Đến với các địa phương mưu sinh bằng nghề biển từ mũi phía Nam đến đầu phía Bắc của tỉnh Ninh Thuận, quang cảnh mua và bán của ngư dân diễn ra thật nhộn nhịp, sôi động. Mặc cho vô vàn khó khăn như giá cả, chi phí đầu vào tăng cao, ngư trường khan hiếm, thời tiết diễn biến phức tạp, giá hải sản bấp bênh..., trên khuôn mặt sạm nắng gió của những ngư dân Ninh Thuận vẫn tươi nụ cười. Họ vẫn kiên trì bám biển mưu sinh.
Tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, tuy mặt trời đã lên cao nhưng cảnh người người đi lại khiêng vác, trao đổi, mua bán vẫn diễn ra như mọi hôm. Trên nét mặt vô tư, nhiều chủ tàu với vóc dáng vạm vỡ cười vui cho biết: Khó khăn thì rõ rồi, chỉ mong sao biển yên, sóng lặng, cá nhiều, giá cao là chúng tôi vui rồi. Theo anh Trần Văn Diêm - chủ tàu chuyên thu mua hải sản ngoài khơi, giá hải sản hiện nay khá cao, có những mặt hàng tăng hơn 150% như mực, cá thu, cá cơm... nhưng không có hàng để bán. Riêng cá cơm, loại cá được dùng để chế biến nước mắm, giá tăng gần gấp đôi so với trước, từ 15.000 đồng/kg nay đã gần 30.000 đồng/kg. Mỗi lần tàu ra biển thu mua là đi hơn nửa tháng mới đưa hàng về cập bến bán, nhưng số lượng chẳng là bao so với trước.
Ngư dân cảng cá Mỹ Tân và Cà Ná vẫn tất bật chuẩn bị lưới ra khơi. |
Đến với các xã miền biển Phước Diêm, Cà Ná, huyện Thuận Nam, quang cảnh mua bán hải sản tại cảng cá Cà Ná tấp nập, tiếng ồn của người khuân vác, tiếng máy nổ nghiền đá ướp cá... Ông Trần Hồng Cường ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm bộc bạch: “Khó khăn nhưng ngư dân vẫn tìm mọi cách bám biển. Cứ mỗi chuyến ra khơi, không nhiều thì ít nhưng vẫn có sản phẩm để bán lai rai kiếm tiền xăng dầu, tiền chi ra khơi. Gia đình tôi có 3 chiếc tàu loại 110 CV, 250 CV và 350 CV. Để thuận lợi cho khai thác, giảm thiểu tối đa chi chí cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, chúng tôi liên kết lại với nhau tạo thành 5 tổ đội, loại từ 90 CV đến 400 CV, cùng nhau ra khơi đánh bắt xa bờ. Mỗi tổ từ 5 đến 7 chiếc tàu, đánh bắt mỗi hướng khác nhau, tuy nhiên hễ có ngư trường là thông báo cho các tổ khác cùng đến để vây bắt. Người nào đánh bắt ít thì gửi tàu đánh bắt được hơn chở về bán, sau đó mua nhiên liệu chở vào, những tàu còn lại bám biển, tìm kiếm ngư trường và thông báo cho nhau đến khai thác”.
Ông Phan Văn Hải, Tổ trưởng Tổ Đoàn kết số 3, xã Phước Diêm tính toán, trước đây mỗi chuyến đi biển (đi và về trong 1 tuần, loại tàu 340 CV), ngư dân phải chi ra từ 25 - 30 triệu đồng, hiện nay giá nhiên liệu tăng nên chi phí tăng gấp đôi. “Để đảm bảo đủ nhiên liệu cho tàu cá mỗi khi ra khơi và trả lương cho 12 lao động, tôi cũng như các anh em trong tổ đã cân đối lại thu chi rất nhiều. Tuy khó, nhưng anh em trong tổ cũng làm ăn được, không đến nỗi cho tàu nằm bờ. Cái được nhất là các thành viên trong tổ biết đoàn kết, biết hỗ trợ nhau về tình hình ngư trường, thời tiết, tổ chức các tàu dịch vụ cung cấp nước ngọt, nước đá, xăng dầu và thu gom, vận chuyển hải sản vào bờ tiêu thụ, tạo điều kiện cho các tàu khác hoạt động dài ngày hơn trên biển, nhờ vậy tiết kiệm được chi phí cho mỗi chuyến ra khơi”, ông Hải cho biết.
Là người luôn gắn bó, thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn của ngư dân vùng quê, ông Trần Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Diêm cho rằng: Ngư dân đang gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ liên kết cùng nhau ra biển nên cũng đỡ chi phí phần nào. Ngoài 5 tổ đoàn kết được thành lập trước đây ở 2 xã Phước Diêm và Cà Ná với 729 chiếc tàu thuyền tham gia, hiện nhiều ngư dân địa phương cũng tự thành lập tổ liên kết theo kiểu gia đình, dòng họ để đánh bắt hải sản, đỡ nhiều chi phí và hiệu quả khai thác cũng khá cao. Điển hình như tổ của hộ gia đình ông Nguyễn Ngó ở thôn Lạc Tân 1, xã Phước Diêm với chục chiếc tàu từ 90 đến 340 CV. Loại hình tổ đội này, tàu thuyền của họ cũng trang bị đầy đủ từ máy tầm ngư, máy định vị đến vô tuyến đường dài và cả điện thoại loại 12 băng. Các tổ liên kết này còn hợp tác với ngư dân các tỉnh từ Bình Thuận cho đến Kiên Giang, phối hợp thông tin ngư trường để cùng nhau đánh bắt. Hiện nay, ngoại trừ các tổ đội vẫn thường xuyên ra khơi đánh bắt, số tàu còn lại cũng đang gấp rút sửa chữa máy móc, sơn tàu thuyền, mua sắm bổ sung ngư cụ để chuẩn bị ra khơi khai thác khi ngư trường bắt đầu rộ.
Để gỡ khó và giảm bớt những gánh nặng cho ngư dân trong tỉnh, ông Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Ninh Thuận cho biết: Chi cục đã hỗ trợ 40% vốn để ngư dân ở tổ số 3, xã Phước Diêm mua 3 máy dò ngang, đồng thời hỗ trợ 50% vốn cho 9 chiếc tàu làm hầm cách nhiệt để muối đá, bảo vệ sản phẩm tươi khai thác dài ngày trên biển. Căn cứ vào tình hình đánh bắt thực tế và cộng tác viên báo cáo về, Chi cục đang xây dựng chương trình bản tin ngư trường, dự báo về tình hình ngư trường để báo cho ngư dân biết vị trí và tọa độ mà hải sản xuất hiện cũng như hướng di chuyển của nó để ngư dân đỡ hao tốn khi tìm kiếm đánh bắt. Hàng tháng, hàng quí, Chi cục sẽ căn cứ dự báo tình hình ngư trường của Viện Hải sản Hải Phòng để thông báo cho ngư dân địa phương biết thời điểm, vị trí loại hải sản nào sẽ xuất hiện nhiều để thuận lợi trong đánh bắt. Sắp tới, khi được hỗ trợ lắp đặt vệ tinh quan sát ngư trường, Chi cục cũng khuyến khích các tổ đội mở rộng ngư trường đánh bắt sang vùng DK 1 (đảo Trường Sa) hay các vùng đảo Phú Quốc... Dẫu là khó nhưng ngư dân ở Ninh Thuận không chùn bước, vượt mọi khó khăn, kiên trì bám biển, đánh bắt để mưu sinh.
Bài và ảnh: Công Thử