Lượng du khách giảm do thời tiết lạnh, nhưng người dân Sa Pa vẫn kiên trì mưu sinh. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN |
Buổi tối, nhiệt độ ở thị trấn Sa Pa khoảng 4 độ C, nhưng không khó bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ người Mông, người Dao… trong trang phục dân tộc ngồi quanh nhà thờ, sân Quần, phố Cầu Mây… để bán những món đồ thổ cẩm. Mặc dù đã muộn, nhiều tuyến đường đã vắng bóng khách du lịch, nhưng những người phụ nữ này vẫn cố gắng chờ đợi một, hai vị khách cuối cùng trong đêm để bán hàng.
Bà Lý Cầm Mẩy ở bản Kim, xã Thanh Kim, huyện Sa Pa - người gắn bó với nghề bán thổ cẩm được ngót chục năm. Năm nay đã 56 tuổi, trừ những lúc ốm đau hay nhà có việc, còn lại bất kể ngày nào trong năm bà đều đi bộ gần 20 km từ xã Thanh Kim đến thị trấn Sa Pa, mang những sản phẩm thổ cẩm do chính tay mình làm ra để bán cho du khách. Bà Mẩy trải mảnh nilong trên vỉa hè, bày bán những chiếc túi, móc chìa khóa và rất nhiều đồ thổ cẩm xinh xắn.
Bà Mẩy chia sẻ: “Hàng ngày, tôi cứ đều đặn có mặt từ lúc 18 giờ đến tận 23 giờ, sản phẩm bán ra có giá thấp nhất từ 10.000 đồng lên tới 100.000 đồng. Ngày nào đông khách thì tôi thu về khoảng 200.000 - 300.000 đồng, nhưng cũng có ngày tôi không bán được thứ gì. Mấy ngày nay, thời tiết lạnh khách du lịch cũng ít nên tôi không bán được hàng. Dù thời tiết có lạnh đến đâu tôi vẫn ngồi ở đây để bán những sản phẩm thổ cẩm mình làm ra".
Tuyết phủ trắng đỉnh Fansipan những ngày qua. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Gần 20 năm nay, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh vợ chồng bà Nguyễn Kim Chung - Nguyễn Đại Dương, người bán nước, người thổi sáo. Công việc của ông, bà bắt đầu từ 18 giờ hôm trước đến 1 - 2 giờ hôm sau, cái lạnh của mảnh đất này với ông bà đã trở nên quen thuộc. Ông Dương bị khiếm thính bẩm sinh, phải dùng máy trợ thính nhưng lại có niềm đam mê đặc biệt với âm nhạc, có tài làm sáo và thổi sáo rất hay.
Ban đầu ông làm thợ cắt tóc, nhưng để thỏa mãn niềm đam mê của mình ông chuyển sang làm nghề bán sáo. Đêm đêm ông đem sáo ra Nhà thờ đá ngồi bán và thổi cho khách nghe, thu nhập từ bán sáo rất ít nên bà đã dọn một hàng nước ngồi cạnh bán cùng ông. Du khách ngồi nghe sáo sẽ được uống cốc nước quế hoa hồi và lắng nghe bà kể chuyện về cuộc sống vùng cao.
Mùa đông này bà bán thêm mía hấp để du khách có thể nhâm nhi hương vị ngọt ngào từ cây mía vùng cao. Với ông bà, mặc dù thời tiết giá rét nhưng hàng nước nhỏ bán mỗi đêm đã đem lại nguồn thu nhập giúp ông bà nuôi hai con ăn học, trang trải thêm cho cuộc sống và cũng là nơi để ông được thỏa mãn niềm yêu thích lúc tuổi già. Bên cạnh đó, ông bà cũng mong muốn quán nước sẽ là điểm nghỉ chân bình dân cũng như tiếng sáo dân tộc Mông của ông được nhiều du khách biết đến và những giai điệu đó không bị mai một.
Người dân Sa Pa lùa trâu xuống vùng thấp tránh rét. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Chị Nguyễn Thị Nga, tổ 9, thị trấn Sa Pa, nổi tiếng với món cháo đêm, đồ nướng ở đường cầu Mây. Chỉ với 4 - 5 cái bàn cùng hơn chục chiếc ghế, đêm nào chị cũng tận tình phục vụ khách ăn đêm tới 2 - 3 giờ sáng. Và dù thời tiết Sa Pa có xuống âm độ C, chị vẫn bán hàng như mọi ngày.
Chị Nga cho biết, gia đình chị không có đất nông nghiệp để sản xuất nên gần chục năm nay chị bán hàng ăn đêm để kiếm thêm thu nhập. Mấy ngày nay trời rét buốt, ban đêm còn có sương muối, chị phải chống rét bằng cách mặc thêm áo ấm, quấn khăn kín để bán hàng ăn đêm. Khoảng 2 - 3 giờ sáng nhiệt độ giảm sâu, lạnh quá chị còn phải cuốn thêm một lớp chăn mỏng để ấm hơn. Dù trời lạnh nhưng chị không dám bỏ công việc này, vì nếu nghỉ chị không biết làm nghề gì để có thu nhập cho gia đình.
Dù đã quen với thời tiết giá lạnh nơi vùng cao, nhưng để có thu nhập trang trải cuộc sống, người dân nơi đây vẫn duy trì các công việc mưu sinh của mình trong cái lạnh cắt da cắt thịt. Bên đống lửa nhen nhóm bằng củi khô, họ luôn lạc quan bởi từ trước tới nay công việc của họ vẫn luôn như thế.