Anh Nguyễn Đình Tâm, xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) được người yêu thích sinh vật cảnh Vĩnh Long gọi là nghệ nhân thổi hồn cho cây cảnh bonsai với trên 80 tác phẩm bonsai được tặng giải thưởng tại các hội thi, triển lãm nghệ thuật bonsai trong tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đến với nghệ thuật trồng và ghép bonsai từ năm 1996 bằng lòng say mê, yêu thích các cây cảnh đẹp, anh Đình Tâm là một trong những nghệ nhân hàng đầu và khởi đầu phong trào chơi bon sai ở Vĩnh Long. Cây cảnh bonsai được du nhập từ Nhật, Trung Quốc. Thời gian đầu, anh Tâm rất khó tìm được tài liệu nghiên cứu về nghệ thuật này, chủ yếu là học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của những nhà vườn có cây cảnh đẹp.
Hình minh họa. Nguồn: Internet |
Anh tìm đến các nhà vườn tỉnh Tiền Giang tìm mua các loại cây: kim quýt, mai chiếu thủy, cần thăng, sung… có dáng đẹp, sau đó đưa về, dựa vào dáng ban đầu của cây cùng với trí tưởng tượng phong phú, mắt thẩm mỹ, sáng tạo và đôi tay khéo léo, anh Đình Tâm sửa chữa, cấy ghép, cắt tỉa lại để tạo dáng cho cây theo chủ đề. Theo anh Tâm, cây cảnh bon sai có 5 thế, dáng cơ bản là dáng trực (thẳng), dáng trực lắc ((hơi nghiêng), dáng xiên, dáng bay, dáng đổ.
Lúc đầu, mỗi cây đều có một dáng cơ bản nhưng chưa rõ nét nên nghệ nhân cần uốn sửa để đưa vào một thế kiểng mỹ thuật. Thời gian tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì, bình quân phải mất từ 2 - 3 năm đối với cây bon sai nhỏ và từ 5 - 10 năm đối với cây lớn.
Theo anh Tâm, yếu tố để người chơi bonsai thành công chính là có cái nhìn, tư duy sáng tạo trong tạo hình để thổi hồn vào tác phẩm, làm cho tác phẩm trở nên sống động. Nét mới của vườn cây cảnh bon sai của anh Nguyễn Đình Tâm là ngoài các cây nguyên liệu truyền thống, anh còn tạo hình bonsai thành công đối với các loại cây: đinh lăng, phi lao, hoa trang, hoa trinh nữ, xương rồng, cây me, mận, ổi, cây vú sữa … Đây chính là điểm thu hút người yêu nghệ thuật cây cảnh bonsai tìm đến tận vườn của anh Đình Tâm để tìm mua, đặt tiền ứng trước đối với tác phẩm ưng ý.
Từ người sưu tầm, theo đuổi nghệ thuật cây cảnh bonsai vì lòng yêu thích, những năm gần đây anh Tâm chuyển qua kinh doanh cây cảnh bonsai. Trong vườn bonsai của anh Tâm thường xuyên có 60 - 70 tác phẩm. Qua các cuộc triển lãm cây kiểng, khách yêu nghệ thuật bonsai tìm đến vườn, giá bán 1 tác phẩm dao động từ vài triệu đồng đến 20, 50 triệu đồng.
Để chủ động nguồn cây nguyên liệu, anh Tâm đầu tư xây dựng 4 vườn ươm cây giống với tổng diện tích 6.500 m2, trên 5.000 cây nguyên liệu, đầu tư màng phủ, hệ thống phun tưới tự động và lập sổ theo dõi quy trình ươm, chiết nhánh, quản lý dịch bệnh cây trồng. Anh Tâm còn tổ chức thêm ngành nghề phụ kinh doanh vật tư phục vụ chăm sóc cây kiểng. Hàng năm, vườn kiểng bonsai mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng, giúp anh nuôi dưỡng niềm đam mê đối với nghệ thuật bonsai và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ bonsai của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long, thành viên Ban giám khảo bộ môn bonsai, anh Tâm còn tham gia giảng dạy, hướng dẫn học viên, người yêu thích cây cảnh bonsai qua các lớp tập huấn của câu lạc bộ. Hàng năm, các tác phẩm bonsai của anh Tâm tham gia nhiều cuộc triển lãm, hội Hoa Xuân trong tỉnh và khu vực, góp phần phát triển nghệ thuật cây cảnh bonsai, mang lại nét đẹp thiên nhiên trong dịp Xuân về.
Huỳnh Kim Phượng