Cách trung tâm xã Phước Thành chỉ 3 km nhưng xóm 4, thôn Cảnh An 1 lại nằm ở vị trí vô cùng cách trở với dãy núi Hòn Chà bao bọc phía sau và con sông Hà Thanh chảy vòng phía trước. Để đến trung tâm xã nhanh nhất, hiện nay người dân trong thôn phải đi qua một cây cầu tạm bắc qua sông với chiều dài hơn 100 m.
Theo ghi nhận, cây cầu tạm được làm bằng các loại cây gỗ nhỏ như bạc hà, keo. Trụ cầu được chằng chống sơ sài với các thân cây có đường kính từ 10-15 cm; mặt cầu được đan kết lại từ phần ngọn cây; hai bên không có lan can. Cây cầu tạm chỉ rộng gần 2 m. Khi cùng lúc nhiều xe máy, xe đạp đi qua, cầu đều bị rung lắc. Dưới sông có những khu vực hố sâu, nước chảy xiết. Người dân phải cắm bảng để cảnh báo nguy hiểm.
Chị Ngô Thị Thảo (xóm 4, thôn Cảnh An 1) cho biết, cây cầu tạm được người dân trong thôn đóng góp công sức và tiền của xây dựng hằng năm nhưng chỉ đi lại được trong mùa nắng (khoảng từ tháng Giêng đến tháng Chín âm lịch) khi nước sông cạn. Còn đến mùa mưa lũ (khoảng từ tháng Mười âm lịch đến tháng Chạp), nước sông dâng cao, cầu luôn bị cuốn trôi, hư hỏng.
Cầu tạm bị cuốn trôi, người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1 muốn đến trung tâm xã Phước Thành phải đi theo con đường dưới chân núi đến xã Long Mỹ (thành phố Quy Nhơn) hoặc một con đường khác đến phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) rồi vòng về trung tâm xã. Quãng đường đi vòng ở mỗi con đường trên ước tính trên 10 km. Tuy nhiên, những con đường này chưa được xây dựng đảm bảo, lại thường xuyên bị sạt lở và nước suối dâng cao nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Thảo cho biết: “Người dân chúng tôi mỗi khi mua vật liệu xây dựng để làm nhà cửa, mua máy móc sản xuất hoặc mua các vật dụng to, nặng, đều phải dùng xe máy cày trung chuyển theo con đường dưới chân núi để chở về nên chi phí cao hơn gấp đôi so với thông thường. Khi chở lúa hoặc gỗ keo trong thôn ra để bán thì cũng tốn nhiều công sức vận chuyển”.
Theo ông Đoàn Tấn Hồng (xóm 4, thôn Cảnh An 1), cách đây hơn 10 năm, người dân trong thôn muốn đến trung tâm xã, huyện phải dùng ghe, thuyền loại nhỏ để di chuyển qua sông. Sau khi cầu tạm được làm, học sinh đi qua cầu vẫn gặp nhiều nguy hiểm; đến mùa mưa nhiều em phải nghỉ học hoặc ở tạm nhà người thân tại trung tâm xã, huyện. Nhiều người khá giả trong thôn muốn mua ô tô, xe tải để phục vụ đi lại, sản xuất, nhưng cũng không được.
Theo ông Đoàn Sách (xóm 4, thôn Cảnh An 1), người đã sống ở đây đã gần 50 năm, từ khi thôn chỉ có một vài hộ dân, đến nay số hộ và nhân khẩu ngày càng tăng lên, nhưng người dân vẫn rất khó khăn trong việc đi lại. Dù đã nhiều lần trình bày nguyện vọng lên chính quyền địa phương mong có được một cây cầu kiên cố để thuận tiện trong việc đi lại và phát triển kinh tế, nhưng đến nay vẫn chưa thể có được.
“Tôi rất mong chính quyền địa phương xây dựng cho người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1 một cây cầu kiên cố. Đây cũng là mong mỏi của tất cả người dân trong thôn từ nhiều năm nay”, ông Sách chia sẻ.
Ông Lê Thành Việt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) cho biết, trong 10 năm nay, người dân xóm 4, thôn Cảnh An 1 liên tục kiến nghị việc xây dựng một cây cầu kiên cố để đi lại thuận tiện. Địa phương cũng nhận thấy việc xây dựng cầu là cần thiết nhưng do kinh phí khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được. Mới đây, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân huyện Tuy Phước đã thống nhất sẽ xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hà Thanh kết nối giao thông từ xóm 4, thôn Cảnh An 1 với trung tâm xã Phước Thành.