Theo phản ánh của người dân tại Hà Nội, ngay từ đầu giờ sáng, tuyến đường Vành đai 3 trên cao, kể cả hai chiều đường đã đông đúc, phương tiện di chuyển hết sức khó khăn, đặc biệt hướng từ cầu Thăng Long về cầu Thanh Trì xảy ra ùn tắc từ Đại lộ Thăng Long – đường Phạm Hùng.
Hai chiều đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua khu đô thị Linh Đàm, phương tiện di chuyển hết sức khó khăn. Kể cả đoạn Vành đai 3 dưới thấp, lưu lượng phương tiện cũng tăng đột biến từ 7 giờ sáng đến chiều. Dưới cái nắng như đổ lửa, từng dòng phương tiện ô tô, xe máy chen chúc trên đường Nguyễn Xiển, phóng lên cả vỉa hè để thoát khỏi điểm ùn ứ. “Người dân để qua dịp Lễ 30/4 hãy ra đường, chứ ùn ứ từ sáng đến chiều như thế này ra đường quả là hành xác”, người đàn ông bán hoa quả ven đường Nguyễn Xiển than thở.
Từ chiều ngày 26/4, tại trạm thu phí tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, mật độ giao thông không quá cao, không xảy ra hiện tượng ùn tắc. Đến sáng ngày 27/4, trên tuyến cao tốc này, các phương tiện di chuyển chậm với vận tốc 10 - 20 km/h, từ khu vực ngang cầu vượt Tự Khoát (Thanh Trì) đến Km 188+300 (Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) nhưng không xảy ra ùn tắc. Lối lên xuống đường Vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở cầu Vĩnh Tuy ùn tắc nhẹ hướng ra thành phố.
Dạo qua khu vực trước cổng các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, đầu giờ sáng tại khu vực đường Giải Phóng, đoạn qua bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, mật độ giao thông tăng cao, người dân đi lại khó khăn nhưng đến trưa tình hình giao thông qua 3 bến xe đã thông thoáng, giao thông đi lại bình thường. Các điểm "nóng" như đường trên cao đoạn Phạm Văn Đồng lên cầu Mai Dịch thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm nhưng đến sáng ngày 27/4 không còn tình trạng ùn tắc. Tương tự, đường Hồ Tùng Mậu cũng khá thông thoáng; không còn cảnh xe máy, ô tô nối đuôi nhau, xếp hàng dài chờ đèn đỏ qua ngã tư dưới chân cầu vượt Mai Dịch; hầm chui Lê Văn Lương cũng vắng xe qua lại. Giao thông trong nội đô, các tuyến phố, nút giao, nơi tập trung nhiều cơ quan, văn phòng, công ty… lưu lượng phương tiện qua lại cũng ít hơn hẳn ngày thường.
Trước đó, để giảm ùn tắc giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Sở Giao thông Vận tải đã ban hành thông báo hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Cụ thể, phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam đi theo các hướng sau: Từ trung tâm Hà Nội đi nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Từ trung tâm Hà Nội đi đường Quốc lộ 1 cũ theo hướng Giải Phóng - Ngọc Hồi - Quốc lộ 1 vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tại nút giao Vạn Điểm, nút giao Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên).
Từ Quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung) - ngã ba Ba La đi đường 21B - Quốc lộ để ra Quốc lộ 1 cũ (nút giao Đồng Văn) hoặc vào nút giao Vực Vòng đi cao tốc Pháp Vân -Cầu Giẽ. Từ Quốc lộ 6 (trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung), rẽ trái đi đường Phùng Hưng đến đường trục phía Nam, rẽ trái đường tỉnh 427B ra ga Thường Tín để vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Quốc lộ 6 đi thị trấn Xuân Mai, đi đường Hồ Chí Minh - đường 21B.
Phương tiện từ các tỉnh phía Nam về thành phố Hà Nội, nhằm giảm tải lưu lượng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và nút giao Pháp Vân, có thể theo các hướng sau: Tại nút giao Liêm Tuyền trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đi đường tỉnh lộ 494 - Quốc lộ 21B - Quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông). Tại nút giao Vực Vòng trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đi theo 2 hướng: Rẽ trái đi Quốc lộ - Quốc lộ 21B - Quốc lộ 6 (ngã ba Ba La, Hà Đông); rẽ phải đi Quốc lộ qua cầu Yên Lệnh - Quốc lộ 39A - Đường tỉnh 379 - nút giao với Đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì).
