Mặc dù hiện tượng sử dụng chất tạo nạc (thuộc danh mục bị cấm) trong chăn nuôi lợn chưa có kết luận cuối cùng nhưng thông tin này đã khiến thịt lợn nhiều nơi xuống giá. Trước thực tế này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải có biện pháp đặc biệt kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm nói chung trong chăn nuôi.
Giá thịt lợn “bốc hơi”
Đồng Nai là tỉnh có đàn lợn lớn nhất cả nước, với tổng đàn gần 1,2 triệu con, trong đó khoảng 50% nuôi theo hình thức trang trại và 50% nuôi nhỏ lẻ trong dân. Như TTXVN đã đưa tin, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện 3 cơ sở sản xuất thực phẩm trong chăn nuôi đóng trên địa bàn tỉnh sử dụng chất phụ gia chăn nuôi không rõ nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng hóa chất bị cấm trong chăn nuôi. Ngay sau đó, giá thịt lợn tại Đồng Nai đã giảm mạnh. Hiện nay, giá mua lợn hơi tại các trang trại chỉ còn 40.000-42.000 đồng/kg, còn lợn của các hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ bán được giá .000-39.000 đồng/kg. Các hộ chăn nuôi chịu thua lỗ từ 500.000 - 600.000 đồng/tạ lợn hơi.
Chăm sóc đàn lợn thương phẩm. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Ở Nghệ An, chỉ có 330 trang trại, chủ yếu nuôi lợn. Trong đó, chưa đến 10 trang trại có nuôi số lượng trên 5.000 con. Vì quy mô chăn nuôi chủ yếu trong hộ dân nên hầu như không có việc nhập thức ăn chăn nuôi từ miền Nam ra. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh không kiểm tra thấy có hiện tượng sử dụng chất cấm nhưng trong 1 - 2 tháng vừa qua, giá thịt lợn cũng giảm khoảng 15 - 20% so với trước.
Không chỉ Nghệ An, theo Cục Chăn nuôi, thông tin sử dụng chất cấm còn khiến người chăn nuôi nhiều nơi bị liên lụy, hậu quả là giá thịt lợn giảm từ 10-15% so với trước và sau Tết. Tại miền Nam, “giá lợn tụt ghê gớm từ 52.000 đồng/kg xuống còn 45.000 đồng/kg”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết.
“Mạnh tay” với việc buôn, bán chất cấm
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, sau khi có thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo lấy mẫu để đánh giá một cách chính xác hơn và công khai, minh bạch cho người tiêu dùng biết tỷ lệ nhiễm. Hiện Cục Thú y và Cục Chăn nuôi đang lấy mẫu đánh giá và dự kiến sẽ công bố kết quả vào cuối tháng 3. Đồng thời, Bộ cũng kết hợp với lực lượng quản lí thị trường để kiểm tra lưu thông, buôn bán trên thị trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua có hiện tượng một số thương lái khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng chất cấm để kiếm lợi nhuận. Đại diện Cục Chăn nuôi cũng khẳng định, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, xử lý tình trạng này.
Chế tài xử phạt đối với việc buôn bán chất cấm trong chăn nuôi hiện nay còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, cần tăng mức xử phạt đối với các đối tượng buôn bán chất cấm này.
Trường hợp phát hiện tại Đồng Nai, do thiếu chế tài nên cơ quan chức năng buộc phải thả đối tượng buôn bán chất cấm này và chỉ phạt với mức 6,5 triệu đồng. Mức phạt và hình phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc vi phạm này. “Tới đây chúng tôi sẽ tham mưu cho Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 để chế tài xử phạt nghiêm hơn”, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Bên cạnh việc “mạnh tay” với các trường hợp vi phạm, muốn ngành chăn nuôi “sạch”, cần kiểm soát việc sử dụng chất cấm từ gốc, tức là “chặn” ngay từ khi nhập vào Việt Nam. Sau vụ việc ở Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương để kiểm tra việc lưu thông buôn bán chất cấm này trên thị trường.
Tại Hội nghị triển khai công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định: Công tác quản lí chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN&PTNT trong năm 2012 cũng như nhiệm vụ lâu dài của ngành.
Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng các mô hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao.
Mạnh Minh