Ngày đầu ‘nền tài chính của nhân dân’ qua những hiện vật lịch sử

Những hiện vật quý giá về ngành Tài chính đã góp phần tái hiện giai đoạn lịch sử khó khăn và ý nghĩa của Cách mạng Việt Nam trong những ngày đầu thành lập nước. 

 

Chú thích ảnh
 Biên lai thu Quỹ công lương trong bộ sưu tập “Tài chính Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. 

Những ngày cuối tháng 8/2020, nhà sưu tầm Nguyễn Văn Mai bận rộn hơn với lịch hẹn của nhiều người quan tâm tới bộ sưu tập “Tài chính Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Ông là nhà sưu tầm duy nhất được Bộ Tài chính mời tham gia trưng bày hiện vật vào tháng 8/2020 tại trụ sở Bộ Tài chính với chủ đề “Tài chính nhân dân cứu nước” nhân dịp Kỷ niệm 75 năm ngành Tài chính Việt Nam (1945 - 2020).

Chú thích ảnh
Biên lai thu Đảm phụ quốc phòng trong bộ sưu tập “Tài chính Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Với hàng trăm hiện vật, bộ sưu tập thực hiện trong 20 năm của ông Nguyễn Văn Mai được xây dựng theo đề cương mang tính chuyên môn thuộc lĩnh vực tài chính, nêu bật ý nghĩa: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xây dựng một nền tài chính độc lập tự chủ theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân để huy động nguồn lực tài chính; sức mạnh vô tận của nhân dân, sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Giới thiệu về bộ sưu tập của mình, ông Nguyễn Văn Mai lật lại từng trang lịch sử: Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập năm 1945, Chính quyền mới đã phải gồng mình trước những gánh nặng quá khứ để lại và những khó khăn chồng chất phía trước. Đó là: Nạn đói hoành hành, nạn mù chữ thách thức, thù trong giặc ngoài vẫn đe dọa và đặc biệt là ngân khố trống rỗng; thuế khóa cũ phần lớn đã bị bãi bỏ và miễn giảm, thuế khóa mới chưa đặt ra được ngay. Việc phát hành giấy bạc còn nằm trong tay Pháp.

“Chính phủ lâm thời đứng trước những nhu cầu chi tiêu vô cùng to lớn và cấp bách để tổ chức bộ máy Nhà nước cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, giải quyết hậu quả nạn đói, lụt lội... Trước tình thế khó khăn đó, Chính phủ đã dựa vào nhân dân, kêu gọi nhân dân “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”, ông Nguyễn Văn Mai kể.

Chú thích ảnh
Công thải Nam Bộ năm triệu đồng do UBHC Nam Bộ phát hành để vay nhân dân Nam Bộ năm 1947-1948.

Ngày 4/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh thành lập “Quỹ độc lập” và phát động “Tuần lễ vàng” để thu nhận các món tiền và đồ vật của nhân dân tự nguyện đóng góp ủng hộ nền độc lập quốc gia. Bế mạc “Tuần lễ vàng” vào 23/9/1945 và tổng kết Quỹ Độc lập, cả nước thu được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương, tương đương với tổng số thuế thân và thuế điền thu được trên toàn quốc trong 1 năm dưới thời Pháp thuộc.

Ngoài “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng”, Chính phủ còn tổ chức nhiều hình thức đóng góp tự nguyện khác như: Hũ gạo nuôi quân; Quỹ mùa đông binh sỹ; Thóc cấp dưỡng bộ đội địa phương... Các hiện vật trong bộ sưu tập được ông Mai tập hợp rất công phu, toàn diện về giai đoạn năm 1945 - 1946: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Công hòa tuyên truyền thực hiện chính sách của Chính phủ về tăng gia sản xuất, cứu đói, bình dân học vụ, y tế nhân dân... Các sắc lệnh bãi bỏ các loại thuế vô lý, miễn thuế, giảm thuế để giải phóng sức sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân nhằm củng cố, nuôi dưỡng nguồn thu Nhà nước lâu dài...

Trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Mai vẫn còn lưu giữ con tem của Pháp được Chính phủ mới in đè lên bằng hàng chữ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"; các tờ xổ số đầu tiên ra đời nhằm ủng hộ Quỹ nuôi quân; các khoản được mọi tầng lớp nhân dân quyên góp ủng hộ từ mấy đồng bạc, vài cân thóc đến cả con trâu, lượng vàng...và các tấm công trái nhân dân cho Nhà nước vay lên đến hàng trăm tấn thóc. 

Chú thích ảnh
Giấy ban Khen: Ủy ban Việt Minh và UBHC Thái Nguyên ghi nhận ông Hoàng Văn Chu - Xã Hương Bảo, phủ Định Hóa ủng hộ cách mạng 1 con trâu ngày 6/6/1946.

Quyên góp dựa trên tinh thần của nhân dân chỉ là giải pháp tạm thời, không thể là nguồn thu lâu dài và thường xuyên cho ngân sách nhà nước. Tình hình tài chính lúc này đòi hỏi phải có chính sách huy động những nguồn thu thường xuyên, đều đặn, đồng thời có những nguồn thu đặc biệt để cung cấp cho kháng chiến đã bùng nổ ở Nam Bộ. Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh động viên mang tính chất nghĩa vụ bắt buộc của tất cả công dân trước tình thế khó khăn của đất nước như Đảm phụ quốc phòng, Quỹ tham gia kháng chiến, Quỹ công lương.

Tuy nhiên các hình thức động viên nghĩa vụ vẫn mang tính chất đồng đều, chưa huy động được sự đóng góp của những người giàu có trong xã hội. Để giảm bớt áp lực lạm phát và huy động của cải vật chất phục vụ kháng chiến, Chính phủ đã vay dân bằng hình thức phát hành công trái. 

Điều đáng trân trọng nhất trong giai đoạn khó khăn của đất nước là những tấm lòng vàng của các nhà tư sản ái quốc. Gia đình cụ Trịnh Văn Bô, cùng rất nhiều gia đình tư sản dân tộc yêu nước khác, đã đóng góp tiền vàng cho Chính phủ trong những ngày đầu lập quốc. Tấm lòng của các cụ Trịnh Văn Bô, cụ Ngô Tử Hạ, cụ Nguyễn Sơn Hà, cụ Vương Thị Lai (Lợi Quyền), cụ Bùi Hưng Gia, cụ Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền... đã được ghi vào “sổ vàng” của người dân nước Việt. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”- đây là nét đẹp trong đạo lý của dân tộc Việt Nam. Vào lúc ngân khố quốc gia rất khó khăn, các nhà tư sản yêu nước đã không ngần ngại, ủng hộ hàng trăm lượng vàng, hàng chục vạn đồng để giúp đỡ chính quyền.

Chú thích ảnh
Biên lai: Ông Lương Văn Chiêu ủng hộ Quỹ thóc cấp dưỡng bộ đội địa phương năm 1951 là 200 đồng và 53 kg khoai lang.
Chú thích ảnh
Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Mai.

Tại buổi triển lãm “Tài chính nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” mới đây, ông Đỗ Long Vân - con trai nhà tư sản, nhà cách mạng Đỗ Đình Thiện xúc động bày tỏ: “Sở dĩ chúng ta có được nền tài chính nhân dân để đóng góp cho cách mạng, nhất là trong giai đoạn khó khăn ban đầu là nhờ có một nhà lãnh đạo có tầm trí tuệ, tầm văn hóa, rất tình người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động được sức mạnh của nhân dân để làm nên ‘cơn bão’ cách mạng, giành được chính quyền và có được một đất nước phát triển như ngày nay”. “Sự đóng góp có thể là người ít, người nhiều tùy theo hoàn cảnh, nhưng tấm lòng không khác gì nhau. Điều đó đã tạo nên được sức mạnh lớn để tạo nên sự thành công lớn của cách mạng Việt Nam”, ông Đỗ Long Vân nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Bộ Tài chính vừa phối hợp với nhà sưu tầm Nguyễn Văn Mai thực hiện triển lãm chuyên đề “Tài chính nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp” và đón nhận hơn 100 hiện vật, tài liệu lịch sử của ngành Tài chính từ các nhà sưu tầm.
Chính phủ đã dựa vào nhân dân, kêu gọi nhân dân “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập".
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia
Củng cố tiềm lực nền tài chính quốc gia

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 28/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng của Đảng bộ ngành tài chính trong nhiệm kỳ tới là rất to lớn, nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN