Ngành GTVT đơn giản hóa 32 thủ tục hành chính

Ngành giao thông vận tải (GTVT) phải giải quyết nhiều thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp như: Cấp đổi giấy phép lái xe, cấp phép vận tải, mua vé tàu, đăng kiểm, thông quan cảng… Các thủ tục này được cắt giảm tối đa không chỉ góp phần giúp ngành GTVT thăng hạng về xếp hạng cải cách thủ tục hành chính mà quan trọng là góp phần xây dựng một nền hành chính vì người dân.

Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Chị Trần Mỹ Hạnh ở phố Bà Triệu (Hà Nội) sáng ngày 22/12/2014 đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm thủ tục đổi giấy phép lái xe hạng B2 theo hình thức khai hồ sơ qua mạng. Có mặt từ 8 giờ 30 phút, nhưng đến 9 giờ, chị đã nhận được giấy hẹn và nửa tiếng sau đã nhận được giấy phép lái xe mới. Chị Hạnh vui vẻ cho biết: “Tôi không nghĩ lại nhanh như vậy. Lần đổi trước, tôi phải xếp hàng chờ mất cả buổi sáng, một tuần sau mới đến nhận giấy phép lái xe. Chưa kể, nếu thủ tục không đầy đủ, người dân còn phải đi lại nhiều lần…”.

Làm thủ tục một cửa tại cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.


Chị Nguyễn Thị Bình (trọ ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) lại thấy hài lòng về việc ngành GTVT đã triển khai việc bán vé tàu xe qua mạng. “Việc mua vé qua hệ thống bán vé điện tử vừa được ngành đường sắt áp dụng từ cuối tháng 11/2014. Thay vì trực tiếp phải ra ga, cách chỗ ở trọ gần 10 km, năm nay chị có thể ngồi nhà và truy cập vào website để mua vé tàu về quê ở Thanh Hóa một cách khá dễ dàng và thuận tiện”.

Bác Đoàn Việt, chủ xe ô tô BKS 30A-224.84 làm thủ tục đăng kiểm tại Trung tâm 29-03V (Hà Nội) cho biết: “Giờ mua xe ở tỉnh khác không phải đến trung tâm đăng kiểm ban đầu để rút hồ sơ như trước, chỉ cần đến bất kỳ trung tâm nào cũng đăng kiểm được. Việc thay đổi hồ sơ do các đơn vị đăng kiểm tự giải quyết với nhau… nên khá thuận lợi cho người dân”.

Năm 2014, Bộ GTVT đã rà soát, đơn giản hóa 532 thủ tục tại 7 Nghị định và 42 Thông tư thuộc các lĩnh vực hàng hải, đường bộ, đường sắt, đăng kiểm, đường thủy nội địa… Trong số này có hàng trăm thủ tục đã được đề nghị bãi bỏ, giảm thời gian thực hiện, nâng mức độ dịch vụ công trực tuyến...

Ngành đường thủy nội địa trước đây vốn “nổi tiếng” vì sự trì trệ, nay đã nhiều đổi mới về cải cách thủ tục hành chính. Thuyền trưởng Trần Văn Khắc của tàu 400 tấn BN-0771 đang bốc dỡ xi măng trên sông Đuống (Bắc Ninh) cho biết: Quy trình làm thủ tục cho tàu chưa bao giờ nhanh và thuận lợi như bây giờ. Tàu đến, đi vào giờ nào, chỉ cần điện thoại là cảng vụ viên đến tận nơi làm thủ tục cho tàu cập cảng, xuất cảng, không phải lên tận trụ sở của cảng vụ để trình báo.

Theo ông Võ Hồng Tuyên, Phó trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam - Bộ GTVT), Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi, bổ sung sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ xóa bỏ 10 thủ tục liên quan đến việc chấp thuận cho phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải qua biên giới, đơn giản hóa trình tự giải quyết hồ sơ 44 thủ tục khác và quy định rõ ràng thời hạn giải quyết hoặc thông báo kết quả các thủ tục này…

Cải cách quyết liệt hơn nữa

Theo Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đánh giá kết quả triển khai thủ tục hành chính của 19 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 địa phương mới được Bộ Nội vụ công bố, Bộ GTVT đứng đầu danh sách các bộ, ngành. Song, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Việc cải cách thủ tục hành chính không phải để được xếp hạng nhất nhì, mà mục đích là cùng Chính phủ nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, xây dựng nền hành chính hiện đại vì dân”.

Vì vậy, mặc dù được đánh giá là bộ đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, song Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn khẳng định để đáp ứng được yêu cầu thì vẫn phải cải cách quyết liệt hơn nữa. Đây là cuộc đấu tranh “cam go” giữa lợi ích của một số người, một nhóm người, thậm chí của một người với lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Thực tế, “rào cản” lớn nhất hiện nay trong cải cách thủ tục hành chính là đối với một bộ phận đội ngũ cán bộ vẫn còn tồn tại thái độ “hành là chính” khi giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu của cải cách hành chính là đem lại sự hài lòng, giảm bớt phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết, thủ tục nào đơn giản hóa được thì làm ngay, thủ tục nào bỏ được thì bỏ luôn. “Phải đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp, tạo mọi điều kiện để người dân và doanh nghiệp được hưởng dịch vụ công ngành GTVT với chi phí hợp lý và chất lượng tốt nhất”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Hiện thực hóa chủ trương này, Bộ GTVT trong năm 2014 đã gắn trách nhiệm người đứng đầu từng đơn vị vào thực hiện nhiệm vụ. Định kỳ hàng tháng, quý, các đơn vị ngành đều phải khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp liên quan về mức độ hài lòng với thủ tục hành chính và sự phục vụ của nhân viên, báo cáo lãnh đạo bộ, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh và công khai xử lý trách nhiệm, nhờ đó, niềm tin giữa Bộ GTVT với người dân và doanh nghiệp được tăng lên.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin giúp các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn, cắt giảm được nhiều khâu trong trình tự thực hiện. Năm 2015, tổng cục tiếp tục nâng dịch vụ công trực tuyến lên cấp độ cao hơn đối với nhiều khâu thủ tục hành chính như: Cấp phép xe quốc tế, xe quá khổ, quá tải... nhằm nâng cao chỉ số hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Tiến Hiếu
Sớm xử lý vi phạm an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai
Sớm xử lý vi phạm an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài-Lào Cai

Càng giáp Tết Nguyên đán 2015, lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai càng gia tăng. Tuy nhiên, tại một số địa phương có cao tốc đi qua đang xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân kinh doanh dịch vụ giải khát, vi phạm hành lang an toàn giao thông của đường cao tốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN