Theo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) của Việt Nam là 9.437 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 86; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.506; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 845 trường hợp.
Về tình hình điều trị của BN91, hiện bệnh nhân hồi phục tốt, tâm lý ổn định hơn. Bệnh nhân tỉnh, đêm ngủ được, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy và bước được vài bước. Hiện bệnh nhân phi công người Anh đã tự thở khí phòng, cai máy thở 13 ngày; giao tiếp tốt được bằng lời nói; tự ăn uống qua miệng, ăn chưa nhiều.
Không thể nôn nóng phát triển kinh tế mà mở cửa ồ ạt
“Chính phủ tuyệt đối không để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam, kiên quyết bảo vệ thành quả chống dịch để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu kép”, là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 24/6.
Tính đến sáng 25/6, thế giới đã ghi nhận 9.503.073 người mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 483.677 người đã tử vong. Châu Mỹ vẫn tiếp tục là tâm dịch của thế giới và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120 ngàn người tử vong.
Thủ tướng nhấn mạnh, không thể nôn nóng phát triển kinh tế mà mở cửa ồ ạt; trong chỉ đạo, luôn phải nâng cao tinh thần cảnh giác khi mà tình hình diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp trên toàn cầu.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhận định, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến thương mại, hợp tác làm ăn.
Bởi vậy, tinh thần chung là khẩn trương, quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép", vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả, trong đó bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu. Xuyên suốt và nhất quán, mọi giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam đều hướng vào mục tiêu đó, không để làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 trở lại Việt Nam.
Tuy nhiên, sự chủ quan bắt đầu xuất hiện khi số ca mắc mới ngày càng thưa nhặt và tất cả các ca mắc COVID-19 mới đều đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19 chiều 24/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại yêu cầu không thể chủ quan. Để dịch bệnh quay trở lại, không chỉ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của nhân dân, mà còn có thể khiến niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thành quả chống dịch của Việt Nam lung lay.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, việc kiểm soát dịch tại Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này.
Chính phủ tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam. Muốn vậy, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và hành động, tiếp tục hưởng ứng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo cụ thể, sắc bén của người đứng đầu Chính phủ, để Việt Nam duy trì được thành quả trên cả hai mặt trận chống dịch bệnh và phát triển kinh tế.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đón chuyến bay chở 150 chuyên gia từ Nhật Bản
Vào lúc 14 giờ ngày 25/6, chuyến bay mang số hiệu VN311 của Vietnam Airlines chở 150 hành khách là chuyên gia Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Trong tuần này, dự kiến sẽ có 3 chuyến bay từ sân bay Narita (Nhật Bản) hạ cánh tại Sân bay quốc tế Vân Đồn, đưa gần 450 doanh nhân từ Nhật Bản sang Việt Nam, đánh dấu việc nối lại các tuyến bay từ Nhật Bản sang Việt Nam sau thời gian hạn chế đi lại nhằm chống dịch COVID-19. Chuyến bay được thực hiện với sự hỗ trợ của Phòng thương mại và công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam.
Toàn bộ 150 hành khách đều mặc đồ bảo hộ y tế, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, khi xuống máy bay phải tiến hành khai báo y tế bắt buộc. Trung tâm kiểm dịch y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra sàng lọc để phát hiện các trường hợp nghi ngờ qua máy đo thân nhiệt từ xa, phun khử trùng hành lý xách tay và hành lý ký gửi của hành khách.
Tiếp đó, hành khách được làm thủ tục nhập cảnh, kiểm tra hải quan, sau đó hành khách được đưa về các điểm cách ly theo dõi sức khỏe trong 14 ngày theo quy định. Sau khi hoàn tất việc đón hành khách, toàn bộ khu vực làm thủ tục, luồng di chuyển của hành khách và các thiết bị tại sân bay đều được phun xịt khử trùng, phòng lây nhiễm dịch bệnh.
Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý từng bước, từng phần nới lỏng hạn chế đi lại nhằm hồi phục hoạt động giao thương giữa 2 nước. Các biện pháp và thủ tục cụ thể, hai bên sẽ trao đổi qua đường ngoại giao trên tinh thần không để lây lan dịch bệnh và bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của mỗi nước.
Kể từ đầu tháng 2 tới nay, Sân bay quốc tế Vân Đồn đã tiếp đón, phục vụ 30 chuyến bay với khoảng 5.000 chuyên gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… đến hoặc đi từ Việt Nam, góp phần vào việc tái thiết nền kinh tế trong nước sau dịch bệnh. Đồng thời, sân bay cũng đón 37 chuyến bay đưa trên 6.100 người Việt từ nhiều vùng dịch trên thế giới về nước, đảm bảo an toàn tuyệt đối và ngăn ngừa lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Hỗ trợ nhóm lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 triển khai rất chậm
Theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), công tác hỗ trợ cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn chậm.
Tính đến ngày 10/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân hơn 10,5 ngàn tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 10.1.626 người và 2.613 hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, phần lớn người được nhận hỗ trợ theo gói 62.000 tỷ đồng thuộc nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Theo thống kê, các tỉnh thành đã hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 10.122.075 người với kinh phí là hơn 10.447 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm đối tượng là lao động tự do, lao động tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch được hưởng triển khai chậm. Cụ thể, đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ 46.551 người với kinh phí là 50,546 tỷ đồng. Số này bao gồm: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp 9.058 người, kinh phí 13,559 tỷ đồng; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.669 người, kinh phí 1,586 tỷ đồng; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc 35.824 người, kinh phí 35,4 tỷ đồng).
Trao đổi về tình trạng số hồ sơ doanh nghiệp đề nghị hưởng hỗ trợ chi trả lương ngừng việc cho người lao động tại Hà Nội ít, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết: Doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị hỗ trợ khá ít do điều kiện chưa phù hợp với thực tế. Nếu theo quy định, để được hưởng hỗ trợ, một trong những tiêu chí là người lao động phải làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những doanh nghiệp không có doanh thu đã phá sản, còn những doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì vẫn còn doanh thu”.
Báo cáo mới đây nhất của Bộ LĐTBXH trình Chính phủ cũng thừa nhận việc hỗ trợ người lao động ít hơn so với dự kiến ban đầu do tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ. Do quy định doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính nên doanh nghiệp e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, không chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người lao động.