Những ngày này, về xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) nghe những người dân kể chuyện đất sụt lấn tới 2 – 3 m/ngày, ai cũng hoang mang lo sợ. Nhiều gia đình bị sạt lở mất công trình phụ, áp sát đến nhà ở, nhiều diện tích hoa màu, cây cối trị giá bạc triệu cũng bị nước cuốn trôi. Ban ngày thì bố trí người trông nhà, ban đêm cả nhà phải đi sơ tán ở nhờ, mà vẫn thấp thỏm lo.
Không chỉ thiệt hại về kinh tế
Bà Nguyễn Thị Kính, Trưởng khu 4, xã Hiền Quan cho biết, đã có 31 hộ trong khu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng sạt lở bờ sông. Trong đó, 9 hộ trong tình trạng nguy cấp, cần phải di dời ngay. Nhiều hộ đã bị thiệt hại về tài sản, nhẹ là cây ăn quả lâu năm, nặng thì nước sông đã tiến sát đầu hồi nhà, còn các công trình phụ, chuồng lợn, chuồng bò đều đã bị nước cuốn hoàn toàn. Ông Dư Văn Mùi, Trưởng khu 3 cho biết: “Khu tôi có 7 hộ đang cần được di dời khẩn cấp vì sạt lở đã đến đầu hồi nhà. Hàng chục hộ trong khu đã bị sông “ăn” hết đất đai, cây cối, công trình phụ, gây thiệt hại rất lớn mà các hộ không biết phải làm gì. Giờ đây, ở các khu 2, 3, 4, 5, nước sông lấn đến đâu, dân lại tiếp tục… lùi đến đó”.
Hộ ông Dư Kim Huấn ở khu 4, ngôi nhà nhỏ bé nép mình sát bờ sông Thao, nay chỉ còn lại nhà chính, toàn bộ công trình phụ đã theo nước sông trôi đi mất cùng với một diện tích lớn đất thổ cư. Hai ông bà già ở với nhau nên lo lắm. Ông Huấn cho biết: “Chỉ ban ngày tôi và bà nó mới dám ở đây thôi, tối đến thì lại phải di chuyển vào nhà anh con trai ngủ nhờ. Anh tính, sạt lở như thế này, cố ở lại cũng không được, mà có khi còn gây họa cho con cái”. Chia sẻ cùng với nỗi lo của bố mẹ, tối đến, cơm nước xong, anh con trai ông Huấn lại từ trong xóm tất bật ra “đổi ca”, để trông nhà cho bố mẹ về nhà mình ngủ cho yên tâm.
Còn ông Nguyễn Văn Lịch ở khu 3 bộc bạch: “Nhà tôi có cây gạo mỗi năm cho thu từ 30 đến 50 triệu đồng từ trầm gửi, giờ phải chặt bỏ vì nước đã “ngoạm” tới tận mép gốc”. Không chỉ mất cây gạo “hái ra tiền”, mà toàn bộ công trình phụ, cây ăn quả lâu năm như nhãn, hồng xiêm… của nhà ông cũng đã bị nước cuốn đi mất với tổng diện tích 600 m2.
Ông Đặng Văn Thái, Phó Chủ tịch xã Hiền Quan lo lắng: Với tốc độ sạt lở quá nhanh như hiện nay, nếu không sớm tìm ra giải pháp khắc phục, thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, nguy cơ các khu dân cư ven sông sẽ bị “xóa sổ”.
Cần có giải pháp cấp bách
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, cán bộ giao thông, thủy lợi xã Hiền Quan cho biết: Chưa bao giờ, sạt lở lại diễn ra nghiêm trọng như vậy ở dọc các khu bám sông xã Hiền Quan. Tình trạng sạt lở không còn diễn ra cục bộ nữa, mà đã kéo dài hầu như toàn tuyến, đe dọa trực tiếp tới nhiều hộ dân và khu dân cư. Nguy hiểm nhất là đất cứ sụt thấp dần, có nơi mấy chục mét vuông, sau đó mới bung xuống sông. Nhiều nhà đã bị nứt sân, nứt nền nhà và nứt cả tường, nguy cơ đổ nhà là hoàn toàn có thể diễn ra.
Sạt sở nghiêm trọng đang ngày đêm đe dọa tính mạng và tài sản của nhân dân xã Hiền Quan. |
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra từ ngày 26/4 vừa qua, bắt đầu ở các khu 3, 4, tuy nhiên mới chỉ sạt lở cục bộ, chủ yếu là đất thổ cư, đất vườn. Nhưng đến chiều 8/6, sạt lở đã diễn ra ở cả 4 khu, gồm khu 2,3,4,5 với 274 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hàng chục hộ đang trong tình trạng nguy cấp, cần phải di dời ngay. Nhiều nhà đã bị mất công trình phụ, cây cối, lâm lộc. Đáng chú ý, sạt lở đang uy hiếp 1 nhà thờ xứ và khu di tích lịch sử cấp quốc gia đền làng Hiền Quan, lăng mộ nữ tướng Thiều Hoa công chúa.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nước đổi dòng. Bởi lẽ, bờ sông Thao bên kia thuộc địa phận xã Xuân Huy (Lâm Thao) đã được kè cứng, làm cho dòng nước chuyển hướng, thốc sang bờ bên này. Nền đất yếu, mưa nhiều làm đất giữ nước cùng với việc dòng chảy hàng ngày liên tục thốc vào bờ sông, đã gây nên tình trạng sạt lở như hiện nay trên địa bàn xã Hiền Quan. Giải pháp trước mắt của chính quyền xã là, huy động nguồn nhân lực toàn xã để đắp đê quai, đóng cọc tre... Nhưng, giải pháp này cũng không mấy khả thi, vì chỉ sau mỗi trận mưa, bờ sông lại sụt lở rất mạnh...
Hiện nay, địa phương cũng đã tuyên truyền, lưu ý người dân đề phòng cảnh giác nguy cơ sạt lở đất; tổ chức di dời cho các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm và khu vực có nguy cơ sạt lở cao; cắm biển cảnh báo khoanh vùng để hạn chế người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí cán bộ trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin báo cáo thường xuyên, kịp thời với lãnh đạo cấp trên và các cơ quan chức năng có liên quan. Ngoài ra, xã đã có phương án, lập quy hoạch cấp đất cho số hộ dân phải di chuyển, nhưng hiện tại hầu hết các hộ dân sống ở khu vực nguy hiểm đang rất khó khăn, không có điều kiện để chuyển đến nơi ở mới. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp xử lý khẩn cấp đoạn sạt lở nêu trên bằng biện pháp thả đá hộc hộ chân, kè lát mái; đồng thời yêu cầu Sở này khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết để sớm triển khai thực hiện.
Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn