Ngành y nỗ lực “xốc” lại y đức

Thời gian qua y đức là vấn đề “nóng” khi xuất hiện rất nhiều hiện tượng tiêu cực khiến người dân vô cùng bức xúc. Trong lúc nhiều thầy thuốc tận tâm tận lực cống hiến cho người bệnh, vì sức khỏe toàn dân thì một bộ phận y bác sĩ bị xuống cấp đạo đức, đang là những “con sâu làm rầu nồi canh” cần loại bỏ. Bộ Y tế quyết tâm vào cuộc “xốc” lại y đức bằng việc đưa ra nhiều chính sách mới, “luật hóa” cả thái độ phục của cán bộ nhân viên y tế với phương châm “cán bộ y tế phải chuyển từ tâm lý ban ơn sang phục vụ người bệnh”.

Không để y đức “lu mờ”

Tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã khen thưởng “nóng” 18 y bác sĩ của bệnh viện phụ sản Hà Nội vì thành tích đặc biệt khi đã bất chấp nguy cơ lây nhiễm để cứu sống một người bệnh bị nhiễm HIV trong tình trạng chảy máu tử cung không cầm và đang trong tình trạng sự sống chỉ còn tính bằng phút. Rất may 18 y bác sĩ này đã cứu sống được người bệnh và sau khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, các y bác sĩ đã không bị phơi nhiễm HIV. Đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho tấm lòng của những người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh bất chấp nguy hiểm.

Hay cứ giờ tan ca chiều thứ 5 hàng tuần, đến viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hẳn ai cũng phải xúc động khi chứng kiến cảnh các y, bác sĩ tự tay cắt tóc cho bệnh nhân. Việc làm này đã trở thành nếp. Theo các bác sĩ, họ làm công việc này để đảm bảo vệ sinh cho người bệnh, vì khi điều trị bằng hóa chất, tóc bệnh nhân sẽ bị rụng rất nhiều. Nhưng hơn hết, các bác sĩ muốn tự tay cắt tóc để giảm bớt những mặc cảm về bệnh tật và đặc biệt là để xoa dịu những nỗi đau cả thể xác và tinh thần của người bệnh. Nhiều bệnh nhân và người nhà cũng chia sẻ sự xót xa khi chứng kiến những nắm tóc rơi xuống vì căn bệnh quái ác, và cũng phải xúc động khi chứng kiến tấm lòng đáng quý, tình cảm trìu mến mà các y bác sĩ dành cho các bệnh nhân. Các bác sỹ, điều dưỡng ở đây được ví như những “thiên thần áo trắng”, như những người thân đã cùng bệnh nhân bước đi cùng với những đau đớn bệnh tật trong quãng đời ngắn ngủi còn lại…

Việc chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được ngành y tế quan tâm, chú trọng hơn.

Trên thực tế, nhiều bác sĩ sau khi học xong đã chấp nhận đi đến những vùng biên giới, miền núi, hải đảo xa xôi… có người còn tình nguyện gắn bó cả đời ở ngoài đảo để chữa bệnh cứu người, san sẻ bớt những khó khăn, thiếu thốn với người dân…

Những tấm gương y đức ấy đã cho thấy rằng, nhiều người thầy thuốc vẫn đang hàng ngày hàng giờ cống hiến vì sự nghiệp của ngành y, vì sức khỏe của người bệnh. Điều này càng đáng trân trọng khi thời gian qua nhiều hành động, thái độ tiêu cực của một bộ phận y bác sĩ như: Quát tháo bệnh nhân, vòi vĩnh, nhận phong bì, thiếu trách nhiệm… cũng xảy ra không ít khiến nhiều người ác cảm với ngành y. Giữa rất nhiều những người thầy thuốc tận tâm với nghề, những hiện tượng tiêu cực ấy đã làm ảnh hưởng đến y đức. Ngành y cần thời gian và sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn để xây dựng lại niềm tin nơi người dân.
“Luật” hóa y đức

Để khắc phục những tồn tại của ngành y, thời gian qua Bộ Y tế đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng phục vụ và đã có những hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định 2151/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Với việc coi bệnh nhân là “khách hàng” của bệnh viện để phục vụ, đây được coi là một bước đột phá của ngành y tế, là “liều thuốc” để chấn chỉnh lại y đức.

