Nghị lực phi thường, cô gái không tay biến ước mơ thành hiện thực

Lê Thị Thắm, cô gái sinh ra với cơ thể khuyết tật, không có đôi tay ở xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa) vừa được tuyển dụng đặc cách làm giáo viên dạy tiếng Anh tại quê nhà. Cô gái 25 tuổi với nghị lực phi thường đã vượt lên số phận nghiệt ngã và viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường bằng đôi chân khiến nhiều người cảm phục.

Chú thích ảnh
Theo quyết định tuyển dụng, cô Lê Thị Thắm (sinh năm 1998, quê xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) được tuyển dụng vào làm giáo viên Tiếng Anh tại Trường Tiểu học và THCS Đông Thịnh, bắt đầu từ ngày 1/8/2023. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Như thường lệ, một buổi dạy học tại nhà của Lê Thị Thắm bắt đầu từ lúc 7 giờ. Trong căn phòng nhỏ hơn 20m2, bố mẹ Thắm đã tạo điều kiện tốt nhất cho con dạy học bằng cách trang bị hơn chục bộ bàn ghế, quạt, điều hòa, máy tính, máy chiếu, màn hình tivi... Không có đôi tay, Thắm kiên trì rèn luyện đôi chân, bắt chân phải cầm bút viết chữ, sử dụng máy tính, điện thoại, gõ bàn phím để phục vụ cho việc học và làm việc của mình.
 
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức, Lê Thị Thắm về quê nhà ở xã Đông Thịnh mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong thôn, xã, từng bước thực hiện ước mơ được trở thành cô giáo dạy tiếng Anh.
 
Ban đầu lớp học của Thắm chỉ có vài học sinh là con, cháu của người thân, dần dần tiếng lành đồn xa, “lớp học của chị Thắm” được nhiều người biết đến. Ngày càng nhiều phụ huynh tin tưởng cho con mình đến lớp học vì chị Thắm dạy rất dễ hiểu, các con tiếp thu bài rất nhanh. Mùa hè năm 2023, Thắm đang dạy cho 40 học sinh từ lớp 2 đến lớp 9, chia làm 3-4 buổi học trong ngày.
 
Em Nguyễn Ngọc Nguyên Phúc (học sinh lớp 7, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh, xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) cho biết: "Cô Thắm sử dụng thành thạo máy tính bằng đôi chân, tất cả các bài giảng, các slide hình ảnh, các video trình chiếu phục vụ cho việc dạy tiếng Anh cô Thắm đều tự mày mò, tìm hiểu trên máy tính. Những kiến thức cô truyền đạt cho chúng em đều rất dễ hiểu và bổ ích. Em rất thích được học tiếng Anh với cô Thắm”.
      
Chiều 28/7, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn), Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã trực tiếp trao quyết định tuyển dụng đặc cách làm giáo viên cho cô gái trẻ Lê Thị Thắm, người thiếu may mắn khi sinh ra không có hai cánh tay nhưng vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Theo quyết định, Lê Thị Thắm được tuyển dụng vào làm giáo viên tiếng Anh tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Đông Thịnh từ ngày 1/8/2023.
 
Nhận quyết định từ tay Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Lê Thị Thắm bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, xã đã giúp cô thực hiện được ước mơ của mình. Cô khẳng định sẽ cố gắng hết mình, trau dồi kiến thức chuyên môn, lấy khó khăn làm động lực để vươn lên và cố gắng nhiều hơn nữa trong dạy học.
 
Thắm cho biết: “Em hứa sẽ nỗ lực hết mình, khắc phục khó khăn của bản thân, trau dồi thêm kiến thức, rèn luyện chuyên môn, giữ vững tâm thế, tác phong của người giáo viên”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn trao quyết định cho cô Lê Thị Thắm. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Thầy Lê Bá Lực, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đông Thịnh cho biết: “Lê Thị Thắm là học sinh cũ của trường, hôm nay em chính thức nhận quyết định trở thành đồng nghiệp của chúng tôi. Nhà trường đã hoàn tất phòng học riêng biệt để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy của cô giáo Lê Thị Thắm như máy tính bàn, máy tính xách tay, máy chiếu… Trong đó bộ bàn ghế giáo viên được thiết kế riêng, ghế ngồi cao, vừa tầm để Thắm có thể dùng chân khi cần sử dụng đến máy tính. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để cô giáo Lê Thị Thắm hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp trồng người.”

Là người mẹ, người bạn đồng hành vượt qua biết bao khó khăn, vất vả cùng con gái suốt 25 năm qua, bà Nguyễn Thị Tình không giấu nổi niềm vui vì ước mơ được đứng trên bục giảng của con gái đã trở thành hiện thực nhưng cũng lo lắng cho sức khỏe và chặng đường tới đây của Thắm. Hiện sức khỏe của Thắm ngày càng yếu đi, không chỉ khuyết tật đôi tay, đôi chân của Thắm cũng không khỏe, Thắm còn mắc các bệnh về xương khớp, thoái hóa khớp, u tuyến giáp… và thường xuyên phải dùng thuốc điều trị, bổ trợ sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Tình chia sẻ: “Được cùng con gái lên nhận quyết định tuyển dụng từ tay Chủ tỉnh UBND tỉnh Thanh Hóa, tôi rất xúc động, không biết nói gì hơn xin lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành đã quan tâm, tạo điều kiện cho cháu. Là một người mẹ, tôi vui và tự hào về con gái của mình. Giờ tôi chỉ mong cháu có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt công việc và vững bước trên con đường tương lai”.
 
Được biết, trước đó trong Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Lê Thị Thắm là một trong 75 gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại Lễ kỷ niệm này, Lê Thị Thắm đã có bài phát biểu cảm động nói về quá trình học tập, rèn luyện và dạy học miễn phí cho các em học sinh. Thắm cũng bày tỏ nguyện vọng cháy bỏng muốn đứng trên bục giảng với vai trò là cô giáo.
 
Khi nghe xong phát biểu, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã chỉ đạo, giao Huyện ủy, UBND huyện Đông Sơn và ngành Giáo dục Thanh Hóa xem xét, thực hiện quy trình tuyển dụng đặc cách làm giáo viên đối với Lê Thị Thắm.
 
Phát biểu tại buổi trao quyết định tuyển dụng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: "Thay mặt lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tôi gửi lời chúc mừng, cảm ơn tới cô Lê Thị Thắm vì cô đã dám ước mơ và dám thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Tôi mong muốn, tấm gương của cô Lê Thị Thắm sẽ trở thành nguồn sức mạnh để cán bộ và nhân dân xứ Thanh có thêm niềm tin, động lực trong lao động, sản xuất, kinh doanh và cùng chung tay đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà”.
 
Việc đặc cách tuyển dụng cô Lê Thị Thắm làm giáo viên biên chế của ngành Giáo dục là việc làm nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng  bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với những số phận thiệt thòi nhưng đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Duy Hưng - Hoa Mai (TTXVN)
Tấm gương về nghị lực của chàng trai xương thủy tinh
Tấm gương về nghị lực của chàng trai xương thủy tinh

Mang trong mình căn bệnh “xương thủy tinh” đặc biệt, sống cùng nỗi lo sợ thường trực và những cơn đau dày vò, nhưng cậu học trò Nguyễn Thanh Quang, học sinh lớp 10A7, Trường Trung học Phổ thông Lý Tự Trọng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã không bỏ cuộc. Vượt lên số phận, Quang giành nhiều thành tích trong học tập, trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho mọi người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN