Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã bước vào mùa khô nên các nhà thầu đã huy động tổng lực vật tư, nhân lực, các phương tiện chuyên dụng để đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên nhằm phấn đấu đảm bảo đúng theo tiến độ đề ra. Đoạn đường Hồ Chí Minh qua huyện Krông Búk đang trong quá trình thi công, tuy nhiên mặt đường lồi lõm, ổ trâu, ổ voi, cống rãnh thoát nước thì che lấp lối vào nhà dân, thiếu cọc tiêu, biển báo. |
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, nhiều nhà thầu đã không thực hiện đúng quy trình, quy phạm nên không những gây ô nhiễm môi trường, đảo lộn đời sống của hàng vạn hộ dân sinh sống ven hai bên đường mà còn dễ gây tai nạn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Ngay tại huyện Krông Búk, nơi có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua dài trên 27 km, các đơn vị đã thi công nền, móng, rải cấp phối đá dăm, thi công các công trình cống thoát nước dọc ở một số đoạn.
Tuy nhiên, theo phản ảnh của lãnh đạo UBND huyện Krông Búk cũng như ghi nhận của phóng viên, do các nhà thầu thi công không đúng quy trình kỹ thuật trong các khâu đào nền đường, cống thoát nước nên mỗi khi có mưa xuống là nước, đất chảy tràn vào nhà dân bít cả lối đi vào nhà.
Mùa nắng, bụi đất, bụi đá bay đầy trời làm đảo lộn đời sống của người dân. Nghiêm trọng hơn, cũng chính do khởi công tràn lan, nhưng không thi công dứt điểm, có nhiều dãy cống thoát nước dọc hai bên đường đào sâu hun hút; đất, đá được đào lên bỏ bừa bãi che gần kín hiên nhà dân ở hai bên đường nhưng lại không có cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu, nguy hiểm cho các gia đình.
Thậm chí, có đoạn đường, nhà thầu đào hố sâu để thi công cống thoát nước kéo dài cả năm nay nhưng không thi công hoặc đã lắp đặt cống nhưng lại chậm san lấp trả lại mặt bằng gây nhiều bức xúc cho đồng bào các dân tộc…
Đoạn đường này mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt gây ra ô nhiễm môi trường, đảo lộn đời sống đồng bào các dân tộc. |
Anh Phùng Văn Minh ở thôn Tân Lập 6, chợ Pơng Drang, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) bộc bạch việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn qua Tây Nguyên nói chung và qua xã Pơng Drang nói riêng là tạo điều kiện động lực để Tây Nguyên phát triển. Ai ai cũng cám ơn Đảng, Chính phủ nhưng bà con chỉ phàn nàn các nhà thầu thi công không những chậm mà còn gây nhiều khó khăn cho người dân, thậm chí, còn gây nguy hiểm đến tính mạng cho người dân sinh sống ở hai bên đường.
Anh Minh chia sẻ, ngay trước nhà, các đơn vị thi công đã đào một hố dài để lắp đặt đường ống thoát nước nhưng sau khi lắp đặt không lấp lại, trong khi đó, gia đình có nhiều trẻ em đi khuya về tối, bán hàng nên dễ có nguy cơ rớt xuống hố nguy hiểm đến tính mạng nên anh đành tự bỏ tiền mua đất, thuê nhân công lấp lại để có lối đi ra, vào nhà.
Bên cạnh đó, anh Y Thin Mlô, Phó trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Krông Búk cho biết, thực tế, các nhà thầu thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk có nhiều đoạn không đúng quy trình kỹ thuật nên mặt đường thì lồi lõm, ổ trâu, ổ voi, cống rãnh thoát nước thì che lấp lối vào nhà dân, thiếu cọc tiêu, biển báo.
Anh Y Thin Mlô cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa các nhà thầu, các đơn vị giám sát để thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện đúng quy trình, đúng kỹ thuật để hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế đảo lộn đời sống người dân, đồng thời, đảm bảo chất lượng công trình.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên, ngoài những bất cập trên, một số nhà thầu thi công đào nền đường, móng đường, rải móng cấp phối đá dăm… trên một đoạn đường dài chưa đảm bảo an toàn giao thông, không hề thấy xe phun nước hạn chế bụi trong quá trình thi công, một số cọc tiêu biển báo chưa đúng quy định…
Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên có chiều dài 663 km đi từ Đắk Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) qua 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông kéo dài đến Chơn Thành. Ngoài 110 km từ Đắk Giôn- Tân Cảnh (Kon Tum) đã hoàn thành giai đoạn 1, hiện nay, Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng 553 km từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) và phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành toàn tuyến theo đúng kế hoạch đề ra.
Bài, ảnh: Quang Huy