Buổi diễn tập dự kiến diễn ra tại Công viên Lưu Hữu Phước, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) vào ngày 30/8. Kịch bản giả định: Sự cố cháy tại Phòng hotlad (phòng thí nghiệm phóng xạ), nơi để chia liều thuốc phóng xạ I-131 (Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Ung bướu thành phố) có diện tích khoảng 20m2. Ngọn lửa bùng phát trong phòng, không cháy lan sang công trình khác cột khói đen không đậm đặc, chiều cao cột khói khoảng 10-15m từ mặt đất. Sự cố cháy gây nhiễm bản phóng xạ một số vị trí trong phòng hotlab và phòng chờ thủ thuật, làm một số nhân viên đang làm việc trong khu vực bị ảnh hưởng.
Buổi diễn tập có sự tham gia của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, Phòng Hóa học (Bộ Tham mưu Quân khu 9); Công an , Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ...
Ông Lê Tiến Mãnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ cho biết, là nơi trực tiếp sử dụng nguồn phóng xạ trong điều trị bệnh, đơn vị đã tổ chức ứng phó sự cố bức xạ nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Vì vậy, diễn tập lần này với sự hỗ trợ từ nhiều đơn vị, quy mô lớn sẽ là cơ hội để bệnh viện học tập kinh nghiệm ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.
Nhân dịp này, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân thành phố Cần Thơ sẽ trưng bày các thiết bị ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân.
Cần Thơ là địa phương đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân. Buổi diễn tập quy mô lớn, tình huống sự cố mới và tương đối khó (rò rỉ nguồn phóng xạ tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ).
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè thông tin, buổi diễn tập hướng tới nâng cao cảnh giác, chú ý của người dân về nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ hạt nhân; các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long học tập kinh nghiệm, vận dụng khi có sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra. Ông đề nghị, các đơn vị phối hợp thực hiện cần chuẩn bị kĩ, phân công cụ thể công việc, nhiệm vụ cho từng đơn vị, bộ phận thực hiện diễn tập sát với kịch bản. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ, quận Ninh Kiều đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về buổi diễn tập để người dân biết, hiểu rõ, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Cần Thơ là địa phương cuối cùng (sau Hà Nội và Đà Nẵng) diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố. Việc diễn này là hoạt động thí điểm để nhân rộng, vì vậy, sự kiện sẽ có sự tham gia của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần Thơ hiện có 21 cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và các thiết bị phát tia X dùng trong công nghiệp phục vụ hoạt động chiếu xạ; 3 cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị (Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Cần Thơ) và 77 cơ sở sử dụng 211 thiết bị X-quang tiến hành gần 1,2 triệu lượt ca chụp, chẩn đoán y tế hằng năm.
Trước đó, vào năm 2022, tại Cần Thơ cũng diễn ra diễn tập ứng phó sự cố an toàn bức xạ và hạt nhân cấp thành phố với kịch bản giả định là nguồn phóng xạ bị mất, cần khởi động kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp thành phố.