Ngày 30/4/1975, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 thuộc Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 Tăng thiết giáp dẫn đầu đội hình xe tăng trong mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn. Đồng chí Bùi Quang Thận trong Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử. |
Xe tăng 843 và 390 do Bùi Quang Thận trực tiếp chỉ huy đã tiến thẳng vào trung tâm đầu não của ngụy quyền Sài Gòn ở Dinh Độc Lập, anh là người cắm lá cờ chiến thắng trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lúc 11giờ 30 phút, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Bùi Quang Thận, sinh năm 1948, nhập ngũ tháng 11/1966. Cả tuổi quân, tuổi đời anh hơn tôi một năm. Tôi và anh quen biết nhau bắt đầu từ chiến dịch Huế - Đà Nẵng đầu xuân 1975. Đó là vào những ngày trung tuần tháng 3, đại đội của anh được tăng cường cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 phát triển chiến đấu trên khu vực trục đường 14 thuộc tây Thừa Thiên, sau đó phát triển xuống đồng bằng cùng các đơn vị của Quân đoàn 2 (Sư đoàn 324, Sư đoàn 325 cùng một số đơn vị trực thuộc khác) và lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đánh chiếm Phú Bài, trại Trần Cao Vân, nhà lao Thừa Phủ, Thành Nội, khu Mang Cá - sào huyệt cuối cùng của quân đoàn 1 ngụy... Đúng 13 giờ ngày 25/3/1975, từ Phu Văn Lâu, lá cờ chiến thắng vẻ vang tung bay trên bầu trời Huế, chính thức báo tin vui thành phố đã được hoàn toàn giải phóng.
Năng nổ, xông xáo, dũng cảm, và quyết đoán... đó là những hình ảnh đậm nét về tác phong chỉ huy chiến đấu của Bùi Quang Thận khi đó, còn lưu lại trong tâm trí của tôi mãi đến tận bây giờ.
Tôi còn nhớ ngày 23/3/1975, Đại đội 4 xe tăng do anh chỉ huy được giao cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đánh chiếm điểm cao 303, Núi Bông, Núi Nghệ... (lúc đó tôi là cán bộ tham mưu tác chiến của Trung đoàn được giao nhiệm vụ đi cùng đơn vị xe tăng để theo dõi nắm tình hình và chỉ thị mục tiêu). Do đặc điểm của địa hình là lầy lún, xe không cơ động được nên đơn vị anh chỉ dừng lại tại chỗ ở phía xa sử dụng hỏa lực chi viện cho bộ binh chiến đấu. Địch đã tập trung lực lượng đông có cả xe bọc thép, xe tăng phản kích liên tục nên suốt cả buổi sáng sang chiều, bộ binh ta vẫn không làm chủ được các mục tiêu theo kế hoạch. Phát hiện xe tăng ta, địch tập trung hỏa lực pháo ở căn cứ La Sơn và nhiều nơi khác bắn phá quyết liệt. Bùi Quang Thận không nao núng, vẫn bám sát trận địa, chỉ huy các xe của đại đội ngụy trang, cơ động, nghi binh ròng rã suốt cả ngày, vừa bảo đảm an toàn lực lượng, vừa tìm cách tiêu diệt các phương tiện, hỏa khí của địch, chi viện kịp thời cho bộ binh phát triển chiến đấu theo nhiệm vụ.
