Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 54.966 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 280; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.020; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 47.666 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 25/4, đã có thêm 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 gồm: BN167, BN176, BN195, BN253, BN258.
Hiện, 45 bệnh nhân COVID-19 còn lại đang điều trị tại 6 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó 37 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, 6 ca đang được điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 2 ca đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.
Với 5 ca bệnh sau khi khỏi bệnh bị dương tính trở lại, các bệnh nhân này tiếp tục được điều trị. Cụ thể là: BN188, BN136 (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2); BN52, BN149 (Bệnh viện số 2 Quảng Ninh); BN36 (Bệnh viện Y Dược Cổ truyền Bình Thuận).
Trong các ca đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 13 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 là 3 ca.
Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 19 phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020, về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Theo đó có một số điểm đáng lưu ý:
Các Bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp:
- Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện;
- Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
- Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường…) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trí, nhà hàng, quán ăn…) trừ các cơ sở nêu tại điểm c mục 2 trên đây, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
- Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại, nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải như: hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, xà phòng, dung dịch sát khuẩn để rửa tay cho hành khách. Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.
- Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.
- Nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nguy cơ:
- Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức nguy cơ thấp:
- Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan xác định phạm vi khu vực nguy cơ cao trên địa bàn và chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Ninh rà soát toàn bộ quy trình mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19
Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có văn bản số 2488/CV-TU gửi HĐND và Ban cán sự UBND tỉnh thông báo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về việc yêu cầu rà soát hồ sơ, thủ tục liên quan đến mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR tự động và các thiết bị y tế liên quan đến việc phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc mua sắm máy Realtime PCR tự động xét nghiệm bệnh COVID-19 và các thiết bị y tế được trang bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế; báo cáo thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 30/4.
Giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 ở các cấp và vấn đề mua sắm các trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh của Sở Y tế; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo quy định của Đảng và pháp luật (nếu có vi phạm).
Bên cạnh đó, cũng giao Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo Thường trực HĐND, các ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng các trang thiết bị y tế được trang bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Tình trạng gia tăng rút bảo hiểm xã hội 1 lần trong mùa dịch COVID-19
Theo đánh giá BHXH và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong những tháng đầu năm nay, số lượng người đăng ký hưởng Bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần gia tăng, do người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Tình trạng này xảy ra nhiều tại các tỉnh, thành phía Nam như: Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh…
Đơn cử, theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh Bình Dương, trong 2 tháng gần đây, lượng hồ sơ giải quyết hưởng BHXH 1 lần toàn tỉnh khoảng 10.835 hồ sơ, với số tiền chi trả hơn 435 tỷ đồng; tăng 3.039 hồ sơ và hơn 156 tỷ đồng chi trả so với cùng kỳ năm 2019.
Lý giải bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh vẫn dương tính lại
Việt Nam đã có 5 trường hợp bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại sau khi ra viện, điều này khiến người dân lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, khả năng tái phát bệnh dịch bệnh.
Về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng: Việc bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh mà vẫn có kết quả dương tính lại, không phải là hiện tượng mới, trên thế giới đã có nhiều trường hợp và tại Việt Nam thì cũng tính đến nay đã có 5 trường hợp này.
TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe, ít nhất là 14 ngày. Những trường hợp có triệu chứng ho hoặc sốt sẽ được làm xét nghiệm lại.
Tuy nhiên, việc còn trường hợp đã âm tính 2-3 lần với vi rút SARS-CoV-2, nhưng sau đó lại dương tính, là do thụ thể yêu thích của vi rút SARS-CoV-2 là ở phổi chứ không nhiều ở trên vùng hầu họng, vì vậy khi có triệu chứng này là virus đã tấn công xuống đến phổi.
"Khi bệnh nhân đã được điều trị từ 6 - 7 ngày đến khi hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được vi rút. Đến khi 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu) kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm vi rút vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của vi rút. Mặc dù không gây bệnh nhưng xác vi rút vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhạy vẫn cho kết quả dương tính. Dương tính ở đây là phát hiện xác của vi rút, không có nghĩa là vi rút còn sống và đang gây bệnh”, TS.BS Phạm Quang Thái phân tích.
Với những trường hợp này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ được làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem vi rút có nhân lên hay không… để kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Do đó, mọi người có thể yên tâm về vấn đề này.