Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12):

Ngày hội 'Sống trọn vẹn' dành cho những người sống chung với HIV

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), ngày 30/11, Hội phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Thành phố phối hợp với Doanh nghiệp Xã hội Bầu trời xanh, Phòng khám Nhà mình tổ chức Ngày hội “Sống trọn vẹn”. Sự kiện mang ý nghĩa tạo cảm hứng, động viên, khích lệ tinh thần, nâng cao chất lượng sống cho những người nhiễm HIV/AIDS.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Ngày hội.

Trong năm 2023, Việt Nam ghi nhận 13.445 ca nhiễm HIV mới và 1.623 trường hợp tử vong. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ ca nhiễm mới cao nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang tăng lên nhanh chóng, chiếm khoảng 60% số trường hợp nhiễm mới toàn quốc, ở một số địa phương tỷ lệ này lên đến 80%.

Nhằm đối phó với tình hình này, Việt Nam đã và đang mở rộng dịch vụ xét nghiệm HIV qua cộng đồng và trực tuyến, đồng thời tập trung vào các biện pháp phòng ngừa như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt là MSM. Các biện pháp can thiệp như cung cấp bơm kim tiêm sạch và điều trị thay thế methadone vẫn được duy trì để kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến bộ đáng kể trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS theo các mục tiêu của chương trình 95-95-95 (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ, 95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục, 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định). Mặc dù vậy, một thách thức lớn vẫn tồn tại là làm sao để người nhiễm HIV có thể sống khỏe mạnh và hòa nhập xã hội như những người khác.

Ngày hội “Sống trọn vẹn” 2024 là không gian để người sống với HIV chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm sống, qua đó truyền cảm hứng và củng cố niềm tin vào cuộc sống. Được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực, chương trình bao gồm các hội thảo giao lưu cùng chuyên gia và nhiều khu vực trưng bày, cung cấp thông tin hữu ích về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Với chủ đề “chất lượng cuộc sống của người sống với HIV”, Ngày hội “ Sống trọn vẹn” năm 2024 hướng đến việc đáp ứng mục tiêu 95 thứ tư trong chiến lược phòng chống HIV/AIDS, đó là 95% người sống với HIV có chất lượng cuộc sống tốt. Họ không chỉ được chẩn đoán, điều trị hiệu quả mà còn đảm bảo rằng mỗi cá nhân sống với HIV đều có quyền và cơ hội để sống một cuộc sống.

Phát biểu tại ngày hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, gần 35 năm kể từ khi ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên, Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, các bộ ban ngành, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế, cộng đồng… trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm, điều trị, giảm kỳ thị phân biệt đối xử, mở rộng bao phủ các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS… Nhờ đó, góp phần kiểm soát được HIV, kéo giảm số ca mắc, kéo giảm tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, dù mới triển khai nhưng đến nay đã có hơn 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Năm 2023 Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á- Thái Bình Dương trong tiếp cận điều trị PrEP, kiểm soát 98% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Ngày hội.

Nhằm tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch AIDS tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các chương trình phòng, chống HIV/AIDS triển khai hiệu quả, bền vững và lan tỏa trong cộng đồng. Các tổ chức xã hội, đoàn thanh niên cần chung tay đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là trong giới trẻ về những nguy cơ tiềm ẩn và cách thức phòng lây nhiễm HIV. Mỗi cá nhân cần chủ động tìm hiểu, thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động phòng chống HIV để bảo vệ bản thân và lan tỏa thông điệp yêu thương, tinh thần trách nhiệm với những người xung quanh. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng mong mỏi các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam, giúp Việt Nam cập nhật các tiến bộ khoa học trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ấn tượng với những thành quả mà Việt Nam đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, bà Anne Benjaminson, Phó Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tận dụng các cơ hội để kiểm soát tốt hơn, hướng tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Đại diện Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam,trong chi trả thanh toán dịch vụ HIV/AIDS thông qua Bảo hiểm y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng… Bà Anne Benjaminson cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS cũng như các dịch bệnh lâu đời, dịch bệnh mới nổi khác.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh tiệm cận mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS
TP Hồ Chí Minh tiệm cận mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS

Trong những năm qua, với nhiều mô hình, giải pháp phát hiện sớm, chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV, TP Hồ Chí Minh đã dần tiệm cận mục tiêu 95-95-95, trở thành một trong những điểm sáng trong phòng, chống HIV/AIDS của cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN