giá trị đó có thực hay không, hay đó chỉ là những con số ảo và các bạn không hình dung được hậu quả về sau”, Thạc sỹ tâm lý Tô Nhi A cho biết thêm.
Là người thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, ông Lê Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nguyên nhân dẫn đến những hành động lệch lạc của giới trẻ hiện nay xuất phát từ việc “ăn theo” trào lưu trên mạng xã hội. Bởi, khi thấy một cá nhân khác thực hiện và nhận được nhiều lượt theo dõi, quan tâm thì bản thân cũng muốn điều tương tự và muốn được nổi tiếng.
“Đa phần những trường hợp này rất ít môi trường tiếp xúc bạn bè, hoạt động bên ngoài; thiếu sự quan tâm của người thân, bạn bè nên mới cảm thấy sự quan tâm của xã hội ảo là quan trọng và là sự khẳng định bản thân. Đặc biệt, cũng do thiếu sự quan tâm, định hướng của gia đình, nhà trường cho nên giới trẻ mới dẫn đến suy nghĩ lệch lạc mà không nghĩ đến hành động của mình gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và mọi người xung quanh”, anh Dũng cho biết.
Tạo ra sân chơi thực tế
Để chữa “bệnh” sống “ảo” trong giới trẻ hiện nay, theo ông Lê Xuân Dũng, nhà trường, gia đình cần quan tâm hơn nữa đến các bạn trẻ. Các tổ chức trong nhà trường cần phải tăng cường thông qua các hoạt động để học sinh nâng cao bản lĩnh trước những luồng thông tin trên mạng xã hội, khước từ những cám dỗ. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sân chơi thực tế hơn là môi trường ảo cho học sinh, sinh viên hiện nay. “Đối với sinh viên, học sinh trước khi làm một hành động nào đó phải suy nghĩ đến hậu quả và tránh a dua theo bạn bè. Chỉ có các mối quan hệ thực tế mới giúp cho các bạn trưởng thành và suy nghĩ thấu đáo hơn là các mối quan hệ ảo trên mạng”, ông Dũng cho biết.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A cho rằng vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội là rất quan trọng, nên sự tác động rất tích cực từ các lực lượng này sẽ định hướng tốt cho giới trẻ. “Hầu hết những bạn rơi vào trường hợp này là những bạn thiếu sự quan tâm của gia đình, bởi vậy bản thân gia đình phải làm được hết trách nhiệm của mình. Gia đình phải là nơi định hướng giá trị sống cho con. Song song đó, nhà trường ngoài dạy về tri thức thì cần phải cung cấp cho những bạn ấy những kỹ năng sống và các bạn cũng cần phải lựa chọn cho mình những hoạt động sống phong phú và tích cực. Còn xã hội thì cần phải có những giải pháp hữu hiệu hơn, bởi hiện nay chúng ta chưa có những biện pháp thực sự hữu dụng và không theo kịp được với trào lưu của giới trẻ”.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng cảnh báo: “Các bạn trẻ cần hiểu trí tuệ mới chính là thứ giúp bạn nổi tiếng hoặc thành công thật sự. Thay vì bỏ thời gian và công sức để thu thập “like” thì hãy dùng thời gian, công sức đó thu nhập kiến thức, hình thành kỹ năng để tạo ra thành quả. Còn các bạn trẻ khi mạo hiểm tính mạng, bạn có thể có số “like” cao nhất thời nhưng nếu gặp sự cố sẽ mất mạng, tổn thương hoặc để lại di chứng cho đến suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn tàn phá cơ thể, tàn phá công lao nuôi dưỡng của gia đình, tàn phá cả cơ hội tương lai. Riêng cư dân mạng hãy tỉnh táo, đừng bao giờ phí nút “like” cho những hành động suy nghĩ tiêu cực, nếu không chính chúng ta là kẻ tiếp tay cho những cá nhân "thèm khát nổi tiếng đến mức không thể tin nổi" và đưa họ vào vòng nguy hiểm.
Bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm trí Lâm Thế Minh: Cần phải có những hoạt động thực chất hơn Giới trẻ nghĩ rằng Internet, mạng xã hội… sẽ giúp họ thể hiện được giá trị của bản thân mình bởi họ muốn khẳng định bản thân nhưng không thể khẳng định được bằng cuộc sống thật. Bên cạnh đó, giới trẻ đang thiếu những sân chơi, giải trí bổ ích nên các bạn lệ thuộc vào Internet nhiều hơn. Để giải quyết được tình trạng sống "ảo" của giới trẻ, chúng ta cần phải có những hoạt động thực chất hơn. Cụ thể, phải nhân rộng phòng tư vấn tâm lý trong các trường học và các tổ chức đoàn hội như đoàn thanh niên cần phải có những hoạt động hỗ trợ nâng đỡ tinh thần. Riêng về phía Nhà nước thì phải có những chính sách để các cháu có nhiều nơi vui chơi giải trí hơn bởi hiện nay chúng ta đang thiếu. Song song đó, tại các bệnh viện cũng cần nhân rộng khoa tư vấn tâm lý hỗ trợ cho thanh thiếu niên một cách chuyên nghiệp. Cô Lê Thị Mây, giảng viên tâm lý học trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường giáo dục kết hợp trong gia đình và nhà trường Nhà trường có thể nâng cao nhận thức về thế giới “ảo” cho học sinh thông qua việc lồng ghép câu chuyện có ý nghĩa trên mạng xã hội vào các môn học giáo dục công dân. Khi các em có nhận thức đúng thì sẽ hành động đúng, tránh được tình trạng sống “ảo”. Đối với phụ huynh cũng nên tâm sự với con cái thường xuyên, đưa ra định hướng đúng về thông tin trên mạng để các em biết cách lựa chọn thông tin đúng, tránh xa những thông tin tiêu cực. |