Tại nút giao Vạn Điểm rẽ trái đi Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 429 - Quốc lộ 21B - Quốc lộ (ngã ba Ba La, Hà Đông); tại nút giao Thường Tín đi Đường tỉnh 427 đến Đường trục phía Nam - Đường Phùng Hưng (Hà Đông).
Các phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn...) và ngược lại có thể theo các hướng sau: Đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp - Quốc lộ 18 đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; cầu Chương Dương - Nguyễn Văn Cừ - Hà Huy Tập - Ngô Gia Tự - cầu Đuống - đi cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Tây Bắc (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái...) và ngược lại có thể theo các hướng sau: Cầu Thăng Long - Võ Văn Kiệt - Quốc lộ 2 vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai-cầu Thăng Long - tỉnh lộ 23 - đường Mê Linh đi Quốc lộ 2; cầu Thăng Long - cầu vượt Nam Hồng - Đường 23 - Quốc lộ 2 - Đường tỉnh 310B đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai; Quốc lộ 3 - Đường tỉnh 296 vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai - Quốc lộ 32 đi Phú Thọ.
Phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La... và ngược lại có thể theo các hướng sau: Đại lộ Thăng Long - Đường Tản Lĩnh - Yên Bài - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Quốc lộ 6 - thị trấn Xuân Mai - Hòa Bình. Phương tiện từ thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Đông (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương...) và ngược lại có thể theo các hướng sau: Đường Cổ Linh - nút giao Đường Vành đai 3 Đường Cổ Linh - cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Đường tỉnh 379 đi Hưng Yên, Hải Phòng; Quốc lộ 5 cũ (Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đức Thuận) đi Hải Dương; cầu Thanh Trì - Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Quốc lộ 18.
Còn tại Tp. Hồ Chí Minh, lượng phương tiện lưu thông tăng cao cùng với khu vực nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) đang chiếm dụng mặt đường để thi công công trình, các tuyến đường cửa ngõ phía Đông Tp. Hồ Chí Minh bị ùn ứ trong sáng 27/4.
Tại nút giao An Phú, lượng phương tiện nối đuôi nhau thành hàng dài, khó khăn khi di chuyển qua khu vực này. Trên đường Mai Chí Thọ, có thời điểm xe ô tô xếp hàng dài cả 2 km. Đây phần lớn là các phương tiện di chuyển từ trung tâm thành phố ra cửa ngõ phía Đông để vào cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng như phá Cát Lái để hướng về Đồng Nai.
Hiện nay, nút giao An Phú đang chiếm dụng mặt đường để thi công dự án, nên hàng ngày các xe di chuyển qua khu vực này thường gặp khó khăn, nhất là khung giờ cao điểm. Cùng với đường Mai Chí Thọ, một số tuyến đường quanh khu vực như Lương Định Của cũng bị ùn ứ cục bộ, nhất là khu vực ngã ba Cát Lái. Điều này là do lượng container ra vào cảng Cát Lái cũng như khu vực cảng Trường Thọ khá cao, đồng thời trong sáng 27/4 người dân rời Tp. Hồ Chí Minh để đi Đồng Nai, Phan Thiết, Vũng Tàu… khá đông.
Phía Tây của Tp. Hồ Chí Minh cũng bị ùn ứ cục bộ tại các khu vực như đường Võ Trần Chí, đường dẫn cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, đường Kinh Dương Vương, khu vực vòng xoay An Lạc, cầu Bình Điền 1, nút giao Bình Thuận... Nhờ được các lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng nên việc ùn ứ không nghiêm trọng.
Trước đó, để chuẩn bị cho dịp lễ này, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh đã đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông để tránh ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố, nhất là khu vực phía Đông và phía Tây.
Khu vực cửa ngõ phía Đông là tại nút giao An Phú, vòng xoay Mỹ Thủy, cầu Phú Mỹ, phà Cát Lái. Khu vực cửa ngõ phía Tây và Tây Nam thành phố là tuyến Quốc lộ 50, Quốc lộ 1, Đường dẫn cao tốc Bình Thuận - Chợ Đệm, Võ Trần Chí, Trần Văn Giàu, khu vực bến phà Bình Khánh kết nối với huyện Cần Giờ...