Ngày 24/3, khi có lệnh cùng bộ binh phát triển xuống đồng bằng, cầu đường bộ Phú Bài bị địch đốt cháy, phá sập, Bùi Quang Thận đã táo bạo chỉ huy đơn vị của mình qua sông bằng cầu đường sắt để kịp thời cùng bộ binh nhanh chóng đánh chiếm căn cứ Phú Bài theo kế hoạch. Bị bất ngờ, quân địch ở Phú Bài tháo chạy hỗn loạn, chúng hoảng hốt vứt lại toàn bộ trang thiết bị nặng, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy. Bùi Quang Thận đã chỉ huy bộ đội nhanh chóng thu 3 chiếc xe tăng M48 và 2 xe bọc thép M.113 để tăng cường lực lượng và sức đột phá khi tiến công chiếm đánh thành phố Huế. Lúc tiến đến cửa biển Thuận An, biết lực lượng địch tập trung tháo chạy theo đường biển rất đông và hỗn tạp, đang hoang mang dao động cực độ, Bùi Quang Thận cho bộ đội một mặt sử dụng hỏa lực bắn chỉ thiên uy hiếp, mặt khác dùng loa kêu gọi đầu hàng nên địch ở đây chống cự yếu ớt, ta làm chủ khu vực một cách nhanh chóng, an toàn, bắt nhiều tù binh.
Sau khi Huế và Đà Nẵng được giải phóng, Sư đoàn 324 chúng tôi được lệnh ở lại đây vừa củng cố, giữ địa bàn, vừa làm lực lượng dự bị của Quân đoàn và Bộ; riêng Đại đội 4 xe tăng của Bùi Quang Thận không một ngày nghỉ ngơi, được lệnh trở về đội hình của lữ đoàn cùng các đơn vị khác của Quân đoàn tiếp tục phát triển chiến đấu dọc miền duyên hải, giải phóng các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa,... đập tan tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa của địch ở Phan Rang, Phan Thiết, rồi tiến đánh Hàm Tân, Đồng Nai,... và tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định vào ngày 30/4/1975.
Sau chiến tranh, đến năm 1985 tôi được trở lại quân đoàn công tác, mới có dịp gặp lại Bùi Quang Thận, lúc này anh đã là Trung tá Lữ đoàn phó, rồi các năm sau là Thượng tá, Đại tá Lữ đoàn trưởng, Chủ nhiệm Tăng thiết giáp Quân đoàn. Những năm tháng cùng công tác ở Bộ Tham mưu Quân đoàn 2, lúc này tôi mới có điều kiện chuyện trò, tìm hiểu thêm về phút giây hào hùng nhưng lại đánh dấu một mốc son có ý nghĩa lịch sử lớn lao khi anh là người đầu tiên cắm cờ trên Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. Sự kiện ấy được anh Bùi Quang Thận bộc bạch rằng: "... Tiêu diệt xong căn cứ Nước Trong, đến 9 giờ sáng ngày 30/4, Đại đội 4 xe tăng chúng tôi quyết định vượt cầu tiến vào thành phố. Phía trước chúng tôi là chiếc xe của Đại đội 3 do ông Hùng chỉ huy bị xe tăng M41 bắn cháy. Xe 843 của tôi vọt lên tiêu diệt xe địch và tiếp tục vượt cầu. Khi đến Dinh Độc Lập thấy cổng đóng, tôi ra lệnh cho pháo thủ 2 Nguyễn Văn Kỷ giục pháo thủ 1 Thái Bá Minh nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập khai hỏa. Không hiểu sao đạn không nổ? Hai lần như vậy, tôi ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do anh Vũ Đăng Toàn, chính trị viên chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Thế là cả hai xe đều tiến vào bên trong. Tôi cầm theo lá cờ rồi chạy vào Dinh mà không mang theo một thứ vũ khí gì! Gặp Lý Chánh Trung (Bộ trưởng Bộ VHTT chính quyền Việt Nam Cộng hòa), tôi túm chặt tay bảo "Cho gặp tổng thống Dương Văn Minh". Thấy tổng thống Dương Văn Minh ra, tôi ra lệnh "Đưa tôi lên cột cờ Dinh Độc Lập". Dương Văn Minh đã nói với Lý Chánh Trung cho người dẫn tôi lên".
