Tại chương trình nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá kết quả sản phẩm nghiên cứu của Đề tài. Theo đó, PGS.TS Trần Đình Thiên - Chủ tịch Hội đồng, công bố kết quả Đề tài xếp loại xuất sắc.
Hội đồng Đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học, gồm 7 thành viên, do PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, làm Chủ tịch; các thành viên Hội đồng, có: PGS.TS Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; GS. Phạm Văn Thức - Viện sĩ Viện Hàn lâm quốc gia (Pháp), nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y – Dược Hải Phòng; GS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; Viện trưởng Nguyễn Quốc Hải – Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế; ThS Trần Xuân Việt - Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam); TS Mai Văn Sỹ - Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec, Giám đốc Cty Duyên Hải.
Về phía các đơn vị chủ trì, có: Ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện IOHEC, Chủ nhiệm Đề tài; Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), Đồng Chủ nhiệm Đề tài; Bà Phạm Thị Mỵ - Phó Viện trưởng Viện IOHEC, Thành viên nghiên cứu chính Đề tài; Ông Đặng Việt Bách - Chủ tịch HĐQT Công ty thép Việt-Nhật, Nhà đầu tư cộng sinh công nghiệp KCN Nam Cầu Kiền, Thành viên nghiên cứu chính Đề tài.
Tham dự chương trình nghiệm thu, còn có: Các cán bộ, chuyên viên thuộc Nhóm Nghiên cứu Đề tài của Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, Công ty CP Shinec; các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài truyền hình VTC, Đài Truyền hình Hải Phòng, Báo Quân đội nhan dân; toàn thể cán bộ, phóng viên 2 cơ quan Tạp chí Bảo trợ truyền thông lộ trình Đề tài, là Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, Tạp chí Kinh doanh và Phát triển.
Trình bày trước Hội đồng nghiệm thu, ông Nguyễn Thiệu Anh - Chủ nhiệm Đề tài, nêu rõ: Mục tiêu Đề tài nhằm nghiên cứu Kinh tế tuần hoàn (KTTH) như một phương thức cho giải pháp của nền kinh tế trong thời đại 4.0, thông qua vai trò của mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Đồng thời, xác định được các tiềm năng, lợi thế, cũng như vướng mắc trong thực tiễn KCN Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, có lộ trình và kịch bản xu hướng chuyển đổi KCN thông thường sang KCNST; xây dựng được mô hình điểm về KCNST – KTTH, với các Bộ tiêu chí cụ thể, nhằm ứng dụng khả thi trong thực tiễn, giúp tăng giá trị tài nguyên, hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần phục vụ chương trình chiến lược chung vì mục tiêu Quốc gia bền vững.
Về phạm vi Đề tài, là nghiên cứu tổng quan lý thuyết, bài học kinh nghiệm thế giới về xây dựng KCNST - tổ chức KTTH đến thực tiễn KCN Việt Nam (không phải cho toàn bộ các lĩnh vực hoạt động); được thực hiện theo đánh giá, phân tích và khảo sát tại một số KCNST của cả nước, trong đó chọn mô hình điểm là KCN Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Lý do Đề tài chọn KCN Nam Cầu Kiền là mô hình điểm, bởi đây là KCNST đầu tiên do người Việt Nam tự vận động cơ chế thực hiện, mặc dù không nằm trong chương trình thí điểm chuyển đổi sang KCNST của cả nước (gồm 8 KCN), nhưng bản thân KCN này đã xây dựng được mô hình quản trị tài nguyên bền vững, khai thác và sử dụng tài nguyên theo nghĩa rộng (cả về tài nguyên vệ tinh và tài nguyên trực tiếp tham gia sản xuất), nhằm đáp ứng đầy đủ 2 phương pháp tiếp cận cho KTTH: Theo quy mô nền kinh tế, thành lập các không gian địa lý và Theo nhóm ngành sản phẩm, nguyên vật liệu. Qua đó, vượt ra khỏi bối cảnh một KCN, mô hình điểm nghiên cứu KCN Nam Cầu Kiền định hướng trở thành một “nền công nghiệp sinh thái”, dựa trên các tiêu chí theo Nghị định 82 của Chính phủ, tạo ra mục tiêu nghiên cứu của Đề tài từ chỗ xây dựng được khái niệm đầu tiên về KTTH trong KCN Việt Nam, đã xác định và đề xuất Bộ Tiêu chí KTTH có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Đề tài đã vận dụng phương pháp nghiên cứu so sánh đối chiếu, phân tích – tổng hợp, khảo sát, thống kê mô tả. Dưới góc độ học thuật, KTTH được nhìn nhận theo khuynh hướng triết lý, gắn liền với sự sống con người, do đó, Đề tài vận dụng học thuyết chủ nghĩa duy vật biện chứng, trên cơ sở lý luận thực tiễn về KTTH trong KCNST như một dạng vật chất được cộng sinh, luân chuyển trong vòng tròn khép kín, phù hợp với từng điều kiện để biến đổi từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác. Theo đó, dòng vật chất luôn được duy trì tồn tại, tham gia vận hành, phục vụ xã hội nhân sinh, thông qua quá trình chuyển đổi dạng thức bằng cách thiết kế chủ động tổng thể toàn bộ hệ thống.
Tại chương trình nghiệm thu, ông Phạm Hồng Điệp, Đồng Chủ nhiệm Đề tài, đã trình bày Báo cáo chuyên đề về mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền, qua đó làm nổi bật toàn bộ Cộng đồng Doanh nghiệp xanh và Cộng đồng An sinh xanh trong KCN này. Đồng thời, qua nghiên cứu thực tiễn, phân tích và khảo sát tại một số KCNST (nằm trong chương trình thí điểm và không thí điểm) của cả nước, để đưa ra số liệu đối chiếu so sánh với mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền. Từ đó, nhận định rõ tính đổi mới, sáng tạo, hiệu quả tại mô hình khảo sát điểm của Đề tài, đặc biệt về bảo vệ môi trường, phát triển và sử dụng hiệu quả vật liệu tái tạo, năng lượng mới gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy KTTH trong hệ thống quản lý và xử lý chất thải, ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam về phát triển công nghiệp môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, hướng đến kiến tạo thành công KCN Nam Cầu Kiền thành KCNST kiểu mẫu cho các KCN trong cả nước học tập, ứng dụng.
Trình bày trước hội đồng nghiệm thu, ông Đặng Việt Bách - Thành viên nghiên cứu chính Đề tài, đã khái quát chuỗi cộng sinh công nghiệp tại KCN Nam Cầu Kiền, trong đó, nhấn mạnh dây chuyền cộng sinh ngành thép. Theo đó, để xây dựng thành công KCNST phải có liên kết cộng sinh công nghiệp. Tại Nam Cầu Kiền, có 4 nhóm ngành sản xuất cộng sinh, gồm dây chuyền cấu trúc cộng sinh 18 đơn vị ngành thép, 8 đơn vị ngành nhựa, hơn 20 đơn vị phụ trợ điện tử, và các đơn vị Nhóm ngành khác.
