Khảo sát hiện trường Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, Bộ Xây dựng đã từng có cuộc họp bàn với các nhà chuyên môn, đưa ra phân tích về sự khác biệt nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với các hình thái thiên tai phổ biến khác như: gió, bão, lũ lụt và động đất.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không thể dùng các biện pháp công trình để chống đỡ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với việc có thể thiết kế kết cấu chịu được gió bão, động đất. Trong khi đó, các quy định hiện nay trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất, địa hình để xây dựng lán trại, doanh trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vẫn còn “khiêm tốn”.
Theo Bộ Xây dựng, cần phải nhanh chóng soạn thảo hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng đối với hoạt động xây dựng mới; đồng thời, có hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời khẩn cấp đối với các công trình đang tồn tại trong các mùa mưa bão.
Vụ sạt trượt đất tại khu vực đóng quân của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Ngoài ra, mặt đường toàn tuyến Quốc lộ 12A đi qua Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị hư hỏng nặng. Đây là tuyến đường độc đạo nối liền Cửa khẩu quốc tế Cha Lo về nội địa Việt Nam.
Theo đó, đoàn công tác Bộ Xây dựng cùng các nhà khoa học khảo sát thực tế để nghiên cứu xây dựng được quy hoạch khu dân cư, quy hoạch về các trụ sở quân sự; quy hoạch các tuyến đường giao thông trong tương lai để hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại Quảng Bình, đoàn công tác của Bộ Xây dựng cũng ghi nhận, mặc dù đợt mưa bão cuối tháng 10 đã khiến những vùng trũng thấp, khu đô thị ở Quảng Bình, đặc biệt là các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hóa và Thành phố Đồng Hới bị ngập lụt sâu trên diện rộng nhưng một bộ phận không nhỏ người dân địa phương này đã được an toàn trên các công trình nhà tránh lũ.
Chị Bùi Thị Toan – xóm 3, thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ chia sẻ, gia đình đã tự xây căn nhà chống lũ vào năm 2019. Nhờ có căn nhà này nên đợt lũ vừa qua, dù nước lên to, sóng lớn nhưng gia đình chị vẫn được đảm bảo an toàn và giữ gìn được tài sản trong nhà.
Theo ông Lê Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, hàng năm, lũ lụt đã trở nên quen thuộc với người dân miền Trung. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử cuối tháng 10 vừa qua là lớn nhất từ trước đến nay. Mô hình nhà vượt lũ tuy mang lại hiệu quả nhưng chỉ phục vụ cho một số cá nhân, gia đình.
Đối với huyện Lệ Thuỷ - nơi có nhiều vùng xung yếu, dễ ngập lụt rất cần được hỗ trợ xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng với quy mô lớn, sức chứa nhiều người để việc “chạy lũ” đảm bảo an toàn hơn, di chuyển nhanh và thuận tiện hơn – ông Sơn bày tỏ.
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định, mô hình nhà chống lũ đã phát huy hiệu quả tốt, đảm bảo sinh mạng và tài sản cho người dân không chỉ trong mùa bão lụt năm nay mà duy trì tốt suốt 10 năm vừa qua.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của chương trình này theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với người dân nhằm đảm bảo an toàn trước bão lũ miền Trung.
Tại Quảng Bình, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã trao Uỷ ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình 1 tỷ đồng để giúp người dân khắc phục hậu quả thiệt hại do bão lũ.