Cảm xúc của anh dâng trào, đầy xúc động, vì thế anh dừng lại một lúc rồi tâm sự tiếp: "... Tôi được đưa đến trước hai cánh cửa sắt, người dẫn đường ấn vào nút, hai cánh cửa dẹp về hai phía, bên trong hiện ra một khoang giống như cái thùng sắt đựng lúa của nông dân, sau này mới biết đó là thang máy, bởi từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi đã biết thang máy là thế nào đâu. Người dẫn đường mời tôi vào trước, tôi nghiêm mặt nhìn y đầy ngờ vực. Bọn này định thủ tiêu mình hoặc chí ít nó sẽ lừa mình nhốt lại làm tù binh, làm con tin chắc? Nếu vào đó nó nhốt mình luôn, biết bao giờ mới ra được! Sau khi nghe người dẫn đường giải thích, tôi đã bắt y vào trước, còn tôi vào sau".
Kể đến đây anh Bùi Quang Thận phá lên cười, rồi anh tiếp tục: "... Khi lên đến nơi, tôi hạ cờ ngụy xuống. Nhưng do cờ được buộc chắc chắn nên phải cắn bằng răng, sau đó treo cờ giải phóng vào. Kéo cờ mình lên, tôi lại hạ xuống, đưa tay xem đồng hồ. Tôi thận trọng ghi: 11 giờ 30 phút ngày 30/4 và ký tên "Thận" bằng chiếc bút máy Trường Sơn lên góc lá cờ Tổ quốc. Sau đó kéo cờ lên lại. Tôi đã quay đầu bước đi, nhưng rồi lại quay lại nhặt lá cờ của ngụy với ý định làm vật kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu. Lá cờ ấy sau này tôi đã trao lại cho bảo tàng nhà nước, vì nghĩ làm như thế sẽ có ý nghĩa hơn...".
Năm 2000, Bùi Quang Thận được nghỉ hưu sau 34 năm phục vụ tại quân ngũ. Như nhiều cựu chiến binh khác, sau khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn, anh nhanh chóng hòa nhập dòng chảy trước cuộc sống và cùng hòa chung, nghĩa tình với người thân, với quê hương của mình. Anh say mê tham gia các buổi sinh hoạt, các phong trào ở địa phương, không những thế, anh hoàn thành tốt trong việc đảm đương, chăm lo mái ấm gia đình của mình. Anh cùng vợ tích cóp được một số vốn mở cửa hàng gas ở ngay trung tâm phố biển Thụy Xuân, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Hàng ngày ngoài việc giúp chị bán hàng tại chỗ, anh còn dùng xe máy đến tận nhà thay bình gas cho khách. Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm, cua ở địa phương phát triển, Bùi Quang Thận cùng gia đình tập trung vốn đầu tư đấu thầu 4 sào đầm. Trừ những ngày bận họp hành, còn lại từ sáng đến chiều anh đều ra đầm tôm để trông nom, chăm sóc, nhiều hôm tối mịt mới về...
Ngày 24/6/2012, anh qua đời đột ngột tại quê nhà. Với thành tích đặc biệt xuất sắc của Bùi Quang Thận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng anh danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 30/10/2013. Vậy là những ý nguyện của bao đồng chí, đồng đội và quê hương, gia đình đối với anh giờ đây đã trở thành hiện thực có phải không anh?
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Quân đoàn 2 (17/5/1974 - 17/5/2014); 39 năm ngày chiến thắng 30/4 (30/4/ 1975 - 30/4/2014) và 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng (22/12/1944 - 22/12/2014), nhắc lại một vài kỷ niệm về Đại tá Bùi Quang Thận - AHLLVT nhân dân nhằm tri ân các thế hệ cán bộ chiến sĩ của Binh đoàn đã đổ bao xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng của dân tộc nói chung, trong đó có chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử và hào hùng nói riêng. Đó cũng là nén nhang thơm kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người anh hùng quá cố.
Hãy yên giấc ngàn thu anh Bùi Quang Thận nhé! Tôi và các đồng đội sẽ mãi mãi bên anh với tấm lòng yêu thương, cảm phục và kính trọng.
Nguyễn Tự Lập