Theo quyết định này, toàn ngành y tế phải ký vào bản cam kết thực hiện thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, làm hài lòng người bệnh. Trong đó, Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh việc tập huấn giao tiếp cho nhân viên y tế. Để triển khai, Bộ đã ban hành bộ tài liệu về kỹ năng ứng xử để tập huấn cho các cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế. Xây dựng cụ thể các quy tắc, ứng xử mẫu cho từng chức danh công việc của cán bộ y tế (bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ, dược tá, nhân viên hành chính, thu ngân, bảo vệ, tình nguyện viên…) trong từng tình huống cụ thể từ khâu đón tiếp, chào hỏi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và dặn dò khi ra về…

Sau nửa năm thực hiện, nhiều hiện tượng tiêu cực của ngành y đã được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, ngành đã kỷ luật hơn 2.000 cán bộ vi phạm đạo đức từ cảnh cáo đến buộc thôi việc. Người bệnh đã cảm thấy hài lòng hơn với thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Quyết định 2151 vừa được ban hành và triển khai đã bước đầu được xã hội đón nhận. Qua đường dây nóng, những lời phàn nàn về thái độ ứng xử của cán bộ y tế đã giảm hẳn. Nhiều bệnh viện như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện E đã có nhiều bệnh nhân gửi thư phản hồi rằng thái độ của cán bộ y tế thay đổi hoàn toàn so với trước đây. Đường dây nóng của Bộ Y tế đã nhận được nhiều lời khen hơn và giảm bớt tiếng chê.

“Sự ra đời của những bản cam kết làm hài lòng người bệnh của Bộ Y tế, việc coi người bệnh là trung tâm và bệnh viện là người cung cấp dịch vụ là một quan điểm rất mới, rất đúng đắn, đã ra đời kịp thời, phù hợp trong thời buổi kinh tế thị trường, trước nguy cơ đi lệch hướng của nhiều cán bộ y tế”, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc bệnh viện E khẳng định.

Song song với việc tăng cường triển khai việc thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, Bộ Y tế cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế tha hóa, biến chất, mất phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tới đây sẽ đưa các nội dung đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế vào dạy trong các nhà trường y, dược. Mỗi cán bộ y tế từ khi học trong các trường ĐH, CĐ, đã được học cụ thể các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Từ đó, sẽ xây dựng được phong cách, thái độ làm việc của cán bộ y tế ngay từ trong nhà trường và tác phong ấy sẽ gắn bó suốt đời với mỗi cán bộ y tế.

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, ngành y là một ngành đặc biệt, chịu trách nhiệm về sức khỏe của con người từ lúc trong bụng mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Phải chịu đựng rất nhiều những áp lực của nghề nghiệp, đó là tai biến y khoa, là gánh nặng của xã hội... Vì vậy, thực hiện phong cách, thái độ chuẩn mực của người cán bộ y tế không những là tinh thần, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của mỗi người cán bộ y tế khi được đứng trong hàng của ngành y. Phải thay đổi nhận thức của mỗi nhân viên y tế, từ đó mới thay đổi hành vi của mỗi người. Mỗi nhân viên y tế phải hiểu được việc thay đổi thái độ phục vụ người bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Mong rằng sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế, với những động viện, khen thưởng, và xử lý sai phạm kịp thời, những hiện tượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ dần, những tấm gương, về y đức của người thầy thuốc ngày càng được nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng, để trả lại sự cao quý vốn có cho ngành y.
Tạ Nguyên
Y đức sáng nơi đảo xa
Y đức sáng nơi đảo xa

Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Nơi đây có những con người đang ngày đêm lặng lẽ dõi theo, ân cần chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đó là những "chiến sĩ" áo trắng Bệnh viện đa khoa huyện Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN