“A lô, đường dây nóng của báo… phải không? Vừa có một vụ cháy lớn ở cửa hàng nội thất ở Láng Hạ (Hà Nội) có nguy cơ lan tới các hộ liền kề, đường tắc nghiêm trọng”... Đây là một trong vô vàn cuộc gọi từ độc giả tới “Đường dây nóng”- số điện thoại tiếp nhận thông tin của độc giả của cơ quan báo chí. Hãy nghe những nhà báo giữ đường dây nóng của các báo chia sẻ khi tiếp nhận thông tin từ độc giả.
Cầu nối thông tin
Thời đại thông tin đa chiều, phương tiện truyền thông đã khai thác triệt để những tính năng của công nghệ nhằm có trong tay những thông tin: Nhanh, nhạy, sát thực nhất. Với một cơ quan báo chí, sự tương tác giữa tòa soạn và độc giả sẽ giúp cơ quan đó gần gũi với độc giả hơn. Các cơ quan báo chí đã sử dụng điện thoại di động là cầu nối hữu hiệu để tiếp nhận thông tin từ phía độc giả: thông tin vụ việc, góp ý với tòa soạn…
Phóng viên đường dây nóng luôn có mặt tại hiện trường sớm nhất để kịp truyền tải thông tin đến bạn đọc. Ảnh: Lê Phú |
“Đường dây nóng” được hiểu nôm na: Độc giả có thể gọi tới số này bất cứ thời điểm nào trong ngày (24/24 giờ) nhằm cung cấp thông tin. Phóng viên giữ đường dây nóng trong bất cứ thời điểm nào cũng như “ngồi trên ghế nóng” để tiếp nhận thông tin, trong tâm thế sẵn sàng lên đường hay giải đáp những “câu hỏi khó” của độc giả.
Sau hai năm giữ "Đường dây nóng", nhà báo Tiến Dũng, báo điện tử Vnexpress chia sẻ: “Do Vnexpress có lượng người đọc lớn nên ngày nào đường dây nóng (phía Bắc) của báo cũng có tới hàng chục cuộc điện thoại cung cấp thông tin hoặc phản ánh những bức xúc trong cuộc sống thường ngày. Tôi cùng nhiều đồng nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng “chuông reo là chạy”. Bỏ cơm, bỏ ngủ, có ngày phải chia nhóm để “chạy” kịp hai, ba sự vụ là bình thường”.
Anh Dũng nhớ lại: “Rạng sáng một ngày hè tháng 6/2009, đang ngon giấc ở cơ quan thì chuông điện thoại vang lên inh ỏi. Vừa kịp “alô” thì thấy đầu bên kia một giọng nam hốt hoảng: Ở chung cư Mỹ Đình 1 vừa có vụ người Hàn Quốc nhảy từ tầng 14. Anh quan tâm thì xuống lấy tin. Nghe thế, tôi vội choàng dậy, vớ túi đồ nghề (có sẵn máy ảnh, máy quay) rồi lên đường. Đến nơi, tôi cùng một số đồng nghiệp báo khác bị bảo vệ tòa nhà vây và dọa đập máy ảnh… Để có được thông tin này đầy đủ, hôm đó về đến nhà đã là hơn 3 giờ sáng”. Hay gần đây nhất là vụ chìm tàu Dìn Ký (Bình Dương) làm 16 người chết, khi đó khoảng 19 giờ 30 phút ngày 20/5, một độc giả giọng gấp gáp: “Ở khu du lịch Dìn Ký có vụ lật tàu du lịch. Nghe nói có hàng chục người chết. Đề nghị tòa soạn cử phóng viên xuống hiện trường". Nghe tin nóng này tôi vội cấp báo cho đồng nghiệp phía Nam để triển khai. Khoảng 2 tiếng sau, những thông tin ban đầu về vụ chìm tàu này đã được cập nhật trên trang báo.
Một sự việc mà nhà báo Tiến Dũng đến giờ vẫn còn “nóng hai tai” khi nhắc đến dịp Hà Nội rung lắc vì động đất nhẹ. Trong vòng 2 giờ đồng hồ điện thoại liên tục rung, chưa trả lời xong cuộc điện thoại này thì cuộc khác đang trong trạng thái chờ. Những tâm trạng: ngạc nhiên, hoảng hốt, bàng hoàng… đều được những độc giả gọi tới cung cấp thông tin cho báo. Với sự tương tác cao như vậy, hai số điện thoại đường dây nóng (một ở phía Bắc, một phía Nam) của báo Vnexpress luôn hoạt động hết công suất nhằm tiếp nhận thông tin độc giả cung cấp một cách nhanh nhất.
Sự tương tác giữa "Đường dây nóng" và độc giả còn thể hiện sự mến mộ và quan tâm của độc giả tới những sự kiện, nhân vật trong bài viết. Xuất phát từ bài viết thực tế của phóng viên tại địa phương “Vượt sông dữ bằng cách đu trên dây cáp”, đường dây nóng của báo Vnexpress đã nhận được nhiều cuộc điện thoại với tấm lòng thiện nguyện ủng hộ. “Hàng nghìn độc giả, trong đó có người trực tiếp tới nơi nhưng có người gọi qua đường dây nóng để hỏi thông tin cũng như cách thức quyên góp trong chương trình “Chung tay xây cầu Pôkô”, dù đối với chương trình này đã có số đường dây nóng riêng” – nhà báo Tiến Dũng chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Thanh Hà, giữ đường dây nóng báo VTC News cho biết: “Ngoài những thông tin về tai nạn, tệ nạn xã hội… thì đường dây nóng của báo chủ yếu tiếp nhận những thông tin từ người tiêu dùng. Khi tờ báo xác định trọng tâm nội dung là bảo vệ người tiêu dùng thì những bức xúc, trục trặc, thiệt thòi… mà người tiêu dùng gặp phải khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đều trút cả lên đường dây nóng”. Chính nhờ cầu nối này, VTC News đã vào cuộc tìm hiểu và đăng tải tin bài, giúp người tiêu dùng giải quyết sự cố. Đây cũng là một kênh thông tin để doanh nghiệp rút kinh nghiệm, làm tốt hơn việc chăm sóc khách hàng của mình. “Những sự việc nổi bật như xe Honda Lead loạn giá, xe Honda bị làm nhái công khai, xe Toyota bốc mùi, sữa Cô gái Hà Lan Vivinal Gos bị thu hồi do nghi gây dị ứng, xung quanh chuyện khuyến mãi giờ vàng gây bức xúc của Công ty Trần Anh, loạn phí gửi xe ở Hà Nội, thuê bao Viettel trừ tiền của khách hàng một cách vô lý… cũng đều xuất phát từ những thông tin quý giá qua đường dây nóng” – nhà báo Thanh Hà kể.
Dân trong nghề vẫn nhắc đến nhà báo Trần Chánh Nghĩa có hơn 10 năm gắn bó với "hotline" báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Theo nhà báo này, ngoài yếu tố luôn sẵn sàng để đi trong bất kỳ tình huống nào, phóng viên giữ đường dây nóng còn phải luôn chuẩn bị sẵn sàng đồ nghề để tác nghiệp như: điện thoại, máy ảnh, xe máy… ở tư thế sẵn sàng.
Thành tư vấn viên… bất đắc dĩ
Nhiều bạn đọc thậm chí coi "Đường dây nóng" như tổng đài 1080. Có người gọi đến chỉ để hỏi đường, hỏi số điện thoại, hỏi về thông tin cá nhân của những người nổi tiếng, thậm chí cách cài đặt máy tính, tâm sự giới tính, vào bất cứ giờ nào trong ngày. Với những thông tin như thế những phóng viên trực đường dây nóng ngoài việc phải nhanh nhạy trong xử lý tình huống còn phải biết… nhẫn nhịn! Có những cuộc điện thoại inh ỏi nửa đêm chỉ là để hỏi “Số đẹp có muốn bán không?”, “Em trót có bầu với người yêu, anh cho em lời khuyên?” hay “Anh có thể nói chuyện với tôi không? Tôi đang buồn… muốn chết”... “Không nghe sợ lỡ thông tin. Nhưng nghe rồi thì thật… phiền”, – nhà báo Thanh Hà kể về những cuộc gọi lúc nửa đêm...
Đáng buồn là "Đường dây nóng" lắm lúc còn tiếp nhận những tin nhắn thiếu văn hóa, những lời lẽ không mấy thiện cảm từ độc giả, phóng viên giữ "Đường dây nóng" phải thận trọng đáp lại. Khi phóng viên chưa kịp tới hiện trường thì đã nghe lời gắt gỏng: “Đường dây nóng sao mà nguội thế, chưa thấy ai đâu?” của độc giả là chuyện thường.
Ngoài cung cấp thông tin, nhiều độc giả còn góp ý ngay với tòa soạn về thông tin, lỗi chính tả trong các tin, bài… Hay những lời cảm ơn tới tòa soạn khi đăng thông tin minh bạch tới độc giả. Những kiểu “cùng làm báo” luôn được các báo trân trọng, coi đó như một kênh thông tin không thể thiếu.
Đằng sau những cuộc gọi luôn “nóng” ở đầu dây độc giả là chính những nhà báo giữ đường dây ấy luôn “nóng” với sự việc mình sẽ giải quyết ngay sau đó. Công việc này cũng đòi hỏi "sức căng”, "sức bật” và cả về thể lực, sức khỏe để … duy trì đường dây nóng luôn… “nóng” với độc giả.
Lê Vân