Đến xã Pa Ủ vào những ngày đầu đông, một không khí hối hả của bà con chuẩn bị đón một cái tết dân tộc gần kề khiến người đến như chúng tôi thêm ấm lòng. Bộ đội biên phòng vượt qua mọi khó khăn vất vả để bám địa bàn làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ biên cương của Tổ quốc, vừa giúp dân ổn canh ổn cư phát triển kinh tế dần vươn lên thoát nghèo. Cảm động trước cái tình gắn bó, đoàn kết giữa quân và dân ấy thì tình đồng chí, đồng đội cũng đã nhóm lên một ngọn lửa ấm áp giữa đại ngàn bao la rừng núi…
Tình quân dân…
Xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) có 12 bản, 513 hộ và 2.731 khẩu, là xã có một trăm phần trăm dân gốc là người La Hủ, thuộc dân tộc nằm trong đề án bảo tồn cấp Nhà nước. Mấy năm qua, thực hiện cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới" lực lượng biên phòng cùng với các ban ngành, đoàn thể và đơn vị hảo tâm đã chung tay dựng nhà đại đoàn kết cho bà con. Kết quả đạt được rất lớn, cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ; một số bản "4 không" - không đường, không trường, không trạm, không điện thắp sáng thì giờ đây người dân có nhà kiên cố để ở, con cái được tới trường học chữ. Với tinh thần "Đi dân nhớ, ở dân thương", "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con dân tộc là anh em ruột thịt", các tổ công tác biên phòng cũng cắm chốt, bám sát địa bàn cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc để hướng dẫn bà con ổn định đời sống, khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm dần thoát khỏi cảnh đói kinh niên. Đời sống, trình độ dân trí cũng được nâng lên, từ một xã có tỷ lệ người nghiện thuốc phiện cao thì nay đã giảm hẳn, an ninh được đảm bảo, học sinh tới trường tăng lên hàng năm.
Chiến sỹ biên phòng hướng dẫn bà con trồng vườn rau xanh. |
Năm 2008 đến năm 2009, bộ đội biên phòng đã dựng 42 ngôi nhà đại đoàn kết ở bản Hà Si - Hà Nê. Đến năm 2010, biên phòng tiếp tục dựng 21 nhà cho người dân ở bản Tân Biên và đầu năm 2011 triển khai dựng được 44 ngôi nhà ở bản Mu Chi. Đồn trưởng 309, Thượng tá Nguyễn Văn Ty, 53 tuổi, gần nửa cuộc đời gắn bó với vùng biên viễn Lai Châu tâm sự: Bà con ở đây khổ lắm! Các chiếc sỹ quân hàm xanh bọn mình như những cánh chim không nghỉ, miệt mài giống con tằm nhả kén. Bảo vệ biên cương là nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhưng ở biên giới xa xôi thì lính biên phòng phải nhờ vào dân và lo cho dân chứ. Nhà dột nát thì các chiến sỹ vất vả làm nhà cho bà con, dân không biết chữ thì mở lớp dạy chữ, tập tục lạc hậu thì cầm tay chỉ việc để họ học theo mà làm tốt. Có như vậy thì mặt trận toàn dân mới được củng cố và giữ vững...
Bộ đội biên phòng tặng quà tết cho bà con ở xã Pa Ủ. |
Nghe các cụ già kể lại: Ngày xưa, người La Hủ sống trên các mỏm núi cao, khe suối, cách xa trung tâm, giữa các gia đình sống cũng không gần nhau. Họ sống cô lập với bên ngoài, tự cung tự cấp, phương thức canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống khó khăn, bấp bênh nên dân tộc Thái gọi họ bằng tên gọi miệt thị "Trá Quy" (Trá - có ý nghĩa khinh miệt một dân tộc nhỏ, lạc hậu; Quy - chỉ dân tộc La Hủ). Ngoài ra, dân tộc La Hủ còn được gọi với cái tên tộc "Lá Vàng", đây cũng là tên gọi mà các dân tộc khác thấy người La Hủ sống du canh du cư, họ chỉ lợp lán sống tạm, khi nguồn thức ăn hết, lá lợp lán chuyển sang màu vàng thì dỡ bỏ đi nơi khác. Đến năm 1964, cán bộ lên vận động và quy tụ các hộ gia đình dân tộc La Hủ về chọn đất lập bản. Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, người dân La Hủ ở xã Pa Ủ về sống tập trung, ổn định như ngày hôm nay.
