Đặc biệt hơn cả, Giám đốc Công ty là ông Phạm Văn Đáp, một người khuyết tật bẩm sinh, song bằng nghị lực và tinh thần “tàn nhưng không phế”, ông đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ và trở thành “người thầy” dạy nghề của nhiều người khuyết tật khác.
Chàng trai khuyết tật vươn lên làm ông chủ
Không may mắn như bạn bè cùng trang lứa, ông Phạm Văn Đáp (xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương) mắc căn bệnh teo cơ bẩm sinh với một chân không cử động được. Cả tuổi thơ của ông gắn liền với chiếc nạng gỗ, hơn 50 năm nay chiếc nạng ấy làm bạn đồng hành với ông trên mọi hành trình. Ông Đáp chia sẻ, nhà nghèo và điều kiện đi lại của bản thân khó khăn nên học xong cấp 2 ông phải nghỉ học giữa chừng. Thời gian đầu thấy bạn bè cùng lứa tuổi được đến trường, ông cũng không khỏi chạnh lòng. Hoàn cảnh khó khăn càng thôi thúc chàng trai khuyết tật Phạm Văn Đáp suy nghĩ tìm cách kiếm tiền, trước là để nuôi được bản thân, sau là phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống.
Với suy nghĩ ấy, năm 1981 chàng trai khuyết tật Phạm Văn Đáp với cây nạng gỗ đến xin học nghề may tại một cơ sở ở xã Vũ Lễ. Những ngày đầu, việc học nghề với ông gặp không ít khó khăn, từng đường may không được thẳng hàng, nhiều lần phải tháo ra làm lại nhưng những trở ngại ấy không làm Phạm Văn Đáp lùi bước. Trái lại, ông cần cù, chịu khó học hỏi những người thợ giỏi trong xưởng. Thời gian làm ở xưởng chưa đạt yêu cầu, ông lại mang về nhà để mày mò nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Dần dần sự chịu thương, chịu khó đã mang lại cho Phạm Văn Đáp “trái ngọt”. Ông trở thành thợ may lành nghề tại địa phương và đứng ra mở tiệm may của mình. Những sản phẩm ông làm ra đều chỉn chu, từng đường kim mũi chỉ được chăm chút tỉ mỉ.
Từ người khuyết tật với hai bàn tay trắng, sau gần 35 năm tích lũy vốn và kinh nghiệm, năm 2016, ông Phạm Văn Đáp mạnh dạn đứng ra thành lập Công ty lấy tên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ may mặc người khuyết tật. Ông chia sẻ, khi bắt tay vào mở xưởng ông mới thấy rằng kinh doanh không hề đơn giản. Ngoài việc thiếu vốn phải chạy vạy khắp nơi, ông còn phải lo nguồn hàng, tìm nhân công. Thời gian đầu, khách hàng, doanh nghiệp đối tác cũng hoài nghi về chất lượng sản phẩm được làm ra bởi ông chủ khuyết tật Phạm Văn Đáp và những lao động của ông. Qua thời gian, họ đã dần bị thuyết phục bởi chất lượng sản phẩm cũng như sự cẩn thận của ông chủ Phạm Văn Đáp, từ đó đơn hàng ổn định hơn.
Khởi nghiệp chỉ với 1 cơ sở có 10 máy may công nghiệp, 10 nhân công đến nay ngoài cơ sở sản xuất tại xã Vũ Lễ, ông Đáp đã mở thêm 1 cơ sở nữa tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương với hàng chục lao động, thu nhập dao động từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng.
Người thầy dạy nghề cho người khuyết tật
Sau 4 năm đi vào hoạt động, Công ty của ông Phạm Văn Đáp không chỉ có những lao động bình thường mà còn có cả những lao động là người khuyết tật. Ông chia sẻ, bản thân là người khuyết tật, chính vì vậy ông hiểu hơn ai hết về những khó khăn của họ trong cuộc sống. Với những người khuyết tật, để có một công việc ổn định, phát triển được lâu dài và thu nhập tốt là điều không hề dễ. Vì vậy, ngoài phát triển công ty, ông còn dành tâm huyết dạy nghề cho những người khuyết tật, cùng cảnh ngộ như ông.
Đa số những người khuyết tật tìm đến cơ sở của ông là các bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi với mong muốn được học nghề. Tùy vào những dạng khuyết tật và khả năng nhận thức của lao động, ông Đáp sắp xếp họ vào những công việc khác nhau, tỉ mỉ dạy họ từng thao tác, kỹ thuật may.
Năm nay là năm thứ hai em Nguyễn Đức An (xã Vũ An, huyện Kiến Xương) làm việc tại công ty. Bản thân em cũng là người khuyết tật nên khó khăn trong mọi hoạt động. Được mọi người giới thiệu, năm 2019 em tìm đến công ty xin học và làm việc. Em Nguyễn Đức An chia sẻ, đến công ty làm việc, em có thêm bạn bè cùng hoàn cảnh như mình nên mọi người hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Ngoài ra, em còn có thêm thu nhập nuôi sống bản thân, đỡ phần nào gánh nặng cho gia đình.
Cũng như An, em Nguyễn Quý Lộc (xã Vũ Sơn, huyện Kiến Xương) làm việc tại công ty của ông Đáp được hơn 1 năm. Từ điểm xuất phát chưa hiểu về nghề may cũng như từng công đoạn làm ra thành phẩm, với sự giúp đỡ của Giám đốc Phạm Văn Đáp, đến nay em Lộc đã có thể tự tin làm chủ được chiếc máy dập đóng cúc hoàn chỉnh cho sản phẩm.
Chị Trần Thị Hạnh (phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) gắn bó với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và dịch vụ may mặc người khuyết tật từ những ngày đầu thành lập. Hơn ai hết, chị hiểu những vất vả, gánh nặng của Giám đốc Phạm Văn Đáp. Chị cho biết, ngày nào cũng vậy, ông Đáp ngược xuôi chạy xe máy hơn 50 km đi về giữa 2 cơ sở Vũ Lễ và Trà Giang, chưa kể mọi việc lấy hàng, trả hàng cũng đều do ông Đáp đảm nhiệm. Ai đến xin học việc ông cũng nhận lời giúp và chỉ dạy chu đáo, nhất là với trẻ khuyết tật, nhận thức chậm, ông Đáp đều kiên nhẫn chỉ dẫn hàng ngày, hàng giờ như dạy con cái trong nhà.
Vất vả là vậy, nhưng Giám đốc Phạm Văn Đáp vẫn luôn dành thời gian, tâm huyết cho công việc của mình. Ông chia sẻ, dạy nghề đã khó nhưng dạy nghề cho trẻ khuyết tật còn khó gấp nhiều lần. Có cháu trí tuệ kém phát triển, bảo trước quên sau, có cháu câm điếc thì phải dạy bằng cách ra hiệu, cầm tay chỉ việc, sản phẩm phải tháo ra làm lại không biết bao lần. Nếu không kiên nhẫn thì không thể dạy cho các em thành nghề được.
Bằng tình yêu thương và sự cảm thông với những người cùng cảnh ngộ, trong 4 năm qua, Công ty của ông Phạm Văn Đáp đã dạy nghề cho 70 người khuyết tật. Điều vui nhất đối với ông là đã giúp nhiều người khuyết tật có tay nghề, việc làm và có thu nhập cải thiện cuộc sống.