Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được coi là mục tiêu quan trọng trong hệ thống chính trị. Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, hiện nay đã xuất hiện những mô hình chăm sóc người cao tuổi thông qua công tác xã hội hóa với mục đích nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi...
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Có thể nói, tốc độ già hóa dân số tăng nhanh đang là thách thức và tạo gánh nặng cho y tế cộng đồng, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Kết quả điều tra dịch tễ học mô hình bệnh tật ở người cao tuổi cho thấy: trung bình một người cao tuổi có khoảng 3 bệnh hoặc rối loạn bệnh lý. Những bệnh lý rối loạn chiếm tỷ lệ cao là: tăng huyết áp, thoái hóa khớp, bệnh lý tiêu hóa, giảm thị lực do đục thủy tinh thể. Những bệnh lý rối loạn có xu hướng tăng nhanh như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, trầm cảm, sa sút trí tuệ và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
Vấn đề già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là tất yếu và phổ biến trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện nước ta chỉ có khoảng 80 trung tâm dưỡng lão ngoài công lập. Đa số các cơ sở này chỉ đáp ứng tối thiểu dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân.
Từ nhu cầu thực tế cũng như mong muốn mang đến cuộc sống chất lượng hơn cho người cao tuổi Việt Nam, Tuấn Minh Group đã đi khảo sát và tham khảo cách làm ở nhiều nước phát triển như Đức, Pháp, đặc biệt trong đó có Nhật Bản, một trong những quốc gia có hệ thống an sinh xã hội hàng đầu trên thế giới. Đến nay, Tuấn Minh Group đã xây dựng hoàn chỉnh một mô hình dưỡng lão cao cấp cho người cao tuổi. Các trung tâm dưỡng lão được xây dựng hoàn thiện theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao; chuỗi tiện ích cao cấp như khu nghỉ dưỡng. Đội ngũ bác sỹ, y tá và điều dưỡng dày dạn kinh nghiệm, cùng hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, tân tiến.
Những hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe thể chất và trí não được chú trọng như Gym, Yoga, thiền… Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của các cụ sẽ luôn phong phú và thú vị với tiện ích phòng chiếu phim, phòng trà đạo, thư viện và câu lạc bộ nhảy, hát, vẽ tranh, đan thêu, spa, salon tóc, hồ câu, vườn dạo bộ. Không chỉ thêm gia vị và màu sắc cho cuộc sống an dưỡng lúc về già, các hoạt động này còn mang ý nghĩa là phương pháp trị liệu giúp ngăn chặn suy giảm trí nhớ, tránh trầm cảm, nâng cao sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người cao tuổi.
Có thể nói, Tuấn Minh Group là một trong những tập đoàn kinh tế tiên phong trong việc xây dựng mô hình dưỡng lão 5 sao đầu tiên tại Việt Nam và Viện dưỡng lão Từ Tâm S-merciful ra đời dựa trên hai tiêu chuẩn chính: nghỉ dưỡng 5 sao và chăm sóc y tế toàn diện. Viện dưỡng lão Từ Tâm S-Merciful được thiết kế kết hợp hệ thống chăm sóc bệnh Tây y và Đông y phù hợp với thể trạng người Việt. Yếu tố sức khỏe tinh thần của người cao tuổi được đặt lên hàng đầu. Với phương châm Viện dưỡng lão là nơi bắt đầu một khởi đầu mới chứ không phải nơi kết thúc, người cao tuổi sẽ có cơ hội tham gia các hoạt động, được khám phá những khả năng chưa được khai phá.
Mục đích mang tính nhân văn này đã thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình có điều kiện kinh tế muốn chăm sóc sức khỏe cho người già. Chị Đỗ Phương Thúy (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, vợ chồng chị muốn tìm một nơi cho mẹ chồng an dưỡng tuổi già chất lượng, để cụ có bạn bè chia sẻ và được chăm sóc sức khỏe hàng ngày, chứ không phải đẩy mẹ đi dưỡng lão cho con cái rảnh thân. Đó cũng chính là mong muốn của nhiều người cao tuổi khi phải ở một mình trong căn nhà lớn, đầy đủ tiện nghi nhưng lại cảm thấy cô đơn vì không có ai trò chuyện.
