Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý đến đó, ngành Y tế Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục hậu quả, xử lý môi trường sau mưa lũ, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Trong 2 ngày 7-8/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ khắc phục, xử lý môi trường sau mưa lũ và hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt xử lý nguồn nước sinh hoạt tại các xã Thành Sơn, Trung Sơn, Phú Lệ, Thanh Xuân (huyện Quan Hóa); Tam Chung, Quang Chiểu, Trung Lý, (huyện Mường Lát)...
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa Lương Ngọc Trương cho biết: Công tác xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Mường Lát hiện gặp không ít khó khăn do còn nhiều địa phương chưa thể liên lạc được như các bản Cò Cài, Cà Giáng, Tà Cóm (xã Trung Lý) và bản Ón (xã Tam Chung)...
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn đã đề nghị Trung tâm Y tế các huyện Quan Hóa, Mường Lát tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực bị ngập lụt sau khi nước rút, chủ động phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã cấp các cơ số thuốc thiết yếu để phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường như: 100kg phèn chua, 175kg CloraminB, 1.000 viên Aquatabs cho huyện Quan Hóa; 17 lít Permethrin 50EC và 175kg CloraminB cho huyện Mường Lát.
Đặc biệt, tại huyện Mường Lát - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Thanh Hóa trong đợt mưa lũ vừa qua, Trung tâm đã phối hợp với UBND huyện tiến hành phun hóa chất, xử lý môi trường, xử lý nguồn nước cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học phổ thông Trung Lý và các hộ dân ở bản Táo xã Trung Lý; phun hóa chất, hướng dẫn xử lý môi trường tại bản Poọng, xã Tam Chung.
Đồng thời, Trung tâm đã cấp 50 liều huyết thanh kháng độc tố uốn ván miễn phí cho Trung tâm Y tế huyện Mường Lát để xử lý những trường hợp bị tai nạn, thuơng tích sau lũ. Hiện tại, trên địa bàn huyện Mường Lát chưa phát hiện dịch bệnh hay các bệnh về da, mắt, tiêu hóa…
Đến nay, tất cả các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Trên 90% các vùng bị ngập lụt đã được xử lý môi trường, tập trung vào việc xử lý nguồn nước, xử lý chôn lấp xác gia súc, gia cầm chết và làm sạch hệ thống các nhà vệ sinh bị ngập.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã cấp vật tư phòng chống dịch bệnh, phòng chống lụt bão năm 2018 cho các địa phương với tổng số 4.795 kg CloraminB dạng bột và 119.000 viên CloraminB, 2.040 hộp Aquatabs, 6.150 kg phèn chua, 1.070 hóa chất Permethrin 50EC, 1.285 trang phục phòng chống dịch 1 lần... Đồng thời, Trung tâm đã cử cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị y tế triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường ngay sau khi nước rút.
Ngành Y tế Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng bị ngập lụt triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt.