Người dân được lợi nhờ chương trình bình ổn giá

Sau hơn 10 năm khởi xướng và triển khai, chương trình bình ổn giá tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành công cụ hữu hiệu để điều tiết hàng hóa, đảm bảo cung cầu và ổn định giá cả thị trường. Thông qua chương trình, nhiều mặt hàng thiết yếu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được đưa tới tận tay người tiêu dùng, từ đó góp phần giúp TP Hồ Chí Minh hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu kinh tế- xã hội đề ra.

 

Kiềm chế lạm phát


Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm 2012, tổng doanh thu bán lẻ toàn thành phố tăng hơn 17% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn mức tăng của cả nước (năm 2012 chỉ tăng 4,07%, trong khi cả nước tăng 6,81%). Đây là mức tăng CPI thấp nhất của thành phố trong 10 năm trở lại đây, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế trên địa bàn. Có được những kết quả này, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, là nhờ vào các chương trình đột phá của thành phố, trong đó có chương trình bình ổn giá. “Nhờ năng động, sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã đi tiên phong với chương trình bình ổn thị trường.

 

Những chuyến lưu động mang hàng bình ổn tới tận tay công nhân các KCN-KCX ở TP Hồ Chí Minh (ảnh chụp tại một buổi bán hàng lưu động trong KCX Linh Trung - Thủ Đức).

Đây được xem là một “sản phẩm đặc biệt” giúp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Mặt khác, chương trình còn là kết quả của sự kết tinh trí tuệ, tình cảm và sự lãnh đạo của UBND TP, với sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và giới doanh nhân, doanh nghiệp”, bà Hồng cho biết.


Theo đó, trong năm 2012, thành phố đã triển khai 4 chương trình bình ổn gồm: các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, dụng cụ học tập phục vụ mùa khai trường, mặt hàng sữa và dược phẩm thiết yếu. Kết quả cho thấy, có 48 doanh nghiệp tham gia với lượng hàng hóa tham gia chương trình bình ổn, chiếm từ 25 - 40% nhu cầu tiêu dùng thị trường và tăng từ 15-30% so với lượng hàng tham gia chương trình năm 2011. Ngoài ra, nếu năm 2008, chương trình bình ổn thị trường mới chỉ tập trung thực hiện trong ngành hàng thực phẩm với 208 điểm bán hàng thì đến năm 2012, chương trình đã mở rộng ra tới ba ngành hàng khác với trên 6.400 điểm. Đồng thời, hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động cũng đã được tổ chức tại khắp các quận, huyện với tổng doanh thu đạt 34,9 tỉ đồng.


“Đó là những minh chứng cho thấy hiệu quả và sức phát triển của chương trình qua từng năm, khi cả thành phố cùng chung tay chăm lo cho đời sống của người dân. Hiện nay, hàng bình ổn đã có mặt khắp thị trường, phủ rộng đến các quận, huyện ngoại thành, các địa bàn khu dân cư, đến các khu công nghiệp, khu chế xuất và bệnh viện, góp phần san sẻ bớt lo toan, vất vả trong cuộc sống của người lao động”, bà Hồng cho biết thêm.

 

Nhiều điểm mới trong năm nay


Điểm nhấn của chương trình bình ổn thị trường năm 2012 là sự phát huy tác dụng của hệ thống kênh phân phối với giá cả hợp lý, đưa hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Trong năm 2013, chương trình bình ổn của thành phố còn có nhiều điểm mới.


Trong năm 2012, giá trứng gia cầm biến động tăng, tuy nhiên khi doanh nghiệp bình ổn can thiệp kịp, giá trứng đã trở lại ổn định.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, để phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn, trong năm nay, UBND TP đã đề ra một số giải pháp để chương trình hoạt động chuyên nghiệp hóa và có sức lan tỏa lớn hơn. Theo đó, điểm nhấn đầu tiên là thành phố sẽ không ứng vốn với lãi suất bằng 0% cho các doanh nghiệp mà sẽ nâng cao năng lực, sự năng động của doanh nghiệp thông qua kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.


Điểm nhấn thứ hai là ngoài các doanh nghiệp trong nước, thành phố còn huy động 5 hệ thống bán lẻ nước ngoài tham gia chương trình để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.


Điểm nhấn thứ ba là thành phố đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành để tạo những vùng nguyên liệu ổn định, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng và đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý hơn.


Chương trình bình ổn năm 2012 ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố, của doanh nghiệp bình ổn mỗi khi có biến động về giá cả thị trường Do đó, trong năm 2013, chương trình sẽ tiếp tục phát huy vai trò này. “Doanh nghiệp tham gia chương trình luôn cập nhật thông tin và tích cực đưa hàng tới những khu vực có biến động giá để ổn định thị trường, không để xảy ra hiện tượng sốt hàng, tăng giá. Cụ thể, giá các mặt hàng trứng gia cầm trong năm đã biến động nhiều lần: đầu năm là giá trứng gà tăng, trong Tết và cận Tết Quý Tỵ, giá trứng vịt cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì giá bán bình ổn và kết hợp với hệ thống phân phối để đưa các chuyến hàng lưu động về khu vực có biến động giá. Tổng cộng đã có hơn 100 chuyến hàng lưu động được đưa tới vùng sâu, vùng xa để ổn định giá, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - một trong số những doanh nghiệp tham gia chương trình cho biết.

 

Sự đồng lòng của doanh nghiệp


Chương trình bình ổn có sức lan tỏa rộng rãi, theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, là nhờ sự tham gia nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp. Trong những năm đầu khi triển khai chương trình, đa số doanh nghiệp nhận trợ vốn với lãi suất 0%; nhưng đến năm 2012, các doanh nghiệp chỉ nhận một phần vốn và tới 2013, doanh nghiệp đã không nhận trợ vốn nữa. Tuy nhiên, họ vẫn cam kết cung ứng nguồn hàng dồi dào ra thị trường với giá bán hợp lý.


“Góp phần bảo đảm an sinh xã hội” Chương trình bình ổn giá của TP Hồ Chí Minh đã góp phần giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát hữu hiệu; giúp các doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh và phát triển sản xuất. Ngoài hiệu ứng kép trên chương trình còn giúp người dân giảm chi tiêu trong sinh hoạt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đó là kết quả quan trọng và cũng là mục đích cuối cùng của mọi chủ trương chính sách mà Nhà nước hướng đến và TP Hồ Chí Minh đã làm được điều đó. “Tạo niềm tin vào hàng nội” Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp còn gặp nhiều khó khăn thì việc triển khai chương trình bình ổn thị trường của thành phố không chỉ giúp nâng cao đời sống của nhân dân, chương trình còn giúp doanh nghiệp lấy lại được niềm tin vào thị trường nội địa, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, giành lại thị trường trong nước. Mặt khác, chương trình bình ổn còn trở thành công cụ điều tiết giá cả hữu hiệu thông qua sức lan tỏa và hiệu quả của chương trình.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong năm 2012, có hai chương trình mà khi tham gia doanh nghiệp nhận một phần vốn là chương trình bình ổn mặt hàng thiết yếu và dụng cụ học tập phục vụ mùa khai trường. Còn hai chương trình nữa doanh nghiệp hoàn toàn không nhận vốn hỗ trợ của Nhà nước là chương trình bình ổn mặt hàng sữa và dược phẩm. Theo đó, năm 2012, tổng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp 282 tỉ đồng (giảm 155 tỉ so với năm 2011). Tuy nhiên, số lượng hàng hóa tham gia bình ổn khá dồi dào và tăng so với lượng cung ứng hàng hóa năm 2011. Không những vậy, các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; được bán với giá cả hợp lý”.


Ngay từ những ngày đầu năm 2013, UBND TP đã giao cho Sở Công Thương thông báo đến các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đăng ký nhu cầu vốn dự trữ hàng hóa và đầu tư nhà xưởng, con giống, máy móc thiết bị… để thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng với lãi suất thấp. Hiện đã có 5 ngân hàng đăng kí tham gia trợ vốn cho doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Lý Thường Kiệt, Sacombank, Eximbank, BIDV Bến Thành, Viettinbank quận 7 với hạn mức tín dụng 1.900 tỉ đồng. Cụ thể, nguồn vốn vay ngắn hạn là 860 tỉ đồng với lãi suất 6%/năm, nguồn vốn vay trung và dài hạn là 1.100 tỉ đồng với lãi suất 10%/năm. Đây thực sự là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại để cùng doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả của chương trình bình ổn giá trong giai đoạn thị trường cần có sự bứt phá như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN