Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ vấn đề hạnh phúc là trạng thái tâm lý con người, bởi thế, hạnh phúc luôn luôn là một hành trình, không bao giờ là điểm đến. Trong mỗi gia đình, nam và nữ có những điểm tương đồng, khác biệt và "hãy đối xử khác biệt để tạo ra bình đẳng".
Theo Thạc sĩ Hà Thị Thanh Vân, báo cáo viên của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, mỗi người cần giữ lửa hạnh phúc bằng sứ mệnh 8 “đồng”: Đồng tâm, đồng ngôn, đồng cách, đồng lợi, đồng đẳng, đồng thuận, đồng trị và đồng gia.
Hạnh phúc còn đến bằng việc thấu hiểu sự phát triển của đời người, quan tâm đến thế hệ tương lai. Con người chuyển dịch gần như nguyên vẹn: nhân cách, tích cách, và tất cả những gì có từ gia đình; hành động, cách giáo dục của cha mẹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ. Hạnh phúc là sự cộng hưởng của nụ cười, sự thấu hiểu, sự hợp tác, sẻ chia, không so sánh, đố kỵ và trừ đi số lần cáu giận. Thạc sĩ Hà Thị Thanh Vân một lần nữa khẳng định: “Cuộc sống giống như cách pha trà, hãy đun sôi cái tôi của bạn, làm bay hơi mọi lo lắng, lọc đi mọi sai lầm, pha loãng mọi buồn phiền và bắt đầu thưởng thức hạnh phúc mỗi ngày”.
Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, chúng ta hãy cùng nhau chung sức đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; cùng nhau kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; yêu thương, chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực.
Từ năm 2014 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đều tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc với chủ đề tiếp nối “Yêu thương và chia sẻ” bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, hội thảo, hội nghị, tọa đàm diễn đàn về chủ đề hạnh phúc; vinh danh các tổ chức, cá nhân có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng… nhằm mục đích tuyên truyền về giá trị của hạnh phúc, khuyến khích mọi người hành động vì một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn cho bản thân và cộng đồng.
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3) được chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc (tháng 6/2012) theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông dãy Himalaya.
Ngày 26/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2589/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hằng năm”. Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không có đói nghèo; một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc.