Cũng theo ông Phương, huyện đã không phải dùng các biện pháp mạnh nào mà qua quá trình đối thoại, tuyên truyền, người dân đã nhận thức được nên đã đồng thuận với chính quyền, cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Trong buổi đối thoại với đại diện người dân 3 xã kể trên trong chiều 14/1, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đã cam kết thực hiện các quy định của thành phố theo đúng tinh thần chỉ đạo của văn bản 194.
Cụ thể, dưới sự chứng kiến của người dân, huyện Sóc Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét (tính từ mét tường rào bãi rác - PV) của bãi rác Nam Sơn; đồng thời phát tờ khai kiểm đếm đất và tài sản trên đất; thành lập tổ công tác để thực hiện các quy định của nhà nước về đền bù giải phóng mặt bằng đối với bãi rác Nam Sơn.
Ngay khi có thông tin về việc người dân không còn chặn xe vào bãi rác, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, Công ty đã huy động thêm lực lượng, phương tiện khẩn trương thu dọn rác tồn đọng tại các quận nội thành; tăng chuyến xe vận chuyển rác về bãi rác Nam Sơn để xử lý rác theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, ngày 13/1, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 194/UBND - GPMB về chốt thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét tại bãi rác kể trên.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài Nguyên Môi trường trước ngày 17/1 trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho huyện Sóc Sơn (Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn) thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo ranh giới, chỉ giới quy hoạch vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 mét tại bãi rác Nam Sơn. Đồng thời, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng giao Sở này trước ngày 20/1 thẩm định hiện trạng, bàn giao cắm mốc giới ngoài thực địa vùng bán kính 500 mét cho huyện Sóc Sơn để làm cơ sở giải phóng mặt bằng.
UBND thành phố cũng giao nhiệm vụ cho huyện Sóc Sơn trong việc thực hiện đo đạc bản đồ hiện trạng vùng ảnh hưởng bán kính 500 mét của bãi rác trình Sở Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt; cắm mốc giới thu hồi giải phóng mặt bằng xong trước ngày 15/1.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội chỉ đạo huyện Sóc Sơn trước ngày 30/3 tiến hành lập, thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân theo thẩm quyền, đảm bảo tiến độ chi trả cho các hộ dân bắt đầu từ quý II/2019. Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố ứng vốn giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ phê duyệt của huyện Sóc Sơn.
Như TTXVN đã đưa tin, từ ngày 11/1, sau khi có hiện tượng người dân của ba xã kể trên thực hiện chặn xe ô tô vận chuyển rác vào bãi rác Nam Sơn, lãnh đạo huyện Sóc Sơn, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với người dân.
Theo lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, sáng ngày 14/1, tại tuyến đường phía Nam bãi rác Nam Sơn nối từ đường 35 huyện Sóc Sơn, người dân đã dỡ lều tạm nhưng vẫn còn tập trung đông người để ngăn chặn xe rác. Người dân ở đây bày tỏ mong muốn được thành phố quan tâm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi di dời khỏi vùng ảnh hưởng. Hiện nay, lãnh đạo huyện Sóc Sơn đang tiếp tục, gặp gỡ đối thoại, tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định chung của thành phố.
Bãi rác Nam Sơn là địa điểm xử lý chính rác thải của bốn quận nội thành Hà Nội với khoảng 4.000 tấn/ngày. Từ khi xe vận chuyển rác không thể đổ rác ở bãi rác Nam Sơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội đã phân luồng rác tới những bãi rác trên địa bàn, trong đó tập trung đưa rác vào bãi tập kết rác Cầu Diễn (Nam Từ Liêm).
Bãi rác Nam Sơn có diện tích khoảng 83 ha, với 9 ô chứa rác tiêu chuẩn. Trong đó có một số ô đã bị đầy tải, đóng không tiếp nhận rác. Để xử lý rác thải, thành phố Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ của Nhật Bản với việc đầu tư, xây dựng dự án đốt rác phát điện đầu tiên ở Việt Nam tại bãi rác Nam Sơn. Dự án có công suất xử lý 75 tấn/ngày chất thải công nghiệp và nguy hại, đồng thời tận dụng nhiệt phát điện với công suất 1.930kW. Lượng điện này một phần sẽ được phục vụ cho hoạt động nhà máy còn lại sẽ hòa lưới điện quốc gia.