Đánh giá nhận xét đề tài, PGS.TS Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, nhấn mạnh: Đề tài đã nghiên cứu được toàn bộ cả về lý luận và thực tiễn về KCNST - KTTH của thế giới và Việt Nam, đặt nền móng cho vấn đề rất mới trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp môi trường. Có thể nói, Đề tài đã vượt ra quy mô cấp cơ sở và ngang tầm cấp Bộ, cấp Nhà nước, với mục tiêu cụ thể, phương pháp nghiên cứu rõ ràng trên cơ sở phân tích, so sánh, vừa có tính lý luận khoa học, vừa mang tính thực tiễn cao. Đặc biệt, vượt ra phạm vi nghiên cứu các KCN, sản phẩm Đề tài có ý nghĩa mang tính bao trùm toàn bộ nền kinh tế, là tài liệu quan trọng nếu các doanh nghiệp, nhà đầu tư biết khai thác, nhất là học hỏi các tiêu chí về KCNST và KTTH mà Đề tài đưa ra. Để đề tài lan tỏa, đi vào thực tiễn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm và đơn vị chủ trì Viện IOHEC có báo cáo lên Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), để trình Chính phủ, giúp các bộ, ngành, có hướng sửa đổi Nghị định 82. Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Trần Đình Thiên công bố kết quả bỏ phiếu của 7 thành viên Hội đồng, theo đó đánh giá và chấm điểm xếp loại Đề tài đạt Xuất sắc.
Trước đó, tại chương trình nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đánh giá, nhận xét kỹ lưỡng đối với kết quả nghiên cứu Đề tài, tiến hành quy trình bỏ phiếu. PGS.TS Đặng Văn Thanh - Thành viên Hội đồng, đánh giá: “Công trình nghiên cứu của Đề tài đã thực hiện đầy đủ, hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu, đưa ra được mô hình điểm để ứng dụng thực tiễn. KCNST và KTTH là vấn đề mới đang trong quá trình nghiên cứu, do đó, các khái niệm thuật ngữ, văn phong trong công trình nghiên cứu là rất quý giá, cả về lý luận và thực tiễn. Số liệu, thông tin nghiên cứu có tính đại diện, có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy. Về cấu trúc, nội dung trong phần tổng hợp, có sự bố trí hợp lý. Các tác giả Nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đưa ra đề xuất từ thực tế tại KCN Việt Nam và Nam Cầu Kiền, để xây dựng bộ tiêu chí. Vì vậy, Viện IOHEC cần sớm trình đề tài lên VUSTA để báo cáo Chính phủ và gửi tới các cơ quan chức năng, nhằm phổ biến rộng rãi, ứng dụng trong thực tế".
Đồng ý kiến nhận xét với PGS.TS Đặng Văn Thanh, GS. Phạm Văn Thức - Thành viên Hội đồng, đánh giá cao đề tài khoa học. Dưới góc độ của người làm việc trong lĩnh vực sức khỏe - môi trường, GS Thức cho rằng đề tài đáp ứng tính cấp thiết trong bối cảnh phát triển hiện nay. Phần lý thuyết đã trình bày kỹ các kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn áp dụng tại Việt Nam. Đặc biệt, qua đánh giá phản biện, GS Thức kiến nghị, cần đưa vấn đề sức khỏe người lao động trong khu công nghiệp vào làm một đề tài nghiên cứu nữa, để có cái nhìn đa chiều so sánh giữa sức khỏe người lao động trong KCN thông thường và KCNST.
Chung ý kiến đánh giá và phản biện, tại Chương trình nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều nhấn mạnh, Đề tài đưa ra nội hàm trong KCN rất quan trọng đối với các doanh nghiệp, vì vậy cần dẫn dắt ứng dụng 4.0 vào quản lý doanh nghiệp tại KCN, KCN sinh thái. Trong bối cảnh khó khăn, nếu doanh nghiệp có lòng yêu nước, khát khao cống hiến thì sẽ làm được. Cần đề nghị nhà nước có chính sách khen thưởng với doanh nghiệp đi đầu trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, nhất là với các doanh nghiệp đi tiên phong làm KCNST và KTTH.
Phát biểu tổng kết chương trình, thay mặt các đơn vị chủ trì và nhóm nghiên cứu, Viện trưởng Nguyễn Thiệu Anh đã cảm ơn và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu, để Đề tài trở thành một sản phẩm trí tuệ có hàm lượng khoa học cao, phù hợp và nhân rộng, đi vào đời sống thực tiễn trong bối cảnh chung nền kinh tế, nhất là khu vực các khu công nghiệp.