Cụ Nguyễn Trọng Đức (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, rất sợ cô độc, không muốn ở nhà một mình do có cảm giác mình như người thừa trong gia đình và xã hội, dễ bị trầm cảm. Hàng ngày, con cháu đi làm, đi học, cụ Đức chỉ quanh quẩn ở nhà, hết xem tivi lại nghe radio, chiều đến chăm sóc cây cảnh. Điều cụ Đức và nhiều người cao tuổi cần nhất lúc này không phải là tiền, mà là nhu cầu được trò chuyện, quan tâm chăm sóc và một nơi ở ấm cúng, có người cùng chia sẻ, chuyện trò. “Nếu có mô hình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi chất lượng tốt, tôi và nhiều bạn bè sẵn sàng tham gia”, cụ Đức chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tuấn Minh group Đinh Thị Ngọc Minh cho biết, trong tâm trí nhiều người Việt vẫn có những thành kiến về viện dưỡng lão khi nghĩ rằng chỉ có con cái bất hiếu mới gửi bố mẹ tới đây. Bà Minh muốn thay đổi nhận thức của người Việt về viện dưỡng lão bằng cách xây dựng một mô hình dưỡng lão nơi các cụ già được chăm sóc bởi đội ngũ bác sỹ, y tá, điều dưỡng dày dạn kinh nghiệm, được hưởng các tiện ích cao cấp như khu nghỉ dưỡng; đồng thời cũng được chăm lo cải thiện sức khỏe tinh thần…
Xã hội hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi
Nhiều chuyên gia y học khẳng định, chăm sóc cho người cao tuổi đòi hỏi kiến thức về tâm lý, bệnh lý lứa tuổi để có cách giao tiếp phù hợp và ứng phó với các vấn đề sức khỏe phổ biến như cao huyết áp, tiểu đường, nguy cơ đột quỵ… Do đó, viện dưỡng lão trở thành sự lựa chọn tối ưu cho người cao tuổi để an dưỡng tuổi già và nhận sự chăm sóc toàn diện.
Theo Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách niên Thiên đức Nguyễn Tuấn Ngọc, ở Trung tâm, ngoài việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, mỗi buổi sáng, người cao tuổi đều được hướng dẫn tập thể dục dưỡng sinh, tập thở đúng cách để tăng cường thể lực; được xoa bóp, bấm huyệt hàng ngày, được phục hồi chức năng phù hợp với bệnh lý của các cụ. Ngoài ra, Trung tâm còn áp dụng các liệu pháp y học cổ truyền trong việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Người cao tuổi được tham gia các sinh hoạt nâng cao đời sống tinh thần và tâm linh, được giao lưu bầu bạn với người cùng lứa tuổi, được tham gia vào các hoạt động tập thể: thơ, khiêu vũ, câu lạc bộ… Các hoạt động này giúp người cao tuổi cảm thấy yên tâm như đang sống ngay trong ngôi nhà của mình.
Ông Ngọc cho hay, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên thế giới đều dựa vào các dịch vụ tư nhân, để giảm gánh nặng cho nhà nước và xã hội. Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm hoạt động và tổ chức các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của các nước tiên tiến. Người cao tuổi đang sống trong các cơ sở chăm sóc phải tự chi trả kinh phí do không có bảo hiểm xã hội là một trong những khó khăn không nhỏ. Mức phí vào Trung tâm Bách niên Thiên đức trung bình từ 7 - 15 triệu đồng/tháng, tiêu chuẩn VIP nhất là 20 triệu đồng/tháng, tùy theo số người ở trong từng phòng. Hiện trung tâm có thêm hai cơ sở ở Nhật Tảo (Bắc Từ Liêm) và tại xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội), trong đó cơ sở ở Sóc Sơn được đầu tư hiện đại có khu hồ câu cá, bể bơi, sân tennis, khu nhà ở, khu nhà sàn… với nhiều thiết bị máy móc hiện đại nâng cao trí tuệ, phục hồi chức năng cho người cao tuổi.
Theo ông Ngọc, đầu tư vào trung tâm dưỡng lão lớn nhưng thu hồi vốn lại nhỏ giọt, do đó cần xã hội hóa, đặc biệt là cần ưu tiên trong việc cấp đất và vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân trong xã hội chung tay xây dựng các trung tâm chăm sóc người cao tuổi có chất lượng, nhân rộng mô hình trong tương lai...
Ông Nguyễn Văn Tân (nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho rằng, việc nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhà dưỡng lão… đang gặp rất nhiều khó khăn do người dân còn nặng tư tưởng người già phải sống gần con cháu hay con cháu phải có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà, bố mẹ. Hiện đã có khá nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng nhưng việc chăm sóc vẫn còn mang tính chất tự nguyện, chưa được lồng ghép trong các hoạt động chung.
Mặt khác, việc xây dựng các trung tâm dưỡng lão là rất cần thiết để tạo thêm một mái ấm cho người cao tuổi. Tuy nhiên, giá dịch vụ rất cao nên không nhiều người già có điều kiện tiếp cận được mô hình này. Chính vì vậy, để người già được chăm sóc tốt hơn, rất cần đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi trên địa bàn.
Để chăm sóc tốt cho người cao tuổi, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Đồng thời, ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước và huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm cho các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, đồng bào dân tộc ít người, người di cư…