Trong đó, ngập nặng nhất là các xã: Mường Típ, Tà Cạ, Bắc Lý, Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn); xã Tam Hợp (huyện Tương Dương); một số bản thuộc xã Môn Sơn, xã Châu Khê (huyện Con Cuông); xã Bình Sơn, Thọ Sơn (huyện Anh Sơn).
Đây là những địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, địa hình, địa chất phức tạp, có sông, suối, núi. Mưa lũ làm các địa phương này bị cô lập, cuộc sống, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ mất an toàn đe dọa người dân.
Do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước các sông suối lên cao và một số nhà máy thủy điện trên địa bàn các huyện miền núi xả lũ gây ngập lụt. Ngoài ra, do hoàn lưu sau bão số 3, một số địa phương ở miền núi Nghệ An đã xuất hiện lũ quét, nước dâng và sạt lở đất đá.
Một số địa phương trong tỉnh đang bị cô lập, đến tối 20/7, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn và đường nội thôn bản ở tỉnh Nghệ An vẫn đang bị ách tắc do nước ngập, sạt lở đất đá, hư hỏng. Trong đó, Quốc lộ 48E, Quốc lộ 15, Quốc lộ 16, Quốc lộ 48D, đường tỉnh 534, 539B, 543D… đang có nhiều vị trí không thể qua lại.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tối 20/7 tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã làm 73 nhà dân bị sạt lở; 14 điểm trường bị ảnh hưởng; 14.360 ha lúa, 6.744 ha ngô và hoa màu, 1.466 ha cây trồng lâu năm, 2.943 ha ao hồ nuôi thủy sản bị ngập trong nước, hư hỏng; 3.190 con gia cầm, 20 con lợn bị chết; 83 cột điện bị đỗ gãy…
Hiện tỉnh Nghệ An vẫn đang duy trì trực 24/24 giờ tại Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương; cử các đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, Nghệ An tiếp tục cảnh báo người dân thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nhất là người dân tại các vùng đang bị cô lập.