Huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ nằm ở độ cao hơn 1.600 mét so với mực nước biển. Với địa hình núi đá cao, nơi đây thường có nền nhiệt độ thấp nhất so với các huyện khác của tỉnh Lai Châu. Những ngày qua, huyện Sìn Hồ sương mù bao trùm khắp các bản làng, nhiệt độ luôn ở mức dưới 10 độ C.
Huyện có nhiều hộ gia đình chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế, với hơn 78.000 con gia súc; trong đó có 24.300 con trâu, gần 4.000 con bò và 52.000 con lợn. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn gia súc, huyện Sìn Hồ đã và đang triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền người dân tu sửa chuồng, trại chăn nuôi; vận động người dân không thả rông gia súc, lên rừng đưa gia súc về nhốt hoặc di chuyển gia súc từ vùng núi cao xuống vùng thấp.
Đồng thời, cử cán bộ xuống các thôn, bản tuyên truyền, vận động người dân không được chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C. Khi nhiệt độ tăng cao mới chăn thả và tranh thủ khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh cho gia súc để kịp thời phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Khắc Tiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, để bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa rét huyện Sìn Hồ đã có các văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan và chính quyền các xã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về các biện pháp phòng chống rét cho gia súc.
Nhiều gia đình nơi đây khi được huyện, xã tuyên truyền và hướng dẫn chăm sóc cho đàn gia súc đã chủ động lùa đàn gia súc về chuồng để nuôi nhốt và che chắn cẩn thận khi nhiệt độ xuống thấp. Người dân cũng tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp và pha thêm thức ăn có hàm lượng tinh bột cao cho đàn gia súc ăn, chuẩn bị thêm củi và trấu để sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống quá thấp để giảm thiệt hại trong chăn nuôi.
Gia đình chị Giàng Thị Pàng ở bản Hát Hơ, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ hiện đang nuôi 2 con trâu. Trong mấy ngày trời rét, nhiệt độ giảm sâu, để bảo vệ gia súc, vợ chồng chị đã đưa trâu từ lán nương về nhốt tại nhà để phòng chống rét. Ngoài việc dùng bạt quây kín nơi nhốt trâu, vợ chồng chị Pàng còn chủ động cắt cỏ và bổ sung thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho trâu. Do đây là tài sản lớn của gia đình nên vợ chồng chị Pàng rất quan tâm đến khâu chăm sóc.
Với các hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa số lượng lớn, vào mùa rét bà con đều di chuyển gia súc về vùng thấp tìm bãi chăn thả, làm lán ở và trồng thêm cỏ voi để phục vụ cho gia súc tránh rét vào mấy tháng mùa đông. Những hộ gia đình có 1, 2 con mà lại ở quá xa thì mới để lại chăm sóc tại bản.
Tương tự, tại huyện biên giới Phong Thổ những ngày qua nhiệt độ cũng giảm sâu, sương mù dày đặc vào đêm và sáng sớm khiến nhiệt độ giảm sâu, nhất là ở các xã biên giới phía Bắc của huyện. Toàn huyện hiện có trên 42.700 con gia súc; trong đó, trên 10.100 con trâu, hơn 1.370 con bò, còn lại là lợn, dê, ngựa. Sản lượng thịt hơi ước đạt trên 2.210 tấn.
Để bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi, kiểm tra và tiêm phòng vaccine định kỳ cho đàn vật nuôi; giám sát dịch bệnh, hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ nguồn nhiệt như than, củi, trấu để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm. Vận động các hộ chăn nuôi di chuyển đàn trâu, bò từ trong rừng về nhốt gần nhà để quản lý, chăm sóc thuận lợi.
Đồng thời, ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ các loại thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn. Đặc biệt, đôn đốc hướng dẫn nhân dân không đốt rơm, rạ sau khi thu hoạch, tranh thủ những ngày nắng thu rơm, rạ và các loại cỏ để phơi khô, bảo quản; tận dụng thân cây ngô, ngọn lá mía, bã mía, cỏ để ủ chua, ủ men vi sinh nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.
Hiện nay, tình hình chăn nuôi của nông dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản ổn định, tổng đàn gia súc ước năm 2023 đạt 353.350 con, tốc độ tăng đàn gia súc 5%/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 18.710 tấn; trong đó thịt lợn 11.610 tấn.
Ngay từ quý III/2023, UBND tỉnh Lai Châu ban hành công văn về việc chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản vụ Đông Xuân năm 2023-2024. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống đói rét, dự trữ thức ăn cho vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, nhất là các xã vùng cao, nơi đã từng bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại từ các năm trước.
Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả việc tiêm phòng; thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai phòng, chống đói rét cho gia súc và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi chết do đói, rét, dịch bệnh mà nguyên nhân chính do chủ quan lơ là hoặc chỉ đạo triển khai không nghiêm túc, thiếu quyết liệt.
Nhờ chủ động triển khai hiệu quả phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có trường hợp gia súc bị chết do rét đậm, rét hại gây ra.