Trưởng bản Tân Biên, Phản Xạ Chô, 60 tuổi không giấu nổi niềm vui nói: “Mình không tin được dân bản mình lại có một ngôi nhà đẹp, vững chắc như thế này. Nghĩ đến có đủ cái ăn đã là quá xa rồi, sao mà dám nghĩ đến việc có nhà vững chắc, kiên cố để ở. Đầu tháng 12 Dương lịch là Tết dân tộc La Hủ mình rồi, năm nay dân bản mình sẽ mổ lợn ăn tết to đấy…“.
Tình đồng chí…
Những người lính đến từ mỗi vùng quê khác nhau, họ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau để vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Nhờ sự quan tâm, săn sóc động viên ấy, mà các chiến sỹ lúc xa gia đình, xa vợ con họ cũng không thấy mình lẻ loi, đơn độc nơi đầu sóng, ngọn gió biên cương. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng có chính sách hỗ trợ nhà ở cho những gia đình quân nhân gắn bó lâu dài nơi biên giới, vợ chồng, con cái có điều kiện ở gần nhau.
Đại úy Lù Văn Thêu, 41 tuổi, quê ở xã Mường Tè, là cán bộ tăng cường cắm xã, thuộc diện được tặng nhà đồng đội. Anh đến với xã Pa Ủ được 15 năm, đã từng đứng lớp xóa mù chữ cho đồng bào La Hủ, vì vậy văn hóa và tiếng dân tộc anh đã thuộc làu. Ngày gia đình anh chị lên, lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, phải dựng một gian lán ở tạm. Chồng động viên vợ cùng cố gắng để vượt qua, nhiều đêm thấy vợ trằn trọc, anh cũng nặng lòng. Tháng 6/2009, gia đình anh được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng hỗ trợ 50 triệu đồng để anh chị có tiền dựng nhà. Anh em trong đơn vị, người xẻ gỗ, người san nền cùng chung tay giúp vợ chồng anh dựng được ngôi nhà khung gỗ ba gian, lợp tôn, nền xi măng, thưng ván quanh kiên cố. Giờ gia đình anh chị cũng tạm ổn, chồng thì yên tâm công tác, còn vợ thì mở quán bán, thu nhập đủ sống và chu cấp cho các con ăn học.
Chia tay vợ chồng anh Lù Văn Thêu, chúng tôi đến với ngôi nhà gắn biển đồng đội thứ hai trong xã. Tiếp chúng tôi là chị Lý Hoài Thương, 33 tuổi, vợ của Thượng úy Lò Việt Phong, 36 tuổi. Anh Phong vừa được điều động ra làm Đại đội phó Tiểu đoàn huấn luyện biên phòng tỉnh Lai Châu. Năm 2008, gia đình anh Phong cũng được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng hỗ trợ 30 triệu đồng để làm nhà. Anh em trong đơn vị cũng xúm tay vào giúp đỡ dựng được ngôi nhà kiên cố ba gian. Hiện nay, chị Thương mở quán bán hàng tạp hóa, một tháng anh lại về nhà thăm vợ con, hạnh phúc, tiếng cười rộn rã trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ấy.
Những sải chân không biết mỏi, vẫn lặng thầm, vững ý chí và niềm tin sống trong tình yêu đùm bọc của dân bản để cống hiến cho Tổ quốc. Gương chiến sĩ Quàng Văn Sương, quê ở Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên luôn ngời sáng cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Đồn 309 noi theo. Đầu năm 1995, do điều kiện gia đình khó khăn, không thể theo học tiếp, yêu màu áo lính, Sương tình nguyện viết đơn để đi bộ đội. Anh được điều về Đồn 309 làm công tác báo vụ. Một chàng trai trẻ, đầy nhiệt huyết, luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao nên được mọi người yêu mến. Sau gần hai năm, Sương tham gia xẻ gỗ để dựng thêm phòng ở cho chiến sĩ, thì anh mắc bệnh quai bị và được đưa về đơn vị điều trị. Nhưng được bốn hôm thì quai bị chặn cứng ngang họng khiến anh không thở được và qua đời ở cái tuổi 22. Gia đình đồng chí hoàn cảnh không vào được, anh em trong đơn vị tổ chức đám tang chôn cất Sương cẩn thận và chu đáo. Cũng chính căn phòng mà tôi đang nghỉ, Quàng Văn Sương đã từng ở đó. Bây giờ cũng vậy, bàn thờ anh được lập và hương khói đều đặn, không để anh phải lạnh lẽo, đơn lẻ. Vừa rồi, cán bộ, chiến sĩ Đồn 309 đã xây mộ kiên cố và đẹp để giữ ấm cho anh nơi biên cương giá lạnh. Những người lính quân hàm xanh sẽ luôn noi gương anh và tiếp bước con đường mà anh đã chọn…
Bài và ảnh: Việt Hoàng