Ca bệnh 334 (BN334): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ngày 14/1/2020 đi du lịch tới Trung Quốc, do dịch bệnh nên bị kẹt không về Việt Nam được. Ngày 31/5/2020 bệnh nhân từ Hồ Bắc, Trung Quốc đi máy bay đến Nam Ninh, Trung Quốc, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh (ngày 31/5/2020) bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung ở Móng Cái.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 3/6/2020 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Xét nghiệm lần 2 ngày 11/6/2020 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sau dịch COVID-19
Tiếp tục Chương trình kỳ họp, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Các đại biểu cho rằng, đây là thời điểm Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục kinh tế sau ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lĩnh vực kinh doanh đầu tư gần như "đóng băng", không hoạt động như vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, được thế giới ghi nhận, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân cả nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, kết quả phòng chống dịch COVID-19 là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc Việt Nam. Việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới không chỉ tạo ra niềm tin rất lớn trong nhân dân, khơi dậy được sức mạnh từ lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc. Hơn 50 ngày qua, cả nước không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, đặc biệt không có ca nào tử vong. Xã hội đã trở lại hoạt động bình thường, các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch nhộn nhịp trở lại, các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết cơ bản.
Để thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ cần triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ, phù hợp, ứng phó linh hoạt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên các lĩnh vực, phù hợp với tình hình.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự, an toàn giao thông. Đây cũng chính là quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện pháp đảm bảo an toàn giao thông đã tạm đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trên cả nước được dư luận đồng thuận và nhân dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Rà soát lại toàn bộ đối tượng nhận hỗ trợ dịch COVID-19 tại huyện Quỳ Châu
Sau dư luận ồn ào về việc chi trả tiền hỗ trợ dịch COVID-19 các hộ nghèo, cận nghèo ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu (Nghệ An), huyện Quỳ Châu đã và đang kiểm tra, rà soát lại toàn bộ 12 xã, thị trấn có đối tượng được nhận trợ cấp dịch COVID-19 được chi trả vừa qua.
Bản Quỳnh 2 xã Châu Bình có 40 hộ nghèo và 58 hộ cận nghèo. Mỗi nhân khẩu được chi trả 750 ngàn đồng cho 3 tháng tiền hỗ trợ dịch COVID-19. Sau khi các hộ dân ở đây nhận tiền hỗ trợ, có thông tin cho rằng có những trường hợp khá giả, những người chết rồi vẫn được nhận tiền hỗ trợ dịch COVID-19.
Làm việc trực tiếp với ông Lương Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Châu Bình, ông Đại cho biết: "Sau khi báo chí thông tin, bước đầu chúng tôi rà soát lại tại bản Quỳnh 2 phát hiện 33 nhân khẩu chi trả sai và đã thu hồi lại gần 30 triệu đồng. Những trường hợp này là người đã đi xuất khẩu lao động, rời khỏi địa phương, đã mất. Danh sách này dưới bản đưa lên xã. Do địa bàn xã đông nên những nhân khẩu trong các hộ nghèo và cận nghèo có thể thay đổi mà chúng tôi chưa kịp rà soát. Xã đang tiếp tục rà soát, kiểm tra lại việc chi trả tiền hỗ trợ dịch COVID-19 tại tất cả các bản trên địa bàn xã".
Tuy nhiên, như 3 trường hợp đã mất được chi trả gồm chị H.T.T (mất năm 2019), anh H.N.N (mất tháng 1/2020) và ông H.N.S (mất tháng 2/2020) đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Chị H.T.T và anh H.N.N sau khi mất để lại hai con nhỏ bơ vơ, người thân già yếu hoặc mất khả năng lao động.
Ở trường hợp 3 người con gái của Trưởng bản Tô Duy Tòng ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, cả 3 người này đều đã lập gia đình và là hộ cận nghèo. Việc cùng lúc cả 3 người con của Trưởng bản được cận nghèo mà những hộ khác tương đương lại không được cũng khiến nhiều bà con có ý kiến. Nhận được phản ánh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Châu đã xuống kiểm tra và chấm điểm lại thì đều đạt điểm số thuộc diện cận nghèo.
Có những sai sót trong việc chi trả tiền hỗ trợ dịch COVID-19 ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình là do việc bình chọn hộ nghèo, cận nghèo cho năm 2020 đã xong từ tháng 11/2019. Danh sách các hộ đó được xã rà soát và lập vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19 nhưng vẫn còn sót một số trường hợp.
Sau những sự việc như trên, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Nghệ An đã và đang cùng Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Quỳ Châu, các xã khẩn trương rà soát lại toàn bộ các đối tượng được chi trả tiền hỗ trợ dịch COVID-19 trên toàn địa bàn huyện Quỳ Châu. Những trường hợp nào nếu như chi trả sai sẽ thu hồi lại, đảm bảo chi trả đúng đối tượng được hưởng hỗ trợ, không tái diễn sự việc đáng tiếc như bản Quỳnh 2 tại xã Châu Bình.
Hiện tại, huyện Quỳ Châu đã chi trả xong gần 24 tỉ đồng cho 7.6 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng tiền trợ cấp dịch COVID-19.