Người chăn nuôi ở Hải Dương đã chủ động các biện pháp để kịp thời chống đói, rét cho đàn vật nuôi và gia cầm như quây kín chuồng trại, tích trữ thức ăn và sưởi ấm, tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm.
Gia đình ông Vũ Văn Lĩnh ở thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành mỗi tháng đều đặn cấp 4 tấn gà thịt ra thị trường. Hiện tại, ngoài chuồng gà thương phẩm, ông cũng có khoảng 1 vạn gà con. Ông Lĩnh cho biết, những ngày qua, trời rét đậm, ông đã tăng cường quây bạt che chắn chuồng nuôi, rải trấu dày và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Dự kiến khoảng 1 tuần tới, ông Lĩnh sẽ xuất chuồng khoảng 1.500 con gà mái để đáp ứng thị trường Tết Dương lịch. Đồng thời, ông tiếp tục chăm sóc khoảng 1.500 con gà trống để xuất chuồng sau đó khoảng 1 tháng phục vụ người tiêu dùng dịp Tết Âm lịch.
Ông Vũ Văn Lĩnh đã có kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi gà chia sẻ: "Thời tiết như hiện tại cần phải chống rét tốt cho đàn gà. Ngoài che bạt, rải trấu, với gà con còn phải chú trọng nhiệt độ, tăng 2 lần bạt che chắn và treo đèn sưởi ấm. Tôi bật 15 cái đèn hồng ngoại để đảm bảo nhiệt độ cho đàn gà con".
Để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia cầm, ông Lĩnh đã rất tuân thủ việc tiêm vaccine định kỳ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Riêng đợt rét đậm, ông Lĩnh chú ý bổ sung thêm lượng thuốc bổ cho đàn gà khỏe để chống chọi với giá rét và dịch bệnh.
Nhằm chủ động phòng chống đói, rét, bảo vệ đàn gia súc gia cầm, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp Hải Dương đã ban hành các công văn kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn và các phòng, ban địa phương hỗ trợ và hướng dẫn nông dân.
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn phòng kinh tế các thị xã, thành phố, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố, thị xã về các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi.
Các hộ nông dân chăn nuôi trâu, bò lưu ý gia cố, che chắn chuồng trại để giữ ấm và khô nền chuồng, dự trữ chất đốt hoặc đèn sưởi ấm cho gia súc những ngày rét đậm rét hại. Đồng thời, chú ý tăng hàm lượng dinh dưỡng cho thức ăn của đàn gia súc; lưu ý thường xuyên kiểm tra việc bảo quản thức ăn như rơm, cỏ khô; chế biến thức ăn để tăng giá trị dinh dưỡng cho thức ăn như thức ăn xanh ủ chua, rơm ủ u rê; chuẩn bị thức ăn tinh như bột ngô, sắn, cám gạo, các chất khoáng và vitamin trong thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho gia súc.
Các hộ nuôi lợn và gia cầm cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, che chắn không để bị gió lùa, bổ sung vitamin, men tiêu hóa đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, cho uống đủ nước sạch để nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng chống rét và dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đặc biệt lưu ý cơ quan chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh, phun thuốc tiêu độc, khử trùng bằng các loại hóa chất đúng quy định để giữ vệ sinh chuồng trại.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương, ước tính cuối năm 2023, tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt 19.850 con, tăng 1,6%; đàn lợn ước đạt 440.300 con, tăng 4,1%; đàn gia cầm ước đạt 16.709 nghìn con, tăng 4,7%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 141.971 tấn, tăng 7,1%; sản lượng trứng gia cầm đạt 610 triệu quả.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã sớm chỉ đạo các địa phương thực hiện tiêm phòng vụ Xuân và vụ Thu năm 2023 và tiêm bổ sung hàng tháng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm. Tính đến giữa tháng 12/2023, đơn vị đã cấp phát xuống các địa phương trên 270.000 liều vaccine dịch tả lợn cổ điển, 17.300 liều vaccine tụ huyết trùng trâu bò, 70.000 liều vaccine phòng bệnh tai xanh, 70.000 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng, 8 triệu liều vaccine phòng cúm gia cầm...