Nhiều trăn trở
Nói về con đường lựa chọn nghề nghiệp, Nguyễn Thị Thùy Linh (quê ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) hiện là công nhân tại một doanh nghiệp lĩnh vực điện - điện tử ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Vốn yêu thích các ngành học liên quan đến máy móc, kỹ thuật, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Thùy Linh quyết định vào học tại Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Theo Linh, lúc đó, một số người bạn đã khuyên em chọn một trường đại học nào đó cho “oai hơn” chứ không nên học ở trường cao đẳng nghề. Hiểu rõ khả năng và niềm say mê của mình, em đã không thay đổi nguyện vọng. Thời gian học ở trường, Linh luôn nỗ lực học tập và đã vinh dự giành giải Ba, Hội thi học sinh-sinh viên giỏi nghề năm 2019 do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Còn em Vũ Thị Thúy H. ở phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Năm học vừa qua, sau khi tốt nghiệp lớp 9, em xin phép gia đình không dự thi vào trường Trung học phổ thông công lập mà đăng ký vào học ở một trường Cao đẳng nghề. Cha mẹ H. khá bất ngờ và không ủng hộ lựa chọn của em. Đến thời điểm này, sau khi em đã trải qua học kỳ đầu tiên ở trường cao đẳng nghề theo chương trình 9 + (chương trình học nghề và học văn hóa dành cho học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở) với nghề quản lý và bán hàng siêu thị và đạt kết quả khá tốt, theo H, mẹ em vẫn băn khoăn vì “Dịp Tết, mọi người đến chơi hỏi thăm, ba mẹ khó trả lời quá”.
Từ những câu chuyện cụ thể trên cho thấy, việc hướng nghiệp, chọn nghề với không ít học sinh và cả các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều điều trăn trở. Một số phụ huynh có tâm lý “chuộng bằng cấp”, muốn con em mình theo học những ngành, nghề đang được coi là” bắt kịp xu hướng”, hy vọng sẽ có thu nhập cao trong tương lai, nhưng lại “bỏ quên” yếu tố quan trọng là con đường học tập, định hướng nghề nghiệp đó có phù hợp khả năng và sự yêu thích của con hay không.
Lấy ví dụ từ một địa phương cụ thể, theo Báo cáo kết quả triển khai Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang: Hằng năm tại địa phương này có khoảng 6% học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 20% học sinh sau tốt nghiệp Trung học phổ thông vào học ở các trường cao đẳng, trung cấp nghề. Thời gian qua, công tác phân luồng học sinh tại địa phương dù đã có một số kết quả tích cực song thực tế tỉ lệ học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn thấp, nhận thức của một bộ phận phụ huynh về công tác giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên chưa mạnh dạn cho con học nghề. Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động sau học nghề có chỗ, có nơi còn thấp, thiếu ổn định, từ đó chưa tạo động lực thu hút học sinh học nghề.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận: Hiện nay, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn đúng về việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực của cho con em mình. Bên cạnh đó trong xã hội vẫn còn tình trạng cho rằng cứ học đại học là thành công hơn học cao đẳng hay trung cấp. Thực tế, đối với thị trường lao động, mỗi bậc học đều có chức năng và thị phần nhất định. Do đó, trong quá trình cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhà trường, gia đình, các chuyên gia cần nhấn mạnh để học sinh hiểu rõ tài năng, thành công không đồng nghĩa với việc cứ chọn bậc học cao mà là từ sự nỗ lực tích lũy, thực hành các kiến thức học được của mỗi người.
Cần tiếp tục chung tay
Liên quan đến công tác tư vấn, hướng nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng để công tác này đạt hiệu quả cao, giúp học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông chọn con đường học tập, lập nghiệp phù hợp rất cần có sự chung tay từ cả gia đình-nhà trường và xã hội. Các thông tin về ngành nghề mà học sinh thu nhận được trước khi quyết định phần lớn đến từ kênh như nhà trường, cha mẹ, bạn bè, mạng thông tin đại chúng. Do đó công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cần tiếp tục có sự đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền giáo dục, định hướng phân luồng cho học sinh qua các hoạt động ngày hội tư vấn nghề nghiệp, các chương trình tư vấn trực tiếp và trực tuyến, các chương trình truyền thông từ tổng thể đến chuyên sâu về các bậc học, ngành học và nhu cầu thị trường lao động cùng những đỏi hỏi về năng lực, tố chất của người học.
Các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các đoàn thể tổ chức hội thi tìm hiểu thế giới nghề nghiệp, tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi giữa học sinh, phụ huynh và các nhà khoa học, những người thợ tài năng, tạo sự sinh động, tăng tính thuyết phục để hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp đạt hiệu quả cao hơn.
Theo chuyên gia Giang Thiên Vũ (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Lê Ngọc Khang (Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Ý Tưởng Việt), ở nhà trường, hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là quá trình tương tác giữa chủ thể tư vấn là giáo viên hoặc hay chuyên gia tư vấn hướng nghiệp với đối tượng tư vấn là học sinh. Vì vậy, rất cần chủ thể tư vấn có đầy đủ kiến thức liên quan đến các nghề nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ, hiểu đúng về bản thân và đưa ra quyết định lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện cá nhân, gia đình và xu hướng phát triển của nghề nghiệp đó trong xã hội.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ chí Minh phân tích: Giáo dục, định hướng nghề là cả quá trình. Công tác hướng nghiệp muốn đạt hiệu quả cao, không thể chỉ làm một lần mà phải thực hiện xuyên suốt để tác động đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của học sinh. Việc hướng nghiệp sớm sẽ tác động tích cực đến học sinh và cả phụ huynh học sinh, giúp học sinh và phụ huynh thay đổi một số quan điểm chưa đúng về bằng cấp, nghề nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Công Kỳ, Trung tâm Phát triển giáo dục và đào tạo phía Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông có rất nhiều hướng lựa chọn cho con đường tương lai như tham gia ngay thị trường lao động trong nước, đi xuất khẩu lao động, tự khởi nghiệp, học Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng nghề, học Đại học. Mỗi hướng đi, mỗi lựa chọn phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của từng cá nhân học sinh và gia đình.
Hiện nay cả nước có khoảng trên 800 ngành nghề được đào tạo ở bậc Trung cấp, trên 550 nghề ở bậc Cao đẳng và khoảng gần 400 ngành nghề, nhóm ngành chuyên sâu được đào tạo ở bậc Đại học. Thế giới nghề nghiệp, các ngành nghề, bậc học, hệ đào tạo đều rất đa dạng. Để giúp học sinh có thông tin đầy đủ về các các nhóm ngành nghề, hệ, bậc học cùng những yêu cầu cụ thể, những năng lực có thể đáp ứng đối với từng ngành nghề, rất cần sự đồng hành của cả nhà trường, gia đình và xã hội, qua đó, giúp các em tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác và có quyết định phù hợp